Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi được nhận định đúng. Tình trạng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 ngay tại Hoa Kỳ đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Tây Âu, Nhật Bản và các nước, kể cả nước kinh tế lớn mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ,… Việt Nam không phải là một ngoại lệ và tác động xấu đến ngay từ năm 2008 và kéo dài tới nay.
Tác động ngoại cảnh này làm cho các mất cân đối vốn có của nền kinh tế thêm sâu đạm. Vì thế, các giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam cũng nên tính đến các đặc thù này để có giải pháp phù hợp với một nền kinh tế đang đổi mới, vừa trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình ở mức thấp, với dân số khá đông (87 triệu người). Vì thế có thể đồng tình với nhận định tổng quát trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phiên họp Chính phủ vừa qua là “kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn một số khó khăn, thách thức có thể đe doạ đến quá trình phục hồi như nguy cơ giá dầu tăng vọt, biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền lớn và diễn biến bất lợi khó lường trong thị trường tài chính thế giới”. Đối với Việt Nam cũng như các nước Đông Á, trong diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, có thể thấy những diễn biến phức tạp ở Tây Âu (các nước sử dụng đồng EURO) đang vướng vào vấn đề nợ công sẽ ảnh hưởng lớn đến nước ta, chủ yếu về quy mô, cơ cấu và giá cả xuất khẩu vào thị trường này. Nguy cơ này được thấy phản ánh rõ trong số liệu kinh tế tháng 7 khi xuất khẩu tụt giảm, nhất là của các doanh nghiệp trong nước. Dưới đây xin bàn về một số đánh giá kinh tế nước ta hiện nay.
Trong khó khăn, lạm phát đang được kiềm chế dần
Kinh tế xã hội nước ta hiện đang trong tình trạng có nhiều khó khăn rất lớn, do cả khách quan và các yếu kém, mất cân đối nội tại của nền kinh tế. Hai vấn đề lớn là tình trạng nợ xấu và mức tồn kho tăng cao, làm cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng. Ngoài số 30% doanh nghiệp có đăng ký nhưng không hoạt động từ trước đến nay, thì cũng còn hơn 8% doanh nghiệp đang ở trong tình trạng dừng hoạt động hoặc phá sản, căn cứ trên các số liệu đánh giá của Tổng cục Thuế phối hợp với các Cục quản lý đăng ký kinh doanh và Cục phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, khi nhìn vào triển vọng kinh tế trung và dài hạn và đối chiếu với các mục tiêu điều hành chính sách thì có thể thấy kinh tế đang chuyển biến đúng hướng mục tiêu. Như đã biết, mục tiêu quan trọng đề ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và đó là cơ sở quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thắt chặt tiền tệ và chi tiêu ngân sách chặt chẽ suốt từ năm 2011 đến nay, tình hình lạm phát (với ý nghĩa là tăng giá)[1] đã được kiểm soát một bước: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trưởng âm trong 2 tháng liên tiếp (tháng 6 và tháng 7) và có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành, dẫn đến CPI trong 7 tháng chỉ tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Với đà giảm giá tiêu dùng như vậy, hy vọng với mức giảm giá còn tiếp diễn tháng 8, thậm chí đầu tháng 9 và từ quý IV/2012 giá cả sẽ tăng trở lại theo quy luật chung của các tháng cuối năm và giáp Tết. Như vậy, chỉ số giá CPI cả năm có thể đạt khoảng 6-7%. Còn nếu tính theo trung bình 7 tháng so với cùng kỳ thì lạm phát vẫn rất cao là 11,2%, bằng phân nửa so với chỉ tiêu này của năm 2011. Đó là mức tăng giá tuy giảm đi chỉ còn 1/3 so với cùng kỳ năm 2011, nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng của thế giới. Vì vậy, việc giảm mức tăng giá cần được tiếp tục, góp phần bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, cũng như nhiều nước, lúc này không nên đưa vào cái gọi là một gói “kích cầu” quy mô lớn, vì có thể làm lượng cung tiền tăng lên mạnh và tạo áp lực tăng giá trong giai đoạn tiếp theo do mất cân đối hàng - tiền.
Cũng cần ghi nhận rằng, CPI tháng 6 và 7 âm, nhưng nếu loại hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực (phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ) thì lạm phát “cơ bản” trong 2 tháng vẫn dương 4% (hoặc cao hơn theo tính toán của Ngân hàng thế giới). Vì thế, ai đó nói về tình trạng “giảm phát” là “báo động” quá sớm, khi tình hình giảm giá phải diễn ra liên tục một số tháng, còn hiện nay việc giảm giá vẫn cần được chú ý. Có thể nói, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát (với nghĩa là giảm việc tăng giá xuống mức thấp) đang được thực hiện khá tốt và chúng ta phải kiên trì củng cố thành quả này, chứ không thể thay đổi mục tiêu về kiềm chế lạm phát[2].
