Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 27/6/2012 17:43'(GMT+7)

Nhiều dự án Việt Nam đoạt giải bảo vệ môi trường

 Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ làm cho trái đất nóng dần theo từng năm hiện nay đã gây ảnh hưởng đến sự sống của con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì thế, các quốc gia đã có rất nhiều dự án bảo tồn nguồn tài nguyên hoặc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo để bảo vệ thế giới và bảo vệ sự sống của con người. Theo Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giải thưởng Năng lượng toàn cầu ra đời từ năm 1999, do một thành viên của quỹ Năng lượng toàn cầu, ông Wolfgang Neumann sáng lập với mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường và chứng tỏ rằng mỗi chúng ta đều có thể đóng góp tích cực nhằm giải quyết các vấn đề môi trường hiện tại.

Từ khi ra đời đến nay, giải thưởng này đã thu hút 115 quốc gia tham gia, gồm giải thưởng năng lượng toàn cầu quốc gia Áo và giải thưởng Thế giới Năng lượng toàn cầu có tính bền vững với gần 1000 dự án và sáng kiến được đưa ra mỗi năm để cạnh tranh cho các hạng mục đất, lửa, nước, khí và tuổi trẻ (những hạng mục mà các dự án phải đáp ứng cho tiêu chí bảo vệ môi trường của giải thưởng). Thời gian qua, giải thưởng đã được truyền hình trực tiếp tại Nhật, Canada, Brussel (Bỉ) và thu hút 3 tỷ hộ gia đình trên thế giới theo dõi.

Hưởng ứng bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính, các tổ chức tại Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều dự án sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, áp dụng từ khu vực nông thôn đến thành thị, từ các lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt cá nhân đến thắp sáng trên diện rộng. Trong số những dự án sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch này, đã có 3 dự án đoạt giải thưởng Năng lượng toàn cầu, nâng cao vị thế ngành khoa học năng lượng của Việt Nam với các nước trên thế giới. Các dự án đoạt giải bao gồm: Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT (đoạt giải năm 2007); dự án “Xây dựng mô hình lò nung gạch gốm liên tục bốn buồng sử dụng công nghệ khí hóa trấu” của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam), đoạt giải năm 2009; dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK của Công ty Mặt trời Bách Khoa (Solar BK), đoạt giải năm 2011.

Với ngành chăn nuôi, lượng chất thải và nước thải từ chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi lớn đã gây không ít khó khăn cho môi trường. Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi đã giúp nhiều cơ sở chăn nuôi từ cá thể đến trang trại vừa giải quyết nguồn phân chưa được xử lý từ chăn nuôi, vừa tạo nguồn khí sinh học dùng làm khí đốt trong nấu nướng, chiếu sáng, thậm chí dùng chạy máy phát điện để tạo nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.

Còn với ngành sản xuất, dự án lò nung gạch bốn buồng liên tục đã sử dụng nguồn trấu tại khu vực ĐBSCL một cách hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất sản phẩm đất sét nung, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm hiệu ứng nhà kính. Ông Mã Khai Hiền, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về năng lượng (Enerteam) Tp.HCM chia sẻ, xuất phát từ ý tưởng giảm thiểu khí thải phát ra từ các cơ sở sản xuất cá thể tại khu vực nông thôn, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu hệ thống này. Dự án vừa đáp ứng tiềm năng phát triển công nghiệp các địa phương, đặc biệt là nghề gốm, vừa giúp giảm thiểu khí thải từ sản xuất. Ngoài ra, dự án còn tìm giải pháp công nghệ cho ĐBSCL nhằm tuân thủ chỉ đạo của Bộ Xây dựng về việc thay thế các lò gạch thủ công đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Qua đó, hệ thống lò nung bốn buồng đã đóng góp thêm cho ngành năng lượng tái tạo cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đạt giải thưởng năng lượng toàn cầu, dự án đã đóng góp thêm về ý tưởng khoa học cho năng lượng tái tạo.

Mới đây nhất, dự án Năng lượng gió - mặt trời cho Quần đảo Trường Sa - Việt Nam được trao giải vào tháng 6/2012 đã cung cấp 6.2 MWh/ngày từ ánh sáng mặt trời và gió cho 48 hòn đảo trên quần đảo này. Cả hệ thống đã cung cấp 120 tuabin gió, 4.000 tấm pin năng lượng mặt trời và hơn 4.500 bình ắc quy dự trữ điện cho những ngày ít gió, ít nắng, giúp tiết kiệm 620 lít dầu diesel mỗi ngày và giảm phát thải 6 tấn CO 2 /ngày, mang lại niềm vui khi có điện cho sinh hoạt và sản xuất cho những người dân sống trên đảo. Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Mặt trời Bách Khoa (SOLAR BK) rất tự hào khi dự án Năng lượng gió - mặt trời đoạt Giải Năng lượng toàn cầu cấp quốc gia. Theo ông Tuấn, giải thưởng này là một động viên lớn cho toàn thể nhân viên đã dốc sức làm dự án trước những khó khăn về vận chuyển thiết bị ra đảo và cũng là niềm tự hào của lực lượng hải quân trên đảo. Đây cũng là một phương thức quảng bá hình ảnh đảo Trường Sa ra thế giới, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia tham gia giải thưởng lần này. Dự kiến, Solar BK sẽ tiếp tục dự thi giải Năng lượng toàn cầu năm 2013 với các giải pháp lọc nước biển sử dụng năng lượng mặt trời, xây dựng trạm BTS hỗ trợ lọc viễn thông.

Với những mục tiêu cộng đồng, giải thưởng Năng lượng toàn cầu đã mang nền tảng toàn cầu cho năng lượng và công nghệ môi trường liên quan đến kinh doanh; cho phép các cá nhân và tổ chức sản suất, kinh doanh trình bày sáng kiến, sáng tạo dự án, công trình, chứng minh rằng kinh tế được thúc đẩy phát triển ngày càng bền vững./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất