Báo Thế giới Chủ nhật của Đức ngày 23/1 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho
biết nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU), như Đức, Áo, Bỉ, Thuỵ
Điển và Đan Mạch, muốn kéo dài việc kiểm soát biên giới nhằm hạn chế
người tị nạn vào các nước này.
Theo quy định, lệnh kiểm soát biên giới hiện hành sẽ hết hiệu lực vào
tháng 5/2016, song nếu Bộ trưởng Nội vụ các nước EU nhất trí kéo dài
việc kiểm soát biên giới theo Điều 26 trong Bộ quy tắc đi lại qua biên
giới các nước tham gia Hiệp ước Schengen thì việc kiểm soát biên giới có
thể được gia hạn thêm 1,5 năm nữa, có nghĩa tối đa là tới cuối năm
2017.
Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại một hội nghị
không chính thức ở Amsterdam (Hà Lan) vào ngày 25/1 để thảo luận về vấn
đề này.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner tuyên bố có thể đình chỉ sự
tham gia Hiệp ước Schengen của Hy Lạp nếu Athens không nỗ lực kiểm soát
dòng người di cư vào EU.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở
Davos (Thuỵ Sĩ) đã cảnh báo EU có thể tan rã nếu trong vài tháng tới,
các nước thành viên không nhất trí được một lộ trình chung giải quyết
cuộc khủng hoảng người di cư cũng như vượt qua các thách thức an ninh.
Để đối phó với dòng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu, nhiều nước trong khu vực Schengen đã tái áp đặt việc kiểm soát biên giới.
Theo một nữ Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức, số người di cư vào nước này
trước mắt sẽ chưa thuyên giảm, do vậy việc kiểm soát biên giới tạm thời
sẽ vẫn là công cụ hiệu quả và cần thiết nhằm thiết lập trật tự ở khu vực
biên giới.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière cũng tuyên bố sẽ kéo dài
lệnh kiểm soát biên giới tại khu vực biên giới Đức-Áo vốn được áp dụng
từ giữa tháng 9/2015 và dự kiến hết hiệu lực vào ngày 13/2 tới.
Hiện khu vực này mỗi ngày có từ 1.300-2.800 người di cư từ biên giới Áo
sang bang Bayern của Đức. Riêng trong năm 2015, số người di cư vào Đức
đã lên tới gần 1,1 triệu người./.
(TTXVN)