Tiến đúng hướng mục tiêu trong khó khăn
Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, có thể kiểm tra theo hàng loạt chỉ tiêu: cùng với lạm phát, còn rất chú ý về tăng trưởng, về các cân đối kinh tế vĩ mô, về việc làm-thu nhập,… Đây là các mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa chiến lược, đảm bảo nền kinh tế phát triển hiệu quả và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành tựu đạt được có thể tốt hơn, nếu sự phối hợp giữa các ban ngành và địa phương đều hơn, xử lý chủ động và nhanh nhạy hơn.
Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ cần giữ ở tăng trưởng ở mức hợp lý. Vậy hợp lý là bao nhiêu, khi vừa cần bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đây là bài toán kinh tế vĩ mô cần giải quyết một cách thận trọng.
Tình hình khó khăn cũng được phản ánh rõ qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Chỉ số này tuy có chuyển biến nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, IIP trong 7 tháng đầu năm tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, bằng 54,5% mức tăng 7 tháng đầu năm 2011 (8,8%) là mức sụt giảm đáng kể. Điều đó cũng đồng nghĩa với chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng thời điểm năm trước vẫn còn cao, tuy đã giảm dần từ mức xấp xỉ 44% (đến ngày 1/3) dừng lại ở mức 21% (đến ngày 1/7).
Trong điều kiện kinh tế như vậy, khi thấy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 mới đạt mức 4,38%, một số người, kể cả nhà kinh tế, cho rằng có thể là đã xảy ra tình trạng “suy thoái kép” hoặc thậm chí Việt Nam đang đình-lạm (vừa trì trệ, vừa lạm phát)? Tôi không đồng ý với nhận định hơi vội vàng này: mặc dù GDP hiện thấp hơn so với các năm trước và so kế hoạch, song không có nghĩa là nước ta đã rơi vào suy thoái, hơn nữa, lạm phát đang giảm dần.
Mọi người đều biết, “suy thoái” là trạng thái kinh tế mà trong đó các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng như GDP, cũng như việc làm, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ có sự sụt giảm hoặc mất cân đối nghiêm trọng trong một thời gian dài. Và “suy thoái kép” hàm ý rằng “suy thoái” có thể trở lại chỉ sau một thời gian ngắn hồi phục kinh tế. Như vậy, thuật ngữ “suy thoái kép” được dùng trong kinh tế học để chỉ về hiện tượng tăng trưởng rất không đều theo hình chữ W, khi kinh tế sau khi phục hồi ngắn lại lâm vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng.
Thực ra sự giảm sút mức tăng trưởng là có thật, nhưng cũng là tình hình chung của nền kinh tế thế giới trong quá trình đối phó với khủng hoảng kinh tế và tiến hành điều chỉnh lớn. Chính là trong khó khăn chung này, Việt Nam không nên bị lao vào mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng bằng mọi giá. Chính các Nghị quyết của Đảng và Quốc Hội đã nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, chúng ta cần tiến hành việc cơ cấu lại nền kinh tế, với việc tái cơ cấu cả ba lĩnh vực, tiến hành ba khâu đột phá, nhất là về thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Đúng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: phải quyết tâm tái cơ cấu vì nếu không tái cơ cấu thành công thì những “căn bệnh cũ” của nền kinh tế hoàn toàn có khả năng tái phát.
GS Nguyễn Quang Thái[3]
Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
[1] Theo TS Nguyễn Đức Thành (ĐHQG): “Trong kinh tế học, từ inflation là một từ phản ánh một hiện tượng khách quan, là sự tăng lên của giá cả nói chung, liên tục theo thời gian. Một cách chặt chẽ, nếu chỉ vì có một loại giá tăng, kéo theo các mặt hàng khác tăng giá, thì chưa gọi là lạm phát. Vì đó chỉ là sự điều chỉnh một lần của giá cả thị trường. Hiện tượng lạm phát luôn hàm ý sự tăng lên liên tục theo thời gian, một cách dai dẳng, của tất cả các mức giá của các loại hàng hóa, bất kể đó là hàng hóa gì, gồm cả tiền lương – giá cả của lao động” và rằng “dịch đúng cụm từ “inflation” trong tiếng Việt hiện đại chỉ nên là “sự tăng giá”. Còn sự tăng giá ấy bắt nguồn từ sự lạm dụng phát hành tiền hay không thì chưa nên vội kết luận.
[2] Do đã dịch inflation là lạm phát chứ không phải sự tăng giá, người ta buộc phải dịch deflation là giảm phát cho đồng bộ, thực chất, dịch chính xác nên đơn giản là “sự giảm giá”.
[3] Tác giả cảm ơn ý kiến đóng góp của TS Nguyễn Đức Thành (ĐHQG Hà Nội)
Theo Chinhphu.vn