Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 24/4/2020 10:29'(GMT+7)

Nhân 45 năm thống nhất đất nước: Gặp lại người Anh hùng phá bom mìn

Anh hùng Trần Kim Xuân với những kỉ vật chiến tranh. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Anh hùng Trần Kim Xuân với những kỉ vật chiến tranh. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Những ngày cuối tháng Tư là lúc nhân dân cả nước cùng hướng về kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước.

Với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Trần Kim Xuân (hiện ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), những ký ức về chiến tranh, về những trận đánh và những lần đi rà phá bom mìn lại ùa về nguyên vẹn như xưa.

Chúng tôi gặp ông Trần Kim Xuân (sinh năm 1936) trong ngôi nhà nhỏ vào buổi xế chiều trung tuần tháng Tư.

Thứ quý giá nhất trong căn nhà đơn sơ của ông Xuân có lẽ là những tấm huy chương được lưu giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua. Ông coi những kỷ vật ấy như những vật báu trong cuộc đời theo cách mạng của mình.

Năm 1962, cũng như bao thanh niên yêu nước, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Kim Xuân hăng hái lên đường nhập ngũ và được phân về Đại đội Công binh Trung đoàn 141, Sư đoàn 312.

Năm 1967, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Vốn nhanh trí lại can trường, ông Xuân được phân công về Phân đội 2, Đội 93, chuyên phá gỡ bom mìn tại các bến phà, cầu cống, đường từ phà Bắc Ninh, Hà Nội vào đến Ninh Bình, Thanh Hóa để bảo đảm giao thông thông suốt cho các chuyến hàng chi viện vào tiền tuyến miền Nam.

Ông Xuân kể thời điểm đó, địch ném bom ở đâu, những người lính phá bom mìn có mặt ngay ở đó để tháo, phá những quả bom, mìn chưa nổ, đảm bảo cho tuyến đường xe qua được an toàn.

Công việc phá bom có những nguyên tắc khắt khe, đòi hỏi người lính phải có sự gan dạ, nhanh trí. Khi đi phá bom, người chiến sỹ không được mang vật gì bằng sắt thép; mỗi lần vào phá bom, chỉ một người được vào, tiếp cận dưới 10 phút.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Kim Xuân chia sẻ: “Đối diện với bom mìn, ai cũng sợ nhưng vì nhiệm vụ, trách nhiệm nên những người lính phá bom, chúng tôi tự chấn tĩnh bản thân, chỉ mong sao những con đường hết bom mìn, người xe đi lại an toàn.”

Bước sang năm 1968, khi không quân Mỹ tăng cường ném bom trên tuyến đường Trường Sơn, ông Xuân cùng đồng đội được tăng cường về Binh đoàn 12 làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn dọc tuyến đường 20 từ Quảng Bình đến chân đèo Phu La Nhích.

Nơi đây là "tọa độ lửa" địch bắn phá rất ác liệt với mục đích cắt đứt sự chi viện của miền Bắc dành cho miền Nam. Mỗi ngày máy bay Mỹ oanh tạc nhiều đợt, ném nhiều loại bom mìn như bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường... xuống nơi đây. Ban ngày, quân địch tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm, địch thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rocket...

Những năm tháng làm nhiệm vụ tại đoạn đường huyết mạch mà địch tập trung đánh phá, ông Xuân đã gặp không ít hiểm nguy. Có những lần tưởng như không thể sống sót để trở về, nhưng rồi ông và đồng đội lại can trường đứng dậy, tiếp tục làm việc suốt đêm ngày để đảm bảo mạch nối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Trần Kim Xuân chia sẻ lúc đó, phương tiện kỹ thuật còn rất thô sơ, công việc phá bom đòi hỏi sự cẩn trọng, nhanh chóng cũng như khéo léo của từng người chiến sỹ. Mỗi loại bom, mìn sẽ có cách phá khác nhau. Vì vậy, tôi cùng đồng đội ngày đêm nghĩ cách làm sao phá được nhiều bom, mìn nhất mà vẫn phải đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng đội.

Khi có bom đánh xuống, ông cùng đồng đội phải đi trinh sát, tìm hiểu để về lên phương án phá, dỡ đối với từng quả bom. Mỗi lần như vậy mất khá nhiều thời gian và công sức. Do đó, ông cùng đồng đội đã nghĩ ra những phương án mới.

Đối với những đoạn đường trọng điểm, ông cùng đồng đội cho đào rãnh sâu tầm 30-40cm ở hai bên đường, sau đó chôn dây điện, nối dây điện ở hai bên lại với nhau rồi làm một điểm hỏa. Khi có bom đánh xuống, chỉ cần người phá bom ngồi ở điểm hỏa sập cầu giao xuống, bom sẽ nổ.

Còn đối với mìn vướng nổ, ông cùng đồng đội vào rừng lấy dây mây, dây song, dây mái dài rải dọc đường, vừa để ngụy trang, vừa để khi có bom vướng vào chỉ cần cầm đầu dây kéo đi, đẩy lại là bom nổ.

Những sáng tạo của các ông trong việc phá, dỡ bom mìn đã được nhiều đơn vị vận dụng, đảm bảo tuyến đường giao thông huyết mạch để từng đoàn xe an toàn chi viện cho chiến trường miền Nam.

Xúc động nhớ lại giây phút lịch sử chiến thắng của Quân đội ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Kim Xuân tâm sự: Lúc nghe tin chiến thắng, đơn vị của tôi đang làm nhiệm vụ rà, phá bom mìn ở kinh thành Huế.

Lúc này, không ai bảo ai, mọi người ôm chầm lấy nhau hạnh phúc đan xen những giọt nước mắt. Không vội ăn mừng, tôi và đồng đội lại tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ rà, phá bom mìn để đón người dân trở về vùng giải phóng an toàn.

Suốt hơn 20 làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, ông Xuân đã chiến đấu, chỉ huy chiến đấu 52 trận; trực tiếp phá nổ 3.986 quả bom, mìn các loại; tháo gỡ 8 mìn chống xe tăng và 75 đầu nổ các loại. Ghi nhận những đóng góp đó, năm 1978, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu năm 1990, ông Xuân tiếp tục được Binh đoàn 12 mời làm cố vấn, tham gia và phá gỡ bom, mìn của địch phục vụ xây dựng đường điện 500kV Bắc-Nam và đường Tây Trường Sơn.

Ông Nguyễn Xuân Quỳ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đình Chu, cho biết sau khi nghỉ hưu, ông Trần Kim Xuân từng giữ vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đình Chu.

Ông Xuân luôn nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, những lúc rảnh rỗi, ông Xuân vẫn thường xuyên cùng đại diện Hội Cựu chiến binh xã đến thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ.

Bên cạnh đó, ông Xuân còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ văn của huyện Lập Thạch. Dù tuổi đã cao, ông vẫn dành nhiều thời gian tham gia các cuộc gặp mặt, trò chuyện với học sinh để "truyền lửa" lại cho thế hệ trẻ, động viên các em phấn đấu học tập, lao động làm giàu cho quê hương, đất nước./.

Nguyễn Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất