Được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ
đồng, nhà ở xã hội đã giảm được giá thành, giúp cho các đối tượng chính
sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức,
lực lượng vũ trang, công nhân,... không có khả năng mua nhà ở theo cơ
chế thị trường có cơ hội được cải thiện chỗ ở để an cư lập nghiệp.
Nhưng, để tiếp tục xây dựng, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ
có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn, Hà Nội nói
chung, người dân thu nhập thấp và doanh nghiệp Thủ đô nói riêng vẫn rất
cần được tiếp sức bằng một hệ thống đồng bộ các giải pháp về cơ chế,
chính sách, quy hoạch, quản lý và nhất là nguồn vốn vay ưu đãi.
Tầm nhìn quy hoạch
Nhìn một cách tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát
triển nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phù hợp với
định hướng của Đảng, điều kiện kinh tế của đất nước, theo từng nhóm đối
tượng và khu vực vùng miền.
Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà
ở, trong đó có nhà ở xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm, bởi nhu cầu về
loại hình nhà ở này vẫn còn rất lớn.
Các chuyên gia cho rằng, trước khi nói đến bài toán tài chính, điều kiện
thiết yếu làm nền tảng để phát triển nhà ở xã hội thực sự hiệu quả là
quỹ đất và một tầm nhìn quy hoạch khả thi.
Để làm được vấn đề này, trước hết, các đơn vị chức năng của thành phố
phải khảo sát, điều tra sát nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, cụ thể đối
với từng khu vực để phân bổ, bố trí xây dựng các dự án phù hợp, tránh
tình trạng nhà bán không người mua, nhà chưa bán đã có “gạch xếp hàng”.
Công
ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hà Nội số 5 đang tập trung
đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nhà ở xã hội ngõ 622 Minh Khai (quận
Hai Bà Trưng, Hà Nội) để phấn đấu hoàn thành vào quý 4/2017. (Ảnh: Vietnam+)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, để
chủ động đáp ứng quỹ nhà ở xã hội, thành phố đã thống nhất thông qua chủ
trương xây dựng 4 khu nhà ở xã hội tập trung và hiện đã giao cho các
nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết.
Đó là 2 khu tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (73,23ha); 1 khu tại xã Cổ
Bi, Gia Lâm (39,12ha); 1 khu tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì
(41,52ha).
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế
Hùng, khó khăn lớn nhất của Hà Nội hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư
xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư, cụ thể là đối với những dự án nằm ở
các vị trí mà hệ thống hạ tầng (giao thông, thoát nước) chưa hoàn chỉnh.
Một sáng kiến của Hà Nội để tiếp tục vươn dài chuỗi nhà ở xã hội theo
chủ trương của Chính phủ là đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện cơ chế
thu bằng tiền đối với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành để xây dựng nhà
ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10ha.
Điều này sẽ giúp thành phố tập trung vốn tạo quỹ đất sạch, đầu tư xây
dựng hạ tầng kỹ thuật đến ngoài hàng rào, xây dựng trường học, nhà trẻ
công lập.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất, Hà Nội nên dành thêm quỹ đất
sạch giao cho doanh nghiệp có năng lực thực hiện các dự án khu đô thị
có quy mô lớn, trong đó có cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Việc triển khai dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị mới sẽ đảm bảo hỗ
trợ hiệu quả, tạo sức hấp dẫn và phát triển bền vững của nhà ở xã hội.
Vốn tiếp sức
Liên quan đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, tại hội nghị “Diên hồng” về
nhà ở xã hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính,
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách
tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn
lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở
xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm
dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và trung ương bổ sung chương trình phát
triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn
ngân sách trung ương tại Quyết định 40 của Thủ tướng về phân bổ vốn đầu
tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Có thể nhận thấy rõ, khi thời điểm gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc,
nhiều người dân thu nhập thấp ở đô thị rơi vào trạng thái tuyệt vọng,
đứng trước khả năng phải bỏ dở “giấc mơ an cư.”
