Nhân dân Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong hành trình dặm dài ấy đã hình thành nên truyền thống tốt đẹp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1). Sự đúc kết đó mang nhiều ý nghĩa, trong đó nổi lên hai nội dung. Một là, chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam rất sâu sắc, nó được nuôi dưỡng qua hàng ngàn năm lịch sử, có nền tảng vững chắc trong cội nguồn của dân ta và trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc. Hai là, chủ nghĩa yêu nước đó được thể hiện cao nhất và rõ nhất khi nước nhà đứng trước họa xâm lăng. Trước nguy cơ mất còn của đất nước, người Việt Nam đã biết đặt lợi ích tối cao của dân tộc làm trọng, dẹp bỏ những tị hiềm để kết thành một khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô song đánh thắng kẻ thù. Đó là lẽ sinh tồn của người Việt Nam trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và được thể hiện sâu trong chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa trở thành người làm chủ đất nước. Tuy nhiên, niềm vui ấy thật ngắn ngủi. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược, thực dân Pháp nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hành động này của thực dân Pháp diễn ra ở vào một thời điểm mà dân tộc ta vừa trải qua bao hy sinh xương máu để giành được độc lập tự do, đã làm cho lòng căm phẫn và ý thức dân tộc của người Việt Nam lên cao chưa từng thấy, biến thành sức mạnh thiêng liêng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (2).
Với tinh thần ấy, từ năm 1950-1953, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta liên tiếp mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Trần Hưng Đạo năm 1951, Quang Trung năm 1951, Lý Thường Kiệt năm 1951, Hòa Bình năm 1952, Thượng Lào 1953. Thắng lợi của các chiến dịch trên là tiền đề quan trọng để quân và dân ta tiến lên đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp.
Như một điểm hẹn lịch sử, Điện Biên Phủ trở thành nơi mà cả dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp dốc sức để chiến thắng. Việc quyết định chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược là sự cân nhắc kỹ lưỡng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (3).
Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại mặt trận Điện Biên Phủ, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm kiên cường, ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ, là một trong những trận tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc bị áp bức chống lại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của đế quốc phương Tây. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ “là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” (4); đồng thời đó cũng là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (5).
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định, nó được huy động trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Chính Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu cao nhận thức, muốn đánh bại kẻ thù xâm lược, các tầng lớp nhân dân, các giai cấp cách mạng và tiến bộ trong nước phải đoàn kết lại. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, những khó khăn nặng nề chất đầy đôi vai của chính quyền nhân dân non trẻ, với danh nghĩa Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân thực hành đoàn kết. Người nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” (6). Tiếp đó, khi thực dân Pháp cố tình xâm lược nước ta, nhân dân ta không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng kháng chiến. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đánh giặc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” (7).
Khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng” được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt cả ở vùng tự do cũng như ở nhiều vùng còn bị địch tạm chiếm. Các đoàn dân công lên đường với tinh thần hăng hái, phấn khởi như đi trẩy hội, được tổ chức chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bằng tinh thần đoàn kết ấy, “đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 14.000.000 ngày công), 20.091 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về đảm bảo vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô” (8).
Đặc biệt đối với Lai Châu, nơi trực tiếp diễn ra chiến dịch. Tuy trận mạc gây nhiều khó khăn, cộng với những khó khăn thường nhật của một tỉnh miền núi cao, xa xôi hẻo lánh, nhưng nhân dân nơi đây vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ của mình. Nhân dân đã “cung cấp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt mức trên giao 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn; 112 tấn rau xanh; 16.972 người đi dân công với 517.210 ngày công; 348 ngựa thồ; 38 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ chống lầy. Có địa phương như Tuần Giáo, đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho chiến dịch. Lại có những địa phương như châu Điện Biên Phủ, nơi chiến trường chiến đấu quyết liệt, cũng vẫn đóng góp 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau, 38.000 ngày công” (9).
Những con số nêu trên thật to lớn đối với một đất nước còn quá nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước quyết liệt. Nhưng ý nghĩa của nó còn lớn hơn, bởi đó là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên hầu khắp đất nước, là tinh thần cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc. Đánh giá về tinh thần đại đoàn kết toàn dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc… Bọn đế quốc… không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch” (10).
Để góp sức với chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các địa phương đã tham gia phục vụ tích cực cho các lực lượng vũ trang, chủ động mở các chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng. Nhờ đó, không những ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mà còn buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, các đơn vị địch bị giam chân ở nhiều nơi, mâu thuẫn giữa tập trung và phấn tán của chúng vì thế càng thêm sâu sắc. Những cuộc tiến công vào các tuyến vận tải, đặc biệt là tuyến hàng không đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề và hạn chế rất đáng kể khả năng tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong cả nước, nhân dân các địa phương từ Nam đến Bắc đã nhất tề vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh trên mặt trận văn hóa liên tiếp nổ ra, làm cho hậu phương của địch từ nông thôn đến các đô thị, luôn luôn bị náo động, không lúc nào bình yên.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc còn được thể hiện sâu sắc trong công tác binh vận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta không những làm phá sản kế hoạch dự định nâng số quân ngụy lên 29 vạn tên vào năm 1953-1954 của thực dân Pháp, mà chỉ tính riêng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đã vận động được hơn 32.000 ngụy binh trở về với kháng chiến (11), trong đó chị em phụ nữ đã vận động được 17.000 người (12), làm cho khả năng tăng quân tiếp viện cho Điện Biên Phủ của địch vì thế bị hạn chế. Ngược lại, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho mặt trận, nhân dân các địa phương đã ra sức động viên thanh niên lên đường nhập ngũ giết giặc lập công. Theo dự kiến vào đầu năm 1954, ta chỉ chủ trương huy động thêm 4.000 tân binh, nhưng trên 25.000 tân binh đã được tuyển chọn và bổ sung kịp thời cho mặt trận.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định. Sức mạnh đoàn kết ấy dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, do đó đã phát huy cao độ lòng yêu nước của đồng bào, cổ vũ, động viên toàn dân tộc đứng lên kháng chiến, tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên trên những hành trình mới, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch lịch sử này vẫn mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trở thành bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, rất cần được chắt lọc và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh./.
ThS. Lê Văn Phong
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t. 6, tr. 171
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 480.
(3) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H, 1996, tr. 202
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 261
(5) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. ST, H, 1970, tr. 50
(6) (7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 246-247; 480
(8) Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - Bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ 2009, tr. 3
(9) Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb. CTQG, H, 2005, tr. 2005
(10) Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb. QĐND, H, 1974, tr. 158-159
(11) Báo Nhân dân, số ra ngày 27-6-1954.
(12) Nguyễn Thị Thập (Chủ biên): Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, H, 1980, t. 1, tr. 162