Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tạo đột phá từ chương trình chuyển đổi số quốc gia
Một trong những điểm sáng của Việt Nam là quy mô nền kinh tế vượt qua Singapore và Malaysia, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ số tín nhiệm quốc gia giữ vững ở mức BB với giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng thêm 29% và là nước có mức tăng nhanh nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Từ những thành công của nhiệm kỳ này, theo tôi có 3 vấn đề cần quan tâm trong điều hành của nhiệm kỳ tới.
Trước tiên phải kể đến thành công của Chính phủ tiền nhiệm trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động đỏ, cao gấp gần 6 lần giới hạn đã giảm xuống dưới ngưỡng an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giả. Chính phủ cũng đã đưa nợ công giảm sâu xuống 55,3%. Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho nhiệm kỳ tới có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay, sử dụng kết hợp các chính sách tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.
Tiếp đó, cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến 20 tỷ USD và nâng dự trữ ngoại hối lên đến 100 tỷ USD. Điều này đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ xuất nhập khẩu.
Điều này cũng đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ phải chú trọng điều chỉnh quan hệ xuất nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa và nguyên liệu từ thị trường khu vực như Trung Quốc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi.
Vấn đề thứ 3 là Chính phủ đã rất thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc quyết liệt chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành để cắt giảm tới 63% điều kiện kinh doanh và cắt giảm tới 68% danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành để môi trường kinh doanh tăng lên 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng lên 10 bậc.
Tuy nhiên, thành công này của Chính phủ tiền nhiệm lại đặt ra một thách thức rất lớn cho nhiệm kỳ tới, vì không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính.
Nhiệm kỳ tới, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tôi cho rằng không thể vẫn tiếp tục thực hiện biện pháp rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính mà cần tạo đột phá thể chế; phải thực hiện thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế đối tượng chịu quản lý từ xin phép, khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin.
Về phía cơ quan quản lý, chuyển từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tự tìm kiếm, thu thập thông tin và hậu kiểm. Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý.
Đây cần xác định là khâu tiên phong, đột phá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số và ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý; không chỉ là yêu cầu tất yếu để tạo ra bước đột phá về cái cách thể chế mà còn giúp chúng ta biến những điều "không thể" thành "có thể" và mang lại những nguồn lực lớn.
Việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hoá của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh hoặc phải giải quyết, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ đột phá về thể chế quản lý.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Các bộ trưởng đã làm hết trách nhiệm
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, theo tôi là nhiệm kỳ thành công khi Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động.
Tôi cho rằng các bộ trưởng đã làm hết trách nhiệm. Về khía cạnh nào đó, chúng ta cần có sự thông cảm cho các bộ trưởng. Đây là những vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đơn cử như vấn đề cải cách giáo dục, ai cũng muốn cải cách cho tốt nhưng tại sao cải cách cả chục năm rồi mà bây giờ vẫn tiếp tục cải cách. Bởi nếu muốn chất lượng tăng lên thì không phải một sớm một chiều, một quá trình cần sự thay đổi đồng bộ theo hệ thống từ cơ sở vật chất, sách giáo khoa đến quá trình đào tạo của đội ngũ giáo viên đến phương thức giáo dục. Khó có thể nói một mình Bộ trưởng làm được!
Hay như vấn đề môi trường liên quan đến rác thải là một nội dung nóng, trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Tuy nhiên, thực tế không thể buổi sáng ra chính sách, buổi tối sạch ngay được. Đó là câu chuyện của bước chuyển từ cơ quan quản lý đến tổ chức, thực hiện và người dân.
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định): Nhiều quyết sách đúng đắn và kịp thời
Tôi đánh giá cao nỗ lực điều hành sát sao của Chính phủ và các thành viên của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nhiệm kỳ này ghi nhận nhiều sóng gió, từ đầu nhiệm kỳ với vụ việc ô nhiễm môi trường của Công ty Formosa, giữa nhiệm kỳ là thiên tai, biến đổi khí hậu như bão lũ miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… và cuối nhiệm kỳ năm 2020 là đại dịch COVID-19.
Đối mặt với những khó khăn này, Chính phủ đã điều hành rất tích cực và đưa nền kinh tế nước ta trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng dương hiếm hoi trên thế giới và trong khu vực, đồng thời giữ vững ổn định an sinh xã hội.
Đối với tôi, nhiệm kỳ này đã để dấu ấn của một Chính phủ kiến tạo và lãnh đạo sáng tạo. Đặc biệt, người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã đi sát các địa phương để nắm chắc thực tế tại địa phương, nhất là khi xảy ra các sự cố môi trường, thiên tai bão lũ hay dịch bệnh trong thời gian qua. Từ đó, đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả.
Thu Hằng