Dự án nhà ở xã hội Đại Kim. (Ảnh: Vietnam+)
Mong muốn lớn lao của nhiều khách hàng và cả chủ đầu tư hiện nay là có
thêm những gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi tiếp nối “chiếc đũa thần” 30.000
tỷ. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, sớm
cấp vốn để Ngân hàng chính sách xã hội cho chủ đầu tư và người dân vay
vốn theo Điều 17, Nghị định số 100/NĐ-CP.
Chị Thu Hoài, một giáo viên huyện Gia Lâm chia sẻ gia đình chị phải dành
dụm từ rất lâu mới có đủ nguồn tài chính ban đầu và vẫn kỳ vọng vào
nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để đăng ký mua nhà ở xã
hội. Nhưng gần nửa năm trôi qua, gia đình chị chỉ biết mòn mỏi chờ đợi.
Niềm mong mỏi của chị Hoài cũng là tâm trạng chung của hàng trăm người
dân, nhất là các cán bộ viên chức trẻ Thủ đô về một nguồn tín dụng hỗ
trợ đặc biệt để có thể mua nhà, bởi với lãi suất vay thương mại dao động
quanh mức 11-12%/năm sẽ là áp lực quá lớn.
Không chỉ có những nỗi lo từ những người thu nhập thấp có nhu cầu ở
thực, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô cũng rất
quan ngại.
Đứng đầu một doanh nghiệp có nhiều dự án nhà ở xã hội ở khu vực phía
Bắc, vấn đề mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Viglacera tha
thiết nhất vẫn là gói tín dụng cho người mua nhà.
"Dù biết ngân sách rất khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở của người nghèo,
công nhân vẫn là vấn đề cấp bách nên cần có thứ tự ưu tiên trong tín
dụng để hỗ trợ người dân mua nhà," ông đề nghị.
Đại diện Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí cũng bày tỏ, doanh
nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn trực tiếp để tiếp tục xây dựng
các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tạo mọi điều kiện tối ưu giúp người
dân tiếp cận được nhà ở xã hội.
Từ thực tế tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án, lãnh đạo
Công ty này cho biết, có tới hơn 90% khách hàng phải vay gói hỗ trợ
30.000 tỷ (với nhu cầu vay từ 70 - 80% giá trị hợp đồng mua nhà).
Tuy nhiên, khi kết thúc giải ngân gói vay ưu đãi, không những người dân
rất khó khăn về nguồn tài chính mà phía doanh nghiệp cũng lo lắng cho
“đầu ra” tiếp theo của dự án.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) do Tập đoàn
CEO Group làm chủ đầu tư hay dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông)
của Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát với tổng số gần 2500 căn hộ,
hiện đã và đang chuẩn bị hoàn thành, nhưng cũng do ảnh hưởng từ việc
dừng gói 30.000 tỷ nên phần lớn khách hàng không “mặn mà” với nhà ở xã
hội.
Cùng với những giải pháp về quy hoạch, nguồn vốn, Hà Nội khẳng định sẽ
tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ nhà ở xã hội. Hiện, thành phố đã thành
lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của chủ
đầu tư dự án nhà ở xã hội trong quá trình triển khai thực hiện, quản lý
và sử dụng.
Qua đó, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp
luật; đồng thời tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin dự án để
người dân biết, tham gia giám sát. Tuy nhiên, thành phố cũng kiến nghị
các bộ, ngành chức năng bổ sung vào Nghị định các quy định, chế tài xử
lý cụ thể đối với việc quản lý nhà ở xã hội…
Quan điểm tiếp tục phát triển chương trình nhà ở xã hội đã được khẳng
định với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến
địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Cơ hội sở hữu căn hộ cho người thu nhập thấp vẫn luôn hiện hữu, nhưng để
đảm bảo hiện thực hóa và nối dài những “giấc mơ an cư,” rất cần có
những giải pháp đồng bộ làm chìa khóa mở rộng cánh cửa nhà ở xã hội cho
người nghèo, người có thu nhập thấp đô thị./.
Minh Nghĩa (Vietnam+)