Thứ Ba, 3/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Sáu, 27/8/2021 9:52'(GMT+7)

Nhân cách văn hóa lớn của người “Anh Cả” Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

KIỂU MẪU VỀ NHÂN CÁCH

Tố chất, phẩm chất nhân cách của người Quân nhân cách mạng được định hình từ hình mẫu Võ Nguyên Giáp trong thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ. Vâng lệnh của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập đội tiền thân của quân đội đáp ứng yêu cầu của cách mạng đấu tranh giành chính quyền, thực hiện giải phóng dân tộc. Với vị trí, cương vị của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện đầy đủ phẩm chất, năng lực trong tổ chức và chỉ huy quân đội. Một hình mẫu về người đứng đầu trong tập hợp, tổ chức, giáo dục, giác ngộ chính trị cho những đội viên của đội tiền thân quân đội khi vừa mới ra đời. Với đức độ, tài năng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thật sự thu phục được nhân tâm, tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin, xây dựng ý chí quyết tâm cho quân đội trong thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc.

Được giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không chỉ với tư cách là một vị tướng quân sự, mà quan trọng hơn là một người “Anh cả” đầu tiên của quân đội, dường như Người đã kiêm cả quân sự và chính trị. Chính vì vậy, theo chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(1). Với nội dung đó, “chính trị trọng hơn quân sự”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết phải là người anh, người chị - người chính trị, người chính ủy của đội quân ấy. Khi được giao trọng trách thành lập Đội tuyên truyền giải phóng quân, lấy chính trị trọng hơn quân sự cũng có nghĩa là Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến hành “công tác đảng, công tác chính trị” là cơ bản, sau mới đến quân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm tròn bổn phận của người chính ủy, chính trị viên thực thụ ngay từ những ngày đầu thành lập theo đúng lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt”(2). Với vai trò, vị trí ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo ra được sức mạnh chính trị tinh thần to lớn cho đánh thắng những trận đánh ngay từ ngày đầu thành lập.

Như vậy, thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết ở phẩm chất, đức độ và tài năng của một nhân cách văn hóa lớn - người “Anh cả” đầu tiên của Quân đội ta.

KIỂU MẪU VỀ THỐNG NHẤT GIỮA CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với “Văn võ song toàn” là một sự hội tụ hiếm có trong lịch sử.n chứa trong đó là mẫu hình thống nhất giữa chính trị và quân sự, là phương châm chỉ đạo xây dựng nhân cách của đội quân cách mạng - nhân cách của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Trước hết, Đại tướng là nhà chính trị tiêu biểu trong đội quân cách mạng ấy. Ngay từ khởi đầu và xuyên suốt đến sau này, trong quá trình hoạt động chính trị, Người luôn lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người là khát vọng cháy bỏng. Chính trên nền tảng chính trị ấy, Người mới “dấn thân” vào tổ chức, xây dựng lực lượng chiến đấu với lẽ tự nhiên trở thành tên tuổi lừng danh về quân sự. Sự thống nhất giữa chính trị và quân sự trong nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức tự nhiên, gắn bó chặt chẽ với nhau thống nhất cả trong tư duy, lời nói và hành động. Chính sự thống nhất ấy đã tạo nên nét độc đáo của người “Anh cả” cầm quân là để phục vụ mục đích chính trị và cái chính trị đó chính là nhân cách văn hóa lớn của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Vì thế, trong hoạt động quân sự của mình, luôn tuân thủ tính quy định và phù hợp với mục đích chính trị cách mạng, cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là nhân cách văn hóa lớn mang tầm vóc nhân văn quân sự Việt Nam.

Tư tưởng nhân văn quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo ra một mẫu hình tiêu biểu, trình độ tiêu biểu, điển hình trong thời đại ngày nay. Mô hình, mẫu hình tiêu biểu đó được biểu hiện trên tất cả các phương diện hoạt động chính trị và quân sự của Người.

Trong quan hệ với nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về sự trung thành với mục tiêu giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu, động lực ấy là nhất quán với quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong hoạt động chính trị và thực hành lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Người luôn quán triệt và thực hiện đúng lời chỉ bảo của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với nhân dân, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng năng giúp dân, hăng hái đánh giặc”(3).

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy quân đội trải qua những cuộc chiến tranh, Người luôn lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm phương châm hành động và lẽ sống. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta giành thắng lợi đã minh chứng cho điều đó. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trung thành tuyệt đối trong vận dụng lý luận vào thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất giữa chính trị với quân sự một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn. Sự trung thành tuyệt đối ấy không chỉ tạo nên nhân cách văn hóa lớn, mà còn đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chính luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(4). Nhờ đó, quá trình phát triển, trưởng thành của Quân đội ta đã luôn trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu lý tưởng, mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hiện nay luôn sẵn sàng chiến đấu không một phút nơi lỏng, không để bị động, bất ngờ trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

KIỂM MẪU VỀ ĐỨC TÍNH TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiểu mẫu về đức tính tự tu dưỡng, rèn luyện, phát triển hoàn thiện mô hình nhân cách văn hóa lớn. Vốn là một thầy giáo sử học tham gia cách mạng, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện thiên hướng tài năng quân sự và giao trọng trách thống lĩnh các vấn đề về quân đội. Được giác ngộ cách mạng cùng với định hướng của Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua khó khăn gian khổ tự tu dưỡng, rèn luyện và định hình, phát triển, hoàn thiện mô hình nhân cách văn hóa. Trước những khó khăn của cách mạng, lực lượng, vũ khí, phương tiện quân sự không có, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vận dụng, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn thiện nhân cách ở chính bản thân mình mang sắc thái đặc thù của Việt Nam trong thời đại mới.

Dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự hiểu biết về truyền thống dân tộc trong xây dựng quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã định hình nội dung chính trị và các thức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị phù hợp với từng bước phát triển cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”(5), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không ngừng phấn đấu theo mục tiêu chính trị; rèn luyện các chuẩn mực đạo đức, luôn tạo ra động lực trong tu dưỡng, học tập, rèn luyện “đắm mình” vào hoạt động thực tiễn. Toàn bộ thực tiễn tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách bền bỉ, không mệt mỏi xuyên suốt cuộc đời cầm quân của mình và trở thành tấm gương sáng ngời, kiểu mẫu về đức tính tự tu dưỡng rèn luyện nhân cách cách văn hoá lớn trong Quân đội ta và ngày nay nhân cách ấy phát triển lên trình độ cao có tầm vóc ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

ĐỀ CAO CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO, NHÂN VĂN

Giá trị văn hóa được lan tỏa ra từ mô hình nhân cách người “Anh cả” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn biểu hiện ở việc giải quyết mối quan hệ xã hội theo chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, nhất là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ và chiến sĩ trong nội bộ Quân đội.

Trước hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng ngời về tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Người tiến hành công tác đảng, công tác chính trị thực thụ và nhuần nhuyễn trong quân đội không chỉ là tuyên truyền giáo dục bằng lời lẽ chân thành, gần gũi, cởi mở mà quan trọng hơn là từ tấm gương sáng, mẫu mực của chính bản thân mình. Mặc dù, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở cương vị đứng đầu, thống lĩnh quân đội, nhưng Người luôn quan hệ với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền một cách bình đẳng về địa vị xã hội, nhân hậu, đầm ấm tràn đầy tình thương yêu đùm bọc và cùng chung gánh vác việc nước, việc dân, cùng chung lợi ích và luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết. Toàn bộ những nội dung đó xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động của mình, dù ở cương vị nào, Người cũng không có biểu hiện của công thần, địa vị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(6).

