Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 11/9/2008 14:13'(GMT+7)

Nhiệt độ ở VN tăng trung bình 0,7oC mỗi năm

Lũ lụt ở Yên Bái - Ảnh minh họa

Lũ lụt ở Yên Bái - Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam đã giảm rõ rệt trong 20 năm qua, từ 29 đợt mỗi năm trong các thập kỷ 1971-1980, 1981-1990 xuống còn 24 đợt mỗi năm trong thập kỷ 1991-2000, đặc biệt trong các năm từ 1994-2007 chỉ còn 15-16 đợt rét mỗi năm.

Đợt rét bất thường kéo dài 33 ngày vào đầu năm 2008 cũng cho thấy sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng cực đoan của khí hậu và thời tiết. Hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tại Việt Nam.

Nhiệt độ không khí tăng cũng làm cho số cơn bão hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu thế giảm trong 4 thập kỷ qua.

Cụ thể là ở Biển Đông có từ 114 cơn bão trong thập kỷ 1961-1970 xuống còn 103 cơn bão trong thập kỷ 1991-2000, trong đó số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam đã giảm từ 74 cơn trong thập kỷ 1961-1970 xuống còn 68 cơn trong thập kỷ 1991-2000.

Tuy nhiên, số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn hơn, quỹ đạo có vẻ dị thường hơn và số cơn bão ảnh hưởng tới khu vực Nam bộ có phần tăng lên trong những năm gần đây.

Các nhà khoa học cho rằng
biểu hiện của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam đã rất rõ nét như bão, lũ bất thường, hạn hán ngày càng khắc nghiệt, các vùng đất thấp ven biển sẽ bị ngập chìm, Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị xâm mặn sâu hơn.

Những cơn bão ít hơn nhưng lại gây ra các đợt lũ lụt lớn, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình là trận lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 4 tại 11 tỉnh phía Bắc vừa qua đã làm 162 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất lên tới gần 1.900 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu cũng làm hạn hán lan rộng ở hầu hết các vùng, đặc biệt là cực Nam Trung bộ, dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa. Mực nước biển tại nhiều địa phương trong cả nước cũng đã tăng từ 25-30 cm trong khoảng 50 năm qua.

Tốc độ suy thoái của các hệ sinh thái cũng đang gia tăng nhanh chóng, phá hủy trầm trọng sự đa dạng sinh học. Diện tích rừng của Việt Nam trong thập kỷ trước đã giảm từ 43% xuống còn 28,2%, rừng ngập mặn ven biển cũng bị suy thoái nghiêm trọng và giảm 80%. Trong những năm gần đây, nhờ tích cực triển khai công tác trồng rừng, diện tích rừng trong cả nước có tăng lên nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh chỉ chiếm khoảng 8% (tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 50%).

Sự phá hủy đa dạng sinh học cũng đồng nghĩa với việc mất đi những nguồn gen bản địa và tạo cơ hội cho những loài ngoại lai phát triển mạnh, gây tác hại không nhỏ tới môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế-xã hội./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất