Theo đó, vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 4/7, khi bắt đầu đến ca làm việc (từ 2 giờ 40 phút đến 9 giờ 30 phút), 15 nhân viên trong số 51 người báo mệt và cùng xin nghỉ ốm. Số nhân viên nghỉ ốm này đều thuộc HGS được Vietjet Air thuê làm thủ tục check-in tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
“Việc thiếu đột ngột nhân viên làm thủ tục làm cho 11 chuyến bay bị chậm, trong đó chuyến lâu nhất là 20 phút, còn lại là từ 5-14 phút. Ngoài ra, một chuyến bay bị chậm khoảng 48 phút nhưng nguyên nhân là do máy bay về muộn," ông Hảo cho hay.
[Hàng không tăng trưởng “nóng,” các sân bay căn cứ đều quá tải]
Ngay sau đó, lãnh đạo HGS đã gặp gỡ, động viên, trao đổi số nhân viên xin nghỉ ốm này thì chỉ còn 8 người xin nghỉ. HGS và hãng hàng không Vietjet phải huy động một số nhân viên tham gia hỗ trợ check in cho hành khách đi máy bay.
Đến trưa ngày 5/7, mọi hoạt động tại khu vực check in của Vietjet đã trở lại bình thường, không còn tình trạng nhân viên xin nghỉ hay trì hoãn công việc.
[Số chuyến bay tăng vọt, tỷ lệ chậm hủy chuyến hàng không lại giảm]
Trước một số thông tin cho rằng, những nhân viên này "nghỉ ốm" để phản đối do làm thêm giờ quá nhiều trong khi thu nhập thấp, đại diện Vietjet phân trần: do đặc thù hàng không nên mùa cao điểm nhân viên hàng không phải làm thêm giờ rất nhiều.
“Về tiền lương phía công ty đối tác cung ứng nhân lực mặt đất cho Vietjet là HGS chi trả cho người lao động, hãng cũng không nhận được phàn nàn trực tiếp về chế độ lương thấp,” đại diện Vietjet nhấn mạnh.
Để chấn chỉnh hiện tượng này, Cục Hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với HGS, Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Vietjet để tìm hiểu nguyên nhân 'ốm" của các nhân viên xin nghỉ và yêu cầu công ty HGS bằng mọi cách phải kiểm soát tình hình để dây chuyền hàng không hoạt động liên tục thông suốt./.