Thứ Ba, 5/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 3/4/2014 11:0'(GMT+7)

Nhiều nước tham gia phê chuẩn Hiệp ước buôn bán vũ khí

UNATT được thông qua tại Đại hội đồng LHQ ngày 2/4/2013, đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có được một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường. UNATT yêu cầu các quốc gia thiết lập hoạt động kiểm soát cấp nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí.

Theo đó, những nước thông qua hiệp ước phải có trách nhiệm kiểm tra đảm bảo các hợp đồng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, luật nhân quyền hay có nguy cơ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc tội phạm. UNATT được áp dụng đối với các chủng loại xe tăng, xe bọc thép chiến đấu, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa, các hệ thống phóng tên lửa và các loại vũ khí hạt nhân khác. Tuy nhiên, để có hiệu lực UNATT cần phải nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia thành viên LHQ.

Trong số 18 quốc gia phê chuẩn UNATT ngày 2/4 có tới 17 quốc gia châu Âu, trong đó có 5 nước thuộc diện xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới như Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức. Thông báo chung của 17 nước châu Âu nói rõ bằng việc đưa hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế vào khuôn khổ toàn cầu, các quốc gia sẽ thể hiện trách nhiệm chung trong việc giảm số thương vong do vũ khí và làm cho thế giới an toàn hơn. Thông báo cũng cho biết các thành viên còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm phê chuẩn UNATT.

Nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia chưa ký kết hoặc phê chuẩn khẩn trương tham gia để bảo đảm hiệp ước sớm được thực thi. Ông cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng dân thường tiếp tục trở thành nạn nhân trong các vụ tấn công vũ trang có chủ đích. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức khu vực và quốc tế tiếp tục phối hợp nhằm bảo đảm UNATT có thể được thực thi hiệu quả.

Theo đại diện của Liên minh kiểm soát vũ khí Anna Macdonald, mỗi năm thế giới có hơn 520.000 người thiệt mạng do bạo lực vũ trang và hàng triệu người khác rơi vào thảm kịch do vũ khí lọt vào tay các phần tử cực đoan, khủng bố...

Mỹ là quốc gia sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới nhưng hiện mới chỉ ký kết mà chưa phê chuẩn UNATT. Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có nền công nghiệp vũ khí phát triển, cũng chưa thông báo kế hoạch phê chuẩn hiệp ước này.

Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất