Thứ Bảy, 23/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 4/11/2016 9:1'(GMT+7)

Phú Thọ: Những nỗ lực trong công tác giảm nghèo ở huyện Thanh Sơn

Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với máy móc, thiết bị khoa học kỹ thuật.

Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với máy móc, thiết bị khoa học kỹ thuật.

Là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, Thanh Sơn có diện tích tự nhiên 62.177,06 ha; dân số trên 12 vạn người, trong đó có trên 61% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, ổn định và từng bước nâng cao điều kiện sống cho nhân dân các dân tộc trong huyện đạt nhiều kết quả tích cực; được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Sơn đã thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, cụ thể như chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chương trình 135; chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và nhiều chương trình dự án khác.

Từ năm 2011- 2015, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là từ chương trình 135 và các chính sách dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, với tổng nguồn vốn trên 103 tỷ đồng, huyện đã thanh toán trả nợ cho các công trình hoàn thành giai đoạn 2; đầu tư xây dựng mới 154 công trình cơ sở hạ tầng, trong đó 79 công trình thuộc các xã đặc biệt khó khăn và 75 công trình thuộc thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng 2; hỗ trợ sản xuất cho hơn 25.486 hộ dân về máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón các loại... với tổng kinh phí trên 20  tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện hiện tốt các chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 278 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với số tiền trên 4 tỷ đồng (năm 2015); cho 65 hộ vay vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012-2015, tương đương 520 triệu đồng (năm 2015)…

Cùng với đó, hàng năm, huyện còn cấp từ 210-220 nghìn tờ (cuốn )/25 loại báo, ấn phẩm, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 của Thủ tướng chính phủ. Năm học 2014-2015, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho 243 học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, với số gạo hỗ trợ 32.805 kg.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Lao động- TB&XH huyện cho biết: Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện thực sự là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế. Đến nay, các chủ trương, chính sách hỗ trợ đều phát huy hiệu quả, đặc biệt là các công trình đường giao thông, kết cấu hạ tầng, qua đó nhân dân đi lại thuận tiện và sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển.

Nhờ sự tập trung đầu tư của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ của cộng đồng, đời sống của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 28,01% đầu năm 2011 xuống còn 18,33% hết năm 2015 (theo chuẩn nghèo mới); cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh nghèo, trẻ em ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc diện nghèo được hỗ trợ chi phí học tập; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động…

Sau 5 năm thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình và chính sách về mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, với việc huy động tổng hợp và lồng ghép các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Xác định công tác giảm nghèo là nền tảng quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cấp ủy và chính quyền huyện tiếp tục ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là,
bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm cho các xã khó khăn; tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 nhằm giảm nhanh số hộ nghèo, cải thiện điều kiện sống và sản xuất cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo.

Hai là,
tiếp tục thực hiện các mục tiêu hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo; tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 4.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số.

Ba là,
tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Đồng thời lồng ghép tốt các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, thôn vào các chương trình; thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, giám sát đánh giá, trợ cấp cho người nghèo theo nguồn vốn được giao. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 là 10% trở lên./.

Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất