Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 19/6/2014 10:42'(GMT+7)

Nhiệt huyết của những cây bút nhiều lần ra đảo Trường Sa

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Trần Thọ tặng hoa đến các PV tác nghiệp tại Hoàng Sa hôm 18/6

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Trần Thọ tặng hoa đến các PV tác nghiệp tại Hoàng Sa hôm 18/6


Vinh dự và tự hào của người phóng viên 

Nói về đảo, nghĩ về đảo và mong được ra quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc luôn là mơ ước lớn của anh Bùi Hữu Tầm, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận. Mơ ước ấy đã trở thành hiện thực, bởi anh đã 3 lần được tới quần đảo Trường Sa, được chứng kiến tận mắt cuộc sống của người dân, của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương. Đối với những người làm báo chứ không riêng Bùi Hữu Tầm, được đến với Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào mà không phải người phóng viên nào cũng thực hiện được. 

Hơn chục năm trong nghề làm báo, với phóng viên Hữu Tầm,được đến với Trường Sa trên con tàu của bộ đội hải quân là vinh dự lớn lao mà biết bao bè bạn, đồng nghiệp hằng mong ước. Anh chia sẻ: Đến với đảo mới thấy được cuộc sống mới của người dân trên đảo, thấy được sự hy sinh to lớn của các anh chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chia sẻ với những khó khăn, vất vả nơi đảo xa, bằng cái tâm của người làm báo, phóng viên Hữu Tầm đã thực hiện hai tập ký sự về Trường Sa cùng chuỗi phóng sự dài kỳ về Trường Sa. Chuỗi tác phẩm của Hữu Tầm đã góp phần phản ánh chân thực, sinh động về đời sống, tâm tư tình cảm của quân, dân trên đảo. Những tác phẩm này của Bùi Hữu Tầm đã tạo cầu nối thân thiết, rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền và giữa đất liền với đảo.

Phóng viên Hữu Tầm tâm sự: Để thực hiện chủ đề tuyên truyền về biển đảo Tổ quốc không dễ, phải mất nhiều thời gian tìm tòi, xây dựng chủ đề, cách thức thể hiện sao cho ấn tượng, phản ánh sâu sắc, sinh động về cuộc sống, lao động, chiến đấu của những người nơi đầu sóng ngọn gió. Với phóng sự “Lộ Phú Bảo - Chiếc cầu nối Trường Sa”, tác phẩm đã giành được giải cao Giải báo chí quốc gia 2013. Anh đã thực hiện nhiều tác phẩm tuyên truyền về chủ đề biển đảo quê hương nhưng tác phẩm anh dành nhiều tâm huyết nhất chính là "Lộ Phú Bảo - Chiếc cầu nối Trường Sa”. Từ trước tới nay đã có rất nhiều người mang lời ca, tiếng hát đến với đảo xa, nhưng với nhân vật của Bùi Hữu Tầm trong tác phẩm này là người dân tộc, ông đã thổi kèn Saranai, tiếng kèn đặc trưng của người Chăm trên đảo Trường Sa thì lần đầu tiên có. Lúc đầu tiếp xúc với nhân vật quả thật rất khó khăn, bởi ông là người Chăm, nói tiếng phổ thông chưa lưu loát, lại chưa quen với việc thu hình nên phải thực hiện lại khá nhiều lần. Tuy nhiên với sự nhiệt tình của nhân vật, phóng viên Hữu Tầm và các cộng sự đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhân vật, cùng nhân vật trao đổi từng câu, từng chữ. Đồng thời tạo không khí vui tươi cho nhân vật có thêm hứng khởi thuật lại chi tiết xúc cảm, việc làm của ông trong những ngày ở đảo. 

Khi biết tin ông Lộ Phú Bảo đến Bình Thuận tuyên truyền cho đồng bào, người dân về biển đảo quê hương tươi đẹp, thổi kèn Saranai cho con trai và đồng đội của anh nghe, Hữu Tầm và các cộng sự lại tiếp tục vào Bình Thuận ghi thêm nhiều hình ảnh, làm phong phú thêm nội dung của phóng sự. Hữu Tầm cho hay: Việc làm của nhân vật Lộ Phú Bảo đã cuốn hút, thôi thúc anh tích cực tìm tòi, khai thác từng chi tiết dù nhỏ nhất để làm nổi ý nghĩa của việc làm đó. Tâm huyết của phóng viên Hữu Tầm đã được đền đáp xứng đáng, phóng sự " Lộ Phú Bảo thổi kèn Saranai trên đảo Trường Sa" đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, sau khi xem phóng sự này, lại có thêm nhiều người ao ước mong có ngày được đến Trường Sa – Hoàng Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc 

Hướng về Trường Sa thân yêu 

"Hướng về Trường Sa thân yêu" là tên của phóng sự do nhóm tác giả Lê Quang Nuôi- Phan Xuân Ánh-Hồng Quang Năm đơn vị Đài phát thanh Truyền hình thành phố Đà Nẵng (DRT) thực hiện. Nhóm tác giả này cũng đã gửi tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia 2013 và đã giành được giải cao. Để có được phóng sự mang đậm dấu ấn tình yêu với biển đảo là một chuỗi ngày tìm tòi, sáng tạo của những người thực hiện. Phóng viên Lê Quang Nuôi cho biết: Nhân kỷ niệm 25 năm (14.3.1988 -14.3.2013), những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngả xuống trên đảo Gạc Ma, viết nên bản tráng ca bất tử về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Hội cựu chiến binh thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng và Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Hướng về Trường Sa thân yêu”. Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung chương trình mà Lê Quang Nuôi và một số đồng nghiệp đã được giao thực hiện. 

Đây thực sự là niềm hạnh phúc với cá nhân anh Nuôi bởi hơn 17 năm theo nghề làm báo, đã ấp ủ nhiều lần được ra thăm và viết về người chiến sĩ hải quân, nhân dân trên các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc nhưng chưa được toại nguyện. Vì vậy khi nhận thực hiện chương trình này, Lê Quang Nuôi và các đồng nghiệp quyết tâm nỗ lực hết mình, xem đây là cơ hội thể hiện tình cảm với những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Song nhóm của Lê Quang Nuôi cũng không lường hết được khó khăn phía trước bởi nội dung chính của chương trình lại đề cập đến trận chiến trên đảo Gạc Ma - nơi 64 chiến sĩ công binh của hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh. 

Phóng viên Lê Quang Nuôi tâm sự: "Chúng tôi hầu như chẳng có chút tư liệu nào về sự kiện này, nhân vật giao lưu là những người trực tiếp, gián tiếp tham gia sự kiện trên đảo Gạc Ma thời bấy giờ chúng tôi cũng không biết nhiều". Với tình yêu biển đảo quê hương cũng như cảm phục sâu sắc trước sự hy sinh của người lính đảo, Lê Quang Nuôi và đồng nghiệp đã tập trung đưa ra ý tưởng thực hiện phóng sự, video clip, mời nhân vật giao lưu tạo điểm nhấn cho chương trình…Với sự hỗ trợ của Hội cựu chiến binh thành phố, các đồng nghiệp, nhóm Lê Quang Nuôi đã tìm ra được những thước phim tư liệu quí giá, hình ảnh về sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ tạo nên “vòng tròn bất tử” để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời nhóm cũng kết nối được với những chiến sĩ trực tiếp và gián tiếp tham gia sự kiện trên đảo Gạc Ma hơn 25 năm về trước... Và câu chuyện của những người lính dũng cảm năm xưa trước làn đạn của kẻ thù "thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân” do nhóm Lê Quang Nuôi thực hiện đã làm nhiều người xem xúc động sâu sắc... 

Ngay sau khi chương trình giao lưu diễn ra nhóm phóng viên của Lê Quang Nuôi đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, đặc biệt là của đông đảo công chúng theo dõi chương trình qua màn ảnh nhỏ. Anh và các cộng sự đã thực sự hạnh phúc khi biết chương trình đã thu hút đông đảo người xem, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các địa phương lân cận. Quan trọng hơn cả là phóng viên Lê Quang Nuôi cũng nhiều đồng nghiệp đã hiểu rõ hơn về những ký ức bi tráng trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện lòng tri ân và quyết tâm đồng hành của hậu phương với những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo đất nước.../. 

Văn Sơn - Công Thử/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất