(TG) - Sáng 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển KT-XH hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).
ĐẤT NƯỚC ĐANG Ở VỊ THẾ THUẬN LỢI, ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU THÀNH TỰU TO LỚN
Đánh giá về vị thế đất nước hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ trung ương tới từng cấp xã, phường.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai và nguồn nước. Biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển KT-XH đất nước.
XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ SỐ, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG BẮT KỊP THỜI ĐẠI
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.
Đồng thời phải phát huy mạnh mẽ vai trò của của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới.
Tập trung khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021 – 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
|
Ba đột phá chiến lược được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Thủ tướng nhấn mạnh, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao…
Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Lần đầu tiên gần 1 triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XIII.
|
Tạp chí Tuyên giáo sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị quan trọng này./.
Tin, ảnh: Nhật Minh