Trong mối quan hệ tương quan lực lượng, khi tìm cách đánh của quân đội sao cho vừa hiệu quả nhưng cán bộ, chiến sĩ ta ít đổ máu nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Có những quyết định “cực kỳ khó khăn” để giải quyết về tương quan lực lượng giữa ta và địch. Người đã dày công nghiên cứu và giải đáp được thách đố của một đội quân non trẻ, nhỏ bé về lực lượng, ít ỏi về vũ khí trang bị và còn thô sơ, trình độ về kỹ thuật, chiến thuật mới chỉ đánh nhỏ nhưng phải chống chọi với các đội quân nhà nghề, thiện chiến có vũ khí trang bị tối tân. Chính điều đó, Người đã tìm ra cách đánh độc đáo Việt Nam mà ngay kẻ thù cũng không ngờ tới, buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta và quân ta luôn trong thế chủ động. Từ phẩm chất, tài năng, đức độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định mang tầm vóc của nhà thao lược quân sự quốc tế đó là: Động viên bộ đội kéo pháo ra, thực hiện chuyển từ phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thành đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ; thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa tiết kiệm từng giờ tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã minh chứng cho điều đó. Vì thế, mỗi trận đánh dù lớn hay nhỏ đều giải đáp được mâu thuẫn giữa giảm nhẹ tối đa thương vong, xương máu của bộ đội với hiệu quả tiêu diệt quân địch tối đa. Chính chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trong quân sự ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp giải quyết mâu thuẫn trên mà ít có vị tướng nào trên thế giới thực hiện được.

Một trong những nội dung có giá trị nhân văn cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trở thành “bậc thầy” của chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn khi Người giải quyết mối quan hệ, cách ứng xử với quân địch. Trên chiến trường, đối với kẻ thù đây là mục tiêu đối kháng, một mất, một còn và tiêu diệt kẻ thù là mục tiêu, nhiệm vụ trực tiếp, quyết định nhất, mọi trận đánh phải giành thắng lợi. Với tư tưởng đánh cho tan rã hàng ngũ địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy công tác địch vận là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tư tưởng đó, vừa nằm trong nghệ thuật quân sự, vừa thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả mang đặc sắc Việt Nam và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nên cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã làm tốt, có hiệu quả hoạt động địch vận xuyên suốt lịch sử trưởng thành, phát triển quân đội ta. Toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ huy và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã tuân thủ, thực hiện được lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Đối với quân địch, …phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta”(7).

Trải qua những khó khăn, gian khổ trong lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không ngừng hun đúc phẩm chất, năng lực của một nhân cách văn hóa lớn. Đặc biệt, những quyết định đúng đắn của Người trong những thời khắc liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc đã quyết định thắng lợi của các trận quyết chiến chiến lực. Ở đó nổi lên một nhà chính trị tài năng bởi nhãn quan chính trị tầm cao, chiều sâu bản chất cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính trị trước vận mệnh dân tộc. Cũng ở đó, Người đã nâng tầm thiên tài thao lược quân sự Việt Nam lên tầm vóc quốc tế và ẩn chứa ở tầng sâu là một nhân cách văn hóa lớn của người “Anh cả” trong Quân đội ta. Nhân cách văn hóa đó không chỉ trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là tiếng vang trên toàn thế giới của nhà thao lược quân sự.

Tầm vóc lớn lao ấy của Người có giá trị bền vững đối với quá trình giáo dục, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ quân đội nói riêng. Mỗi điển tích lịch sử trong thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có giá trị to lớn đối với hoàn thiện chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ hiện nay. Hơn thế nữa, từ nhân cách văn hóa lớn của Đại tướng là mẫu hình tiêu biểu định hướng mục tiêu và động lực phấn đấu của cán bộ nói chung và cán bộ trong Quân đội ta hiện nay nói riêng. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm và đức tính cần có của mỗi cán bộ trước những khó khăn, thách thức mới.

Học tập và làm theo mô hình nhân cách văn hóa lớn của người “Anh cả” trong Quân đội ta là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hiện nay. Đó là niềm tự hào, là lương tâm, trách nhiệm đối với lịch sử, đối với hiện tại và hướng tới sự phát triển bền vững của dân tộc.

Đại tá, TS. Trịnh Anh Tuấn

Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự

 

___

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.539. 

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.458.

(3) (4) (6) (7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.485, 484, 484, 485.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.217.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất