Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai
công tác 6 tháng cuối năm 2013 của Bộ TT&TT được tổ chức trực tuyến
vào ngày 1/7/2013, ông Lê Tiến Ninh – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái
Bình đề xuất, khi thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, một số địa
phương muốn đưa các kênh truyền hình của tỉnh phát sóng lên vệ tinh.
Theo ông Ninh, việc phủ sóng truyền hình vệ tinh có nhiều lợi ích, nhất
là với nhiều địa phương không thể chỉ dùng một phương thức số hóa truyền
hình mặt đất, do địa hình bị chia cắt, nếu phát sóng số mặt đất chi phí
có thể cao hơn đưa lên vệ tinh. Ông Ninh đề nghị, khi thực hiện số hóa
truyền hình cần dùng kết hợp cả phát sóng vệ tinh và mặt đất để hỗ trợ
các đài địa phương.
Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho
biết, theo lộ trình số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt, đến hết năm 2015 sẽ thực hiện xong số hóa truyền hình ở 5 tỉnh,
thành phố lớn. Tuy nhiên Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh, số hóa truyền hình
không chỉ là phát sóng số mà điều quan trọng nhất của đề án này là phải
tắt được truyền hình analog khi chính thức phát sóng số. Hiện nay ở
nhiều tỉnh người dân có đầu thu đã có thể thu truyền hình số.
Theo Thứ trưởng Thắng, các vấn đề liên quan đến về số
hóa truyền hình như cấp phép truyền dẫn phát sóng, hỗ trợ đầu thu cho
người dân, phát sóng lên vệ tinh sẽ được Ban chỉ đạo Quốc gia quyết định
trong cuộc họp vào trung tuần tháng 7 tới đây.
Mới đây, tỉnh Hà Giang đã chính thức đề nghị với Bộ
TT&TT cho Hà Giang phát sóng kênh truyền hình của tỉnh lên vệ tinh
để xóa nhiều vùng lõm sóng truyền hình do địa hình tỉnh này có nhiều đồi
núi, hiểm trở.
Bà Lê Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh
Truyền hình và Thông tin điện tử lưu ý, các đài truyền hình địa phương
phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục phát sóng quảng bá trực tiếp lên
truyền hình vệ tinh theo Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 1/7/2010.
Theo đó, về nội dung phải đảm bảo 3 điều kiện: Phát sóng ít nhất
15h/ngày; các chương trình tự sản xuất phải đảm bảo 40% thời lượng/ngày;
thời lượng phát sóng phim nước ngoài vào khung giờ vàng (20h đến 21h)
không vượt quá 7h/tuần. Đồng thời các đài phải làm đề án xin phát sóng
lên vệ tinh và được Bộ TT&TT cấp phép.
Cũng theo bà Giang, nếu các đài địa phương phát sóng
lên vệ tinh qua hệ thống truyền hình trả tiền (của VTV, VTC, AVG) thì sẽ
không phải thực hiện các điều kiện theo Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT
nhưng lại bị giới hạn vì người xem sẽ phải trả tiền mới được xem. Như
vậy sẽ khó thực hiện được mục đích quảng bá và nếu nội dung kênh không
hấp dẫn thì dù các Đài phải mất tiền để truyền dẫn lên vệ tinh nhưng
cũng không có người xem.
Hiện nay đã có hơn 30 đài truyền hình địa phương đã
phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh, trong đó khu vực phía
Bắc có Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang còn lại là các tỉnh
thành phía Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, Bộ ủng
hộ chủ trương cho một số tỉnh miền núi nên dùng truyền hình vệ tinh kết
hợp với mặt đất để thực hiện số hóa truyền hình. Như vậy sẽ vừa tận
dụng được hạ tầng của 2 vệ tinh VINASAT, vừa phục vụ được người dân ở
vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn./.
Theo ICTnews