Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 13/7/2014 10:5'(GMT+7)

Nhật, Mỹ củng cố liên minh quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I. Ô-nô-đê-ra (phải) họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ch. Hây-gơ tại Lầu Năm Góc ngày 11-7. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I. Ô-nô-đê-ra (phải) họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ch. Hây-gơ tại Lầu Năm Góc ngày 11-7. Ảnh: Reuters


Trong cuộc họp báo chung với ông I. Ô-nô-đê-ra tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ch. Hây-gơ đã hoan nghênh sự thay đổi cách diễn giải Hiến pháp được Nội các Nhật Bản thông qua ngày 1-7. Ông Ch. Hây-gơ nhấn mạnh, đây là một quyết định táo bạo và mang tính bước ngoặt, cho phép Nhật Bản tăng cường đáng kể sự đóng góp vào an ninh khu vực và toàn cầu cũng như mở rộng vai trò trên trường quốc tế. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I. Ô-nô-đê-ra cho rằng, chính sách mới về hành động quân sự của Nhật Bản sẽ giúp củng cố liên minh giữa Tô-ki-ô và Oa-sinh-tơn, mở đường cho các hình thức hợp tác quân sự mới giữa hai nước.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nằm trong nỗ lực định hướng sự hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã trao đổi các đường lối chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có vai trò của quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ (SDF) của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ theo Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Một nội dung khác cũng được quan tâm là các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a, cũng như các thách thức an ninh chung như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.Sau khi Nhật diễn giải lại Hiến pháp cho phép họ thực hiện quyền phòng vệ tập thể, Tô-ki-ô có những hoạt động ngoại giao liên tục với các đồng minh. Trong khi Thủ tướng Nhật Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) sang châu Đại Dương thắt chặt liên minh với Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, và Pa-pua Niu Ghi-nê thì Bộ trưởng Quốc phòng I. Ô-nô-đê-ra đã lên đường tới Mỹ hồi giữa tuần.

Trong chuyến thăm Oa-sinh-tơn, ông I. Ô-nô-đê-ra đã nói với người Mỹ tính cấp thiết của việc Nhật phải cải cách Hiến pháp cho phù hợp với hoàn cảnh. Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây quan ngại trên biển, đặc biệt là Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Điều đó không chỉ làm các nước trong khu vực lo lắng mà cũng khiến Mỹ, Nhật cảm thấy an ninh bị đe dọa.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 11-7 về việc Nhật Bản thay đổi cách diễn giải Hiến pháp liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, ông I. Ô-nô-đê-ra cho biết, theo cách diễn giải cũ, trong trường hợp các tàu chiến Mỹ được điều đến bảo vệ Nhật Bản bị tấn công, Tô-ki-ô sẽ không được phép giúp đỡ tàu này. Điều này đi ngược lại nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng minh và do đó, sự thay đổi của chính quyền Tô-ki-ô là cần thiết và "cần được hiểu đúng". “Thông qua mối liên hệ chặt chẽ với ông Ch. Hây-gơ, hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Mỹ có thể mạnh mẽ hơn nữa và sự hợp tác đó sẽ góp phần củng cố cho hòa bình khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh.

Trước các học giả Mỹ, ông I. Ô-nô-đê-ra cũng cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng và đang cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa “hàng đầu thế giới”, thành lập các đơn vị lính thủy đánh bộ và tăng cường lực lượng trên biển để “bảo vệ các đảo”. Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng được xem như nỗ lực để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Những động thái này của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng, liên quan tới tranh chấp quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư.

Trước giới tinh hoa của Mỹ, ông I. Ô-nô-đê-ra nêu rõ: Nhật Bản luôn luôn mở cửa đối thoại với Trung Quốc nhưng nếu phải đối mặt với hành động "đơn phương", Nhật chắc chắn sẽ đáp trả. "Bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm gây rối trật tự bằng vũ lực, chúng tôi kiên quyết xử lý hành động đó ngay lập tức. Chúng tôi không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhấn mạnh. Ông khẳng định: “Giải pháp hòa bình cho những khác biệt sẽ bảo vệ hòa bình và ổn định không chỉ cho Nhật mà còn cho cả Mỹ, Trung Quốc cũng như các đối tác khu vực và cả thế giới”. Bộ trưởng I. Ô-nô-đê-ra còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển hòa bình và phồn thịnh. Đó là lý do tại sao Nhật không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chiến lược này là phần trọng tâm trong chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật”.

Trong bài phát biểu tại CSIS, ông I. Ô-nô-đê-ra còn khẳng định, một liên minh mạnh có thể ngăn chặn những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực cũng như các cuộc xung đột bất ngờ. Bộ trưởng I. Ô-nô-đê-ra cam kết, Nhật sẽ đóng vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và sự phồn thịnh của khu vực thông qua việc thắt chặt quan hệ với Mỹ, tiến tới hợp tác ba bên với Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc và đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á.

HÀ NGỌ
C

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất