Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 5/4/2018 8:42'(GMT+7)

Nhiệm kỳ đầy gian khó của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức sau khi tái đắc cử Thủ tướng Đức, tại Berlin ngày 14-3-2018 - Nguồn: baogialai.com.vn

Bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức sau khi tái đắc cử Thủ tướng Đức, tại Berlin ngày 14-3-2018 - Nguồn: baogialai.com.vn

“Chìa khóa” mang tên SPD

Sau khoảng thời gian dài lưỡng lự, hơn 66% đảng viên Đảng SPD đã nhất trí tham gia “liên minh lớn” (liên minh giữa đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng SPD) . Kết quả cuộc bỏ phiếu của các thành viên SPD đã mở đường cho bà A. Merkel chính thức trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư của nước Đức. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành theo hình thức văn bản từ ngày 20-02 và kết thúc vào ngày 03-3. Tất cả các phiếu đã được thu thập tại bưu điện ở Leipzig và sau đó được đưa đến Berlin. Tại Berlin, trong hội trường của ngôi nhà mang tên Willy Brandt - một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng SPD, 120 tình nguyện viên đếm phiếu suốt đêm. Theo một số thông tin, một số thành viên của SPD đang ở nước ngoài đã bỏ phiếu qua e-mail. Xét cho cùng, việc bỏ phiếu bằng văn bản, mặc dù gặp phải không ít phức tạp trong công tác tổ chức, nhưng đó là phương pháp truyền thống, không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của các hacker. Nhất là trong thời điểm hiện tại, việc xâm nhập, can thiệp các máy chủ của một số bộ, ngành, trong đó có cả Bộ Ngoại giao Đức đang là câu chuyện được quan tâm đặc biệt. 

Ngay sau khi công bố kết quả bầu cử, Chủ tịch lâm thời của SPD, ông Olaf Scholz đã có bài phát biểu ngắn trước số đông tại ngôi nhà Willy Brandt và trả lời một số câu hỏi của báo giới. Theo quan điểm của ông Olaf Scholz, kết quả của cuộc bỏ phiếu khẳng định nội bộ SPD thống nhất hơn là chia rẽ.

Tại phiên họp sắp tới của SPD, bà Andrea Nahles sẽ được bầu chính thức vào ghế Chủ tịch đảng, thay ông Martin Schulz về hưu. Các chuyên gia cho rằng không có sự khác biệt lớn giữa ông O. Scholz và bà A. Nahles trong việc thực thi các chính sách và nhiệm vụ mà SPD phải đối mặt. Giờ đây, cả ông O. Scholz và bà A. Nahles sẽ phải tìm một vị thế mới cho SPD trong đời sống chính trị nước Đức. Theo hãng tin N-TV của Đức, lãnh đạo SPD đã nhận được từ các thành viên không chỉ một phiếu tín nhiệm, mà là một lời cảnh báo rằng đảng này muốn đặt niềm tin vào họ. Tuy nhiên, lòng tin của các thành viên SPD chỉ giới hạn trong vòng 02 năm. Sau 02 năm sẽ phải đánh giá những cái được, cái mất trong việc tham gia Chính phủ liên minh, từ đó rút ra kết luận có nên tiếp tục nữa hay không.

Theo thỏa thuận liên minh, trong chính phủ mới, Đảng SPD sẽ nhận được 06 ghế Bộ trưởng, trong đó có 02 bộ quan trọng là Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, SPD chưa công bố danh sách các bộ trưởng của mình. Ngoài cái tên Olaf Scholz - cựu Thị trưởng Hambourg giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, những tên tuổi còn lại vẫn trong vòng bí mật. Theo một số tin tức từ báo chí, lãnh đạo SPD muốn chỉ định 03 nam giới và 03 phụ nữ tham gia Chính phủ mới. Chính vì vậy, dư luận đang hướng về Sigmar Gabriel, người có chỉ số tín nhiệm không kém bà A. Merkel theo cuộc thăm dò dư luận về nhân cách chính trị gia Đức do kênh truyền hình RTL tiến hành. Do đó, không thể loại trừ khả năng SPD sẽ đề cử Sigmar Gabriel, mặc cho những bê bối xung quanh việc cạnh tranh với cựu Chủ tịch SPD Martin Schulz (những người bi cáo buộc làm hỏng hình ảnh của đảng).

Chính phủ mới của bà A. Merkel: Những thách thức còn phía trước

Vậy là “người đàn bà thép” A. Merkel đã bỏ lại sau lưng những lời chỉ trích, những khuyến cáo bà nên rời khỏi chính trường. Chỉ 40 phút sau khi SPD công bố kết quả bỏ phiếu, trên Twitter của CDU, cơ quan truyền thông của đảng này công bố lời chúc ngắn gọn của bà A. Merkel: “Tôi chúc mừng SPD với kết quả rõ ràng, rất hân hạnh tiếp tục hợp tác vì lợi ích của đất nước chúng ta”.

Vào ngày Chủ nhật (04-02), phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, bà A. Merkel tuyên bố đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư. CDU đã công bố danh sách các bộ trưởng của mình trong Chính phủ mới. Theo đó, Bộ trưởng Y tế do ông Jens Spahn 38 tuổi đảm nhiệm; Bà Anja Maria-Antonia Karliczek 47 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu khoa học; Ông Helge Braun 46 tuổi, trở thành người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng liên bang; Bà Julia Klöckner 46 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù bị chỉ trích nhiều lần trong thời gian gần đây, bà Ursula von der Leyen 60 tuổi, vẫn được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng; Người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Liên bang, Peter Altmayer 60 tuổi, sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Cũng theo lời bà A. Merkel, thỏa thuận liên minh sẽ bảo đảm một công việc ổn định cho Chính phủ mới. Tuy nhiên, đa số các nhà bình luận chính trị Đức tin rằng, vấn đề lớn nhất đối với Chính phủ mới là thực hiện những điều khoản của hiệp định liên minh. Vấn đề ở chỗ, trong hiệp định này, dưới áp lực của Đảng SPD, chi tiêu xã hội được đẩy lên mức cao, nhưng không dự kiến tăng ngân sách cho việc thực hiện. Các điều khoản của hiệp định đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các chuyên gia từ Viện nghiên cứu DIW ở Berlin, những người có quan hệ gần gũi với cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, một loạt điều khoản của hiệp định liên minh dày tới 80 trang, được xây dựng khá mơ hồ, có thể hiểu và giải thích rất khác nhau. Trước hết là việc áp dụng hạn ngạch đối với người nhập cư. Theo các nhà phân tích, mục này có thể khơi mào cho những xung đột trong quá trình hoạt động của Chính phủ liên minh. Chính vì vậy, nhiều thành viên của ban lãnh đạo SPD khẳng định: Đảng cần tiến hành phân tích sơ bộ kết quả của họ khi tham gia Chính phủ liên minh trong vòng 02 năm.

Những ngày gần đây, bà A. Merkel chịu không ít chỉ trích từ các thành viên Liên minh Dân chủ Ki-tô giáo (CDU) về việc nhường ghế Bộ trưởng Tài chính - chức vụ tối quan trọng của một chính phủ cho SPD. Không ít đảng viên CDU coi đây là động thái nhượng bộ “hoàn toàn không thích hợp”. Trần tình về điều này, bà A. Merkel khẳng định: “Chúng tôi đạt được thỏa thuận về liên minh, nhưng quá khó để đạt được thỏa thuận về phân chia các bộ”. Cũng theo lời người đứng đầu Chính phủ Đức, cuộc phân chia các bộ trong Chính phủ mới diễn ra vào ngày đàm phán cuối cùng và kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ. 

Liên minh giữa SPD và CDU/CSU diễn ra với bao sóng gió. Không ít nhà phân tích cho rằng, đó là sự “liên minh cưỡng ép” khi giờ đây, 33,8% thành viên bỏ phiếu chống việc SPD gia nhập “liên minh lớn” có thể đặt câu hỏi: Tại sao ban lãnh đạo của họ lại có thể đổi chiều nhanh chóng như vậy? Những năm tham gia liên minh cầm quyền, SPD được gì ngoài uy tín bị giảm sút? Bao giờ SPD sẽ trở lại “thời vang bóng” của mình?...

Tuy nhiên, với đa số đảng viên SPD, vào thời điểm hiện tại, việc tham gia liên minh cầm quyền chính là để cải thiện vị trí xếp hạng tưởng như xuống đáy của họ. Tham gia liên minh cầm quyền là cơ hội tốt nhất để SPD đạt được những yêu sách mới trong chính sách xã hội và thị trường lao động. Nếu bà A. Merkel không nhượng bộ thì cuộc đối đầu giữa bà và bà A. Nahles là khó tránh khỏi. Theo các nhà phân tích, việc liên minh với SPD để lãnh đạo Chính phủ là không hề đơn giản đối với bà A. Merkel. Giờ đây, trong Đảng SPD xuất hiện hai trung tâm quyền lực. Một trung tâm nắm “yết hầu” của Chính phủ, nơi ông O. Scholz sẽ đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Trung tâm thứ hai dưới sự lãnh đạo của bà A. Nahles ở Quốc hội sẽ là lực lượng đủ mạnh để chi phối những chính sách do Chính phủ của bà A. Merkel đề xướng.

Ở góc độ khác, nội bộ CDU cũng chẳng mấy bình yên. Những ngày gần đây, báo chí ghi nhận tâm thế mệt mỏi từ 18 năm giữ chức Chủ tịch CDU và 12 năm làm Thủ tướng của bà A. Merkel. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội của Viện Civey mới đây, 46% người Đức muốn bà A. Merkel từ chức, đặc biệt, với người dân Đông Đức - quê hương của bà, con số này lên tới 54%. Giới trẻ CDU mong muốn đẩy mạnh chương trình đổi mới nhân sự của bà A. Merkel. 

Tóm lại, liên minh hiện tại của SPD và CDU/CSU không thể so sánh với chính liên minh này vào năm 2013. Đã thế, liên minh cầm quyền CDU/CSU do bà A. Merkel đứng đầu đang phải đối mặt với sự lớn mạnh vượt bậc của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) - tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc đang rất phổ biến ở châu Âu. Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa rồi, Đảng AfD trở thành phe đối lập lớn nhất của “Liên minh lớn”. Chưa hết, lãnh đạo AfD Alexander Gaulanda tuyên bố sẽ tiến hành “săn lùng Merkel” bằng cách lấy từng lá phiếu của những người bảo thủ.

Và trên hết, Chính phủ mới của bà A. Merkel phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng: châu Âu thay vì hội nhập rộng khắp lại đang trên con đường tăng cường đi theo hướng dân tộc chủ nghĩa, khủng hoảng di cư vẫn chưa được giải quyết và cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ đang có nguy cơ bùng nổ. Một tương lai còn nhiều thách thức đang ở phía trước đối với nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư của bà A. Merkel./.

Nguồn: Anh Phương/Tạp chí Cộng sản


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất