Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/9/2015 20:56'(GMT+7)

Nhiều khuyến nghị về các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10

Đây là diễn đàn để các cán bộ xây dựng luật pháp của Quốc hội lắng nghe các khuyến nghị được tổng hợp từ mong muốn của người dân và các bằng chứng từ địa phương, cũng như các bài học kinh nghiệm trong việc huy động người dân tham gia đóng góp cho việc sửa đổi và bổ sung luật. Đây cũng là cơ hội để các bên liên quan thảo luận về cách thức để các tổ chức xã hội có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng luật pháp. Đối thoại được thực hiện giữa đại diện các tổ chức xã hội và lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội về các dự án Luật tiếp cận thông tin; Luật trưng cầu ý dân; Luật ban hành quyết định hành chính, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật dân số; Bộ luật dân sự, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật báo chí; Luật tín ngưỡng và tôn giáo; Luật tài nguyên nước; Luật hợp tác xã.

Nhiều vấn đề liên quan đến quy định của các dự án Luật đã được các đại biểu trao đổi thẳng thắn, cởi mở, phản ánh đúng tình hình thực tế với cái nhìn tương đối khái quát và khuyến nghị nhiều nội dung để dự án Luật hoàn thiện hơn, sát thực hơn, đi vào cuộc sống tốt hơn. Chẳng hạn, đối với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các đại biểu cho rằng cần đề xuất cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em, cơ chế điều phối liên ngành, những chính sách đối với cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, phường, quan tâm hơn đến đối tượng trẻ em từ 0-3 tuổi và phải được thể hiện cụ thể vào trong luật.

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại 5 xã của huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) với đối tượng chủ yếu là người dân tộc, một nhóm nghiên cứu cho rằng tín đồ Phật giáo, giáo dân, chức sắc Công giáo, tín hữu Tin lành… đều nhận định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay không ai cấm đoán song cần cởi mở hơn. Phần lớn người dân không nắm được văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân và chính quyền cơ sở đều mong muốn có Luật tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo đảm bảo quyền tự do cho người dân cũng như để người dân thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Nhiều ý kiến kiến nghị Luật tín ngưỡng, tôn giáo cần thông thoáng, thể hiện sự cởi mở của Đảng, Nhà nước đối với công tác tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân cả về quyền và lợi ích trước pháp luật. Nếu có hạn chế cần được thể chế hóa trong Luật và các quy định để thực thi một cách công khai. Luật cần có những quy định hướng dẫn chi tiết về các hoạt động tôn giáo như cấp phép dịp lễ hội, các mục vụ hoặc hành lễ của các chức sắc trong và ngoài nơi cư trú để các địa phương dễ quản lý, loại bỏ phiền hà không đáng có.

Nhận định tôn giáo đang bị lợi dụng, các đại biểu cho rằng Luật phải khắc phục được vấn đề này, vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như quy định trong Hiến pháp, vừa đảm bảo không bị lợi dụng. Luật cần định rõ tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng không đi ngược với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa; truyền bá các tư tưởng lệch lạc gây chia rẽ các cộng đồng dân tộc, tổn hại lòng tin của người dân với các tín đồ tôn giáo. Nhân sự chuyên trách đối với các cơ sở tôn giáo cấp huyện nên được bố trí nằm trong Mặt trận Tổ quốc để không phình to bộ máy và cần có chế tài để Mặt trận Tổ quốc tham gia tuyên truyền, giám sát hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Quản lý tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần được hướng dẫn cụ thể việc quyên góp để đảm bảo các hoạt động tôn giáo không bị lợi dụng về mặt tài chính.

Cho rằng giám sát cộng đồng trong vận hành hồ chứa thủy điện còn hạn chế, thiếu cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giám sát, thiếu sự hợp tác của các bên liên quan, một lưu vực có nhiều thủy điện song song hoặc bậc thang nếu chỉ có một nhà máy tạo điều kiện cho cộng đồng giám sát thì cũng không thực hiện được, các đại biểu khuyến nghị Luật tài nguyên nước cần khắc phục được các hạn chế trên, cần có cơ chế tài chính và phương tiện để thực hiện giám sát.

Nhiều khuyến nghị khác cũng đã được các đại biểu đưa ra như Luật dân số cần có quy định tăng cường công tác giáo dục để xóa bỏ tình trạng kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, đề ra các giải pháp hỗ trợ về kinh tế - xã hội nâng cao mức sống vùng sâu, vùng xa, nâng cao tầm vóc thể lực và trí tuệ của người dân tộc. Luật muốn đi vào cuộc sống phải tính đến tập quán của dân tộc, tránh phản tác dụng; cần có chính sách nâng cao chất lượng dân số. Về Luật hợp tác xã, đại biểu cho rằng muốn tổ chức lại hợp tác xã, chuyển đổi hợp tác xã sang mô hình kiểu mới, cần phải có vai trò bà đỡ của nhà nước…

Là cơ quan của Quốc hội, được nghe ý kiến từ phía người dân thông qua vai trò đại diện của các tổ chức xã hội, nhìn sự việc từ nhiều góc độ sẽ giúp cho Luật hoàn hảo và đáp ứng được mọi đối tượng tốt hơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ./.

Theo TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất