Bổ nhiệm cán bộ không khách quan, vụ lợi, vì mục đích cá nhân vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để giải quyết triệt để tình trạng tiêu cực này, mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Một trong những nội dung mới được nêu rõ tại mục 3, điều III là hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn sẽ bao gồm lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Điểm mới trong Quy định này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ; cho rằng, để trong sạch bộ máy cán bộ, cần thiết phải xử lý nghiêm hành vi vụ lợi trong công tác cán bộ.
Ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân
Có thể nói, tình trạng chạy chức, chạy quyền đã được đề cập từ rất lâu, nhưng đâu đó vẫn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để. Đến nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta rất chú trọng đến các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã xem tình trạng “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,” “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đánh giá về việc này, chuyên gia xã hội học, Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng hiện nay ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn tình trạng người làm công tác tổ chức cán bộ có động cơ không trong sáng, có mục đích, ý đồ riêng tư, vụ lợi. Họ cố tình tìm mọi cách can thiệp một cách tinh vi vào quy trình tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo những kịch bản do họ tính toán để tạo nên các nhóm lợi ích, phân chia, thao túng quyền lực.
Theo Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh, đa phần các trường hợp không chỉ là vụ lợi cá nhân mà là lợi ích nhóm, sự đánh đổi không chỉ bằng vật chất đơn thuần mà còn cao hơn, được gán mác rất nhiều giá trị khác nhau như ân tình, ân nghĩa, vay, trả, trao đổi, có đi có lại… Những hiện tượng đó gây ra sự bất ổn và hệ lụy lớn cho nền công vụ nói chung, sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng.
Cán bộ được coi là khâu trọng yếu nhất. Nếu những người làm công tác cán bộ không vô tư, trong sáng, tuân thủ các quy định của Đảng, thượng tôn pháp luật thì liệu rằng chúng ta có thể bổ nhiệm được những lãnh đạo có tài năng, có tâm, có tầm và cống hiến hết mình cho đất nước, phục vụ tốt cho nhân dân hay không?
“Nếu một lãnh đạo được bổ nhiệm từ hành vi vụ lợi, có tính toán của cấp trên, anh ta nhất định cũng phải cá nhân, phải vụ lợi, phải trả ơn người giúp đỡ, bổ nhiệm mình, thậm chí luôn chịu sự chi phối, điều khiển của người khác. Sự sai sót trong công tác cán bộ, không chỉ là tạo hệ lụy về chất lượng cán bộ tại vị trí đảm nhiệm mà nguy hiểm hơn, sẽ kéo theo sự suy thoái đạo đức công vụ, dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân,” Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định.
Đồng tình với nhận định này, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng đây là thực tế đáng buồn và đáng báo động, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho đất nước và xã hội. Hệ lụy này làm xói mòn niềm tin của người dân đối với công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ, hạn chế những người có thực tài, tâm huyết, muốn đóng góp nhiều cho đất nước, cho xã hội nhưng vì không đúng “phe cánh” nên không được bổ nhiệm vào những vị trí mà họ có thể phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của mình.
Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức cuối tháng Bảy vừa qua. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
“Cơ quan, tổ chức không bố trí đúng người, đúng việc, chỉ bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “con cha, cháu ông” thì cơ quan, tổ chức đó sẽ không có tính ổn định và phát triển bền vững, nội bộ sẽ có những “lình xình,” mâu thuẫn,” Luật sư Hà Huy Từ khẳng định.
Ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa
Cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rất chính xác là công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, Luật sư Hà Huy Từ đánh giá việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ rất kịp thời, phù hợp với tình hình hiện nay.
Mục 3, điều III của Quy định đã chỉ rõ việc "lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ" là hết sức tinh vi, rất nghiêm trọng. Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị là “barie gác cổng” rất quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm mang tính tinh vi này.
“Đây là những quy định có tính phòng ngừa cao không chỉ đối với những hành vi đang diễn ra trong thực tế mà còn có ý nghĩa rất quan trọng góp phần ngăn ngừa, hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai.”
Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh đánh giá, Quy định 114-QĐ/TW được nghiên cứu, ban hành rất kịp thời, sát với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng trong giai đoạn mới, trong đó có công tác tổ chức cán bộ. So với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Quy định 114-QĐ/TW có sự phát triển về mặt lý luận và thực tiễn, nhận diện rõ hơn các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ, một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền… chỉ ra cụ thể hơn các biểu hiện tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xác định rõ hơn đối tượng, trách nhiệm các bên liên quan trong công tác tổ chức cán bộ.
“Đây là một trong những cơ sở quan trọng nhất để chúng ta có thể đánh giá khoa học, khách quan hơn trong công tác cán bộ, quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian tới,” Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh nhấn mạnh./.
TTX