Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 26/3/2020 8:57'(GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ để bình ổn

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Đây được xem là giải pháp cần thiết của các doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cổ phiếu và trấn an tâm lý nhà đầu tư trong đợt suy giảm lớn nhất của thị trường chứng khoán hiện nay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán HBC) vừa công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Cụ thể, Công ty đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ ngày 3/4-2/5 để bình ổn giá cổ phiếu của Công ty trên thị trường.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh với mức giá theo thị trường tại thời điểm giao dịch. Nguồn vốn được trích từ lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2019.

Hiện thị giá cổ phiếu HBC dao động ở mức trên 7.000 đồng/cổ phiếu, giảm sâu khoảng 35% so với đầu năm, tương đương 50% so với giá trị sổ sách là 15.560 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ phải chi hơn 70 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.

Trong một thông điệp gửi cán bộ nhân viên mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết sẽ lập một quỹ thuộc Công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua quỹ này.

Đây là cách tốt nhất để tăng niềm tin của cổ đông bên ngoài và các nhà đầu tư khi toàn thể nhân viên của Tập đoàn thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài qua việc góp vốn vào Tập đoàn.

Việc lập quỹ là một trong những giải pháp quan trọng của Tập đoàn nhằm nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính để vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.

Lãnh đạo Tập đoàn này cũng cho rằng trị giá HBC hiện không phản ánh đúng giá trị thật của doanh nghiệp. Tình trạng này chỉ là do tác động nhất thời, Hòa Bình sẽ hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn sau đợt khủng hoảng này.

Cũng trong ngày 24/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Dự kiến, Dabaco mua 5 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần.

Hiện Dabaco đang niêm yết và lưu hành gần 92 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu DBC cũng đang chịu đà giảm chung của thị trường với mức giảm khoảng 29% từ đầu năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, Dabaco cũng thông báo ngày 7/4 sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 13,66 triệu cổ phiếu, trả cổ tức bổ sung năm 2018 và cổ tức năm 2019 với tổng tỷ lệ 15%.

Trước đó, ngày 17/3, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) cũng đã công bố kế hoạch mua 25 triệu cổ phiếu quỹ (8,4% cổ phiếu đang lưu hành), tương đương 424 tỷ đồng giá trị hiện tại, sau khi giá cổ phiếu sụt giảm 32,2% kể từ đầu năm.

Ngày 14/3, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) đã công bố kế hoạch mua vào 21,6 triệu cổ phiếu quỹ (10% cổ phiếu đang lưu hành), tương đương với khoảng 450 tỷ đồng theo giá hiện tại. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu đã sụt giảm 23,7% cho đến ngày công bố mua cổ phiếu quỹ.

Ngày 12/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) công bố giao dịch đăng ký mua cổ phiếu của người có liên quan đến cổ đông nội bộ. Theo đó, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát mua vào 20 triệu cổ phiếu (chiếm khoảng 0,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành) khi giá cổ phiếu của HPG giảm 19,8% kể từ đầu năm 2020.

Ngay sau khi hoàn tất giao dịch, ngày 24/3, ông Trần Vũ Minh tiếp tục đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 27/3 đến ngày 24/4.

Không chỉ riêng các Công ty trên, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thị trường giảm sâu, nhiều cổ phiếu rơi vào vùng giá thấp.

Dựa trên dữ liệu của Fiinpro, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect ước tính, kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19 (sau Tết nguyên đán) đến ngày 18/3, tổng giá trị mua lại cổ phiếu quỹ và của các cổ đông nội bộ theo kế hoạch có thể đạt lần lượt là 2.288 tỷ đồng và 1.212 tỷ đồng. Từ ngày 9-18/3 đã có 920 tỷ đồng được giải ngân mua vào cổ phiếu từ nội bộ và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc các công ty và các cổ đông nội bộ lên kế hoạch mua lại cổ phiếu có thể tác động tới thị trường, làm cho tình hình giao dịch cổ phiếu của Công ty sôi động hơn và hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu.

Thậm chí hành động này còn giúp cổ phiếu của các Công ty tăng giá trở lại. Đây cũng là biện pháp giúp doanh nghiệp tránh khỏi các "thế lực" khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nắm quyền kiểm soát công ty.

Thực tế cho thấy có số cổ phiếu lội ngược dòng thành công trong các phiên giao dịch gần đây sau khi công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trên thị trường. Đơn cử như tại Dabaco, mã DBC đã bất ngờ tăng trần trong phiên giao dịch ngày 24/3 sau phiên giảm sàn trước đó và tiếp tục duy trì sắc xanh trong ngày 25/3.

Cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng tăng 5,5% trong phiên giao dịch ngày 25/3, ngay sau ngày công bố kế hoạch mua lại 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ...

Trước nhu cầu mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ tăng mạnh, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Quy trình xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp sẽ được rút gọn trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu.

Các doanh nghiệp có nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cần làm đúng hồ sơ pháp lý sẽ được hỗ trợ tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp trong vòng một ngày./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất