Một trong những nhân tố quan trọng của chuỗi hoạt động này là lực lượng dân công hỏa tuyến (DCHT). Trong những năm kháng chiến, lực lượng DCHT đã có đóng góp đặc biệt quan trọng cho cách mạng. Tri ân các đối tượng, gia đình cựu DCHT bằng các chế độ chính sách và việc làm thiết thực là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân...

Những chiến công và hy sinh thầm lặng

Một trong những địa chỉ đỏ thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, cựu chiến binh và nhân dân các địa phương đến thăm viếng, tri ân là Di tích tưởng niệm 32 liệt sĩ DCHT Mậu Thân 1968, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Đây là 32 anh chị hy sinh trong đợt 2, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Có mặt tại Đền tưởng niệm, chúng tôi chứng kiến lễ kết nạp Đội của các em học sinh Lớp 4, Trường Tiểu học Vĩnh Lộc A. Sau lễ kết nạp, các em được nghe giới thiệu về lịch sử đền thờ và sự kiện bi tráng trong đêm hè gần 50 năm trước. 

Đông đảo học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lộc A tham quan, tìm hiểu truyền thống tại Đền tưởng niệm 32 liệt sĩ DCHT Mậu Thân 1968. 

Sau ngày giải phóng, cuộc sống của không ít DCHT gặp khá nhiều khó khăn. Những năm gần đây, lực lượng DCHT được cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo, hỗ trợ, đặc biệt từ sau Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với DCHT. Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủy Quân khu 7, sự kiện 32 DCHT Vĩnh Lộc hy sinh trong “đêm trắng” năm Mậu Thân 1968 chỉ là một trong rất nhiều trường hợp DCHT đã anh dũng nằm lại trên dặm dài đất nước. Họ là lực lượng chủ công trong việc mở đường, dẫn đường cho bộ đội; bảo đảm giao thông thông suốt; vận tải vũ khí, đạn dược, vật chất phục vụ chiến đấu; vận chuyển liệt sĩ, thương binh về tuyến sau… 

Tri ân bằng chính sách và việc làm thiết thực

Tại Hội nghị sơ kết hai năm triển khai thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, do Quân khu 7 tổ chức sáng hôm qua (13-12), Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, nhấn mạnh: Thực hiện chế độ, chính sách không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, lực lượng DCHT mà còn có ý nghĩa đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Chúng ta phải làm bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và tấm lòng tri ân.

Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, Quân khu 7 tích cực phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tri ân công lao và những đóng góp của lực lượng DCHT, trong đó tập trung vào việc rà soát, thẩm định hồ sơ để giải quyết chế độ, chính sách, hỗ trợ kịp thời cho đối tượng này; đồng thời xây dựng các công trình tưởng niệm liệt sĩ DCHT. Theo số liệu thống kê của cơ quan chính sách Quân khu 7, tính đến tháng 11-2017, trên địa bàn quân khu đã có hơn 17.000 DCHT có quyết định hưởng trợ cấp, đạt 66,89%; số còn lại đang tiến hành giải quyết ở các cấp. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngoài việc thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, ngày thương binh-liệt sĩ… Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và lực lượng DCHT. Với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, TP Hồ Chí Minh phấn đấu nâng cao chất lượng đời sống của người có công nói chung, DCHT nói riêng bằng hoặc cao hơn so với mức sống của người dân trên địa bàn. 

Tuy nhiên, việc bổ sung hồ sơ bảo đảm chế độ, chính sách cho DCHT gặp nhiều khó khăn, bởi thời gian ngày càng lùi xa, người còn, người mất. Một số cựu DCHT tuổi cao, trí nhớ không còn minh mẫn, hoặc chuyển chỗ ở… Do vậy, để khắc phục khó khăn giải quyết công tác chính sách cho đối tượng này, Quân khu 7 và các tỉnh, thành phố đã nỗ lực với trách nhiệm cao nhất. Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận, cho biết: Đơn vị chủ động phối hợp tốt với ngành lao động, thương binh, xã hội tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đồng bộ, coi trọng khâu rà soát ban đầu bảo đảm chính xác. Khi có quyết định nhận trợ cấp, trong khi chờ kinh phí của trên, địa phương linh hoạt cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các DCHT để phục vụ khám, chữa bệnh khi cần thiết.

Tương tự, các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai... triển khai nắm thông tin từ các cấp, ngành, hội cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong để có đầy đủ tư liệu, hồ sơ liên quan đến DCHT; in tờ rơi phát đến từng hộ dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của cán bộ xã, phường khẩn trương rà soát nhanh, chính xác, khắc phục việc bỏ sót đối tượng… ; trên cơ sở đó tiến hành thẩm định, xác minh, hỗ trợ tối đa cho DCHT… Trung tướng Phạm Văn Dỹ khẳng định: Với mục tiêu phấn đấu đến quý II-2018 hoàn thành việc thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với lực lượng DCHT, quân khu sẽ tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở; chủ động phối hợp tốt giữa các ban, ngành đẩy mạnh khảo sát, thẩm định, bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách, thiết thực tri ân công lao của các thế hệ DCHT trong chiến tranh.

Ngày 13-12, Quân khu 7 tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Hai năm qua, Quân khu 7 tiến hành khảo sát, dự kiến có hơn 25.400 DCHT thuộc diện hưởng trợ cấp; hiện có 17.028 DCHT đã có quyết định hưởng trợ cấp; còn hơn 8.000 hồ sơ chưa giải quyết, trong đó có 7.757 hồ sơ đang trong quá trình giải quyết ở các cấp. Các địa phương đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 9.747 DCHT… 

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - DUY HIỂN/QĐND