(TG) - Ngày 15/5 Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam”.
Hơn 20 tham luận của các đại biểu nhà khoa học và đại diện dòng họ, gia đình trình bày tại Hội thảo đã khẳng định những công lao, đóng góp của bác sĩ Phùng Văn Cung đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Vĩnh Long. Cùng với những tư liệu lịch sử và ý kiến nhận định thể hiện sự tôn vinh với một trí thức Nam Bộ yêu nước, Hội thảo cũng đã bổ sung nhiều tư liệu mới về thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của người bác sĩ trí thức - cán bộ cách mạng Phùng Văn Cung.
Bác sĩ Phùng Văn Cung sinh ngày 15/5/1909 tại xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là Long Hồ - Vĩnh Long), trong một gia đình nông dân. Ông là một trong những trí thức tiêu biểu luôn đi đầu trong các phong trào yêu nước của lực lượng trí thức miền Nam và Sài gòn trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Sau khi học hết tiểu học và trung học ở miền Nam, ông ra Hà Nội học tại Trường Đại học Y và được nhận Bằng Bác sĩ y khoa loại giỏi năm 1937 tại đây. Cùng học với ông có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cũng là một trí thức Nam Bộ và đều là những thầy thuốc giỏi, được nhân dân tin mến.
Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, theo lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Phùng Văn Cung tham gia giành chính quyền tại tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Từ năm 1957, ông lần lượt làm Giám đốc Y tế tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang), Rạch Giá (nay là Kiên Giang) và sau đó làm bác sĩ tại Bệnh viện Phúc Kiến thuộc tỉnh Chợ Lớn (nay là TP. Hồ Chí Minh).
Là bác sĩ tại Bệnh viện Phúc Kiến, ông được nhân dân trong vùng Chợ Lớn kính mến vì tấm lòng yêu thương, tận tình đối với bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo. Bên cạnh công việc của một bác sĩ, nhà trí thức Phùng Văn Cung luôn là người đi đầu ủng hộ hết mình các phong trào yêu nước và cách mạng của giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông đã không quản ngại mọi khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng; bất chấp mọi thủ đoạn tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, hăm dọa của kẻ thù để một lòng, một dạ hướng về cách mạng, sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ cán bộ đi kháng chiến hoạt động bí mật trong nội thành. Ông thường gửi thuốc men, tiền bạc ra vùng chiến khu để chữa bệnh cho các chiến sĩ cách mạng. Bà Bùi Thị Mè - Mẹ Việt Nam Anh hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội - Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhớ lại: Trong chiến khu, cán bộ, chiến sĩ của cách mạng thường nhận được thuốc men gửi vào từ nội thành, người gửi luôn dấu danh tính, song anh em trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn đoán được đó là tấm lòng đầy nghĩa cử của bác sĩ Phùng Văn Cung.
Năm 1960, khi chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đáp ứng lời kêu gọi của những trí thức yêu nước miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung đã từ bỏ nhà cửa, từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi đô thành, đem theo cả gia đình lên chiến khu - tại miền Đông Nam Bộ - cùng nhân dân chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Ngày 20/12/1960 tại khu vực Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, những người yêu nước đại diện cho các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái đã họp Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được Đại hội tín nhiệm cao, bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau đó, với tài năng, đức độ và uy tín của mình, ông được các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đội ngũ trí thức yêu nước khâm phục, cảm mến, bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của miền Nam, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam, đưa tiếng nói của nhân dân yêu nước miền Nam ra với bạn bè thế giới, góp phần để nhân loại tiến bộ trên thế giới hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh dũng cảm của nhân dân miền Nam.
Cuối năm 1961, lực lượng Võ trang Giải phóng miền Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được giới thiệu vào Uỷ ban Mặt trận với tư cách thay mặt cho giới trí thức Sài Gòn, cùng với một số người khác như ông Nguyễn Văn Linh - thay mặt cho Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, ông Lê Thanh - thay mặt Lực lượng quân giải phóng miền Nam...
Tháng 6/1969 tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cuối năm 1969, ông được cử làm Trưởng phái đoàn nhân dân miền Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội và miền Bắc. Tại đây, Đoàn đại biểu đại diện cho đồng bào miền Nam đã luôn nhận được những tình cảm yêu quý cùng với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2/1977, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của TP. Hồ Chí Minh... Ông mất ngày 7/11/1987 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 78 tuổi.
Kết luận Hội thảo khẳng định: Cả cuộc đời của bác sĩ Phùng Văn Cung là tấm gương sáng của một nhân sĩ, trí thức lớn đã sớm hòa mình vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Gần 30 năm trong vai trò là người lãnh đạo các phong trào của trí thức, nhân sĩ miền Nam, ông đã để lại nhiều ấn tượng cao đẹp về hình ảnh của một trí thức yêu nước và cách mạng đối với đồng bào miền Nam, nhất là đối với người dân nghèo nông thôn cũng như đô thị./.
Phạm Bá