Trong khi nguồn vốn Nhà nước có hạn thì việc xã hội hóa trong công tác thực hiện các mục tiêu, nhất là thu hút các doanh nghiệp tham gia là yếu tố rất quan trọng.
Theo Dự thảo báo cáo Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ năm 2008 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra chiều 18/9 tại Hà Nội, nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện 8 mục tiêu Thiên niên Kỷ của Liên hợp quốc trong 3 năm qua (2005 – 2007).
Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia đã giảm từ hơn 18% năm 2004 xuống còn gần 15% trong năm 2007. Về mục tiêu phổ cập giáo dục, tính đến năm học 2006 – 2007, có 96% học sinh trung học cơ sở và gần 74% học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi được đi học; tỷ lệ các em ở vùng sâu, vùng xa được đến trường đã tăng cao so với những năm trước.v.v.
Mặc dù vậy, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu này.
Thứ nhất là sự hạn chế về năng lực quản lý, kiểm tra giám sát của một số cơ quan chức năng và sự thiếu trách nhiệm của phần lớn các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, đang làm cho môi trường của Việt Nam ô nhiễm và suy thoái nặng nề.
Mới đây nhất là vụ việc công ty Vedan xả hàng nghìn m3 chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải mỗi ngày trong nhiều năm mới được phát hiện càng làm nhiều chuyên gia lo lắng về môi trường của Việt Nam.
Thách thức thứ 2 là hệ thống và chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc cho người dân, nhất là người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu cả về vật chất và nhân lực khiến việc hoàn thành mục tiêu phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm của nước ta gặp nhiều khó khăn.
Thách thức thứ ba: tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Tự Nhật, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thay vì một hay một nhóm giải pháp, từ thiết lập cơ chế cho đến việc huy động mọi nguồn lực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo. Trong khi nguồn vốn Nhà nước có hạn thì việc xã hội hóa trong công tác này, nhất là các doanh nghiệp vào tham gia là yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu.
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ, dự thảo báo cáo Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ 2008 khuyến nghị, cần đẩy mạnh việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với sự tham gia rộng rãi của người dân; Chính phủ nên thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính với mức cao hơn cho các vùng sâu, vùng xa và có chính sách sát với thực tế của từng địa phương./.
(VOVNews)