Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 27/6/2017 21:19'(GMT+7)

Nhiều tỉnh khó bố trí công tác cho đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã

Phó Chủ tịch xã trẻ Trần Thị Hương, tỉnh Hà Giang (giữa) trao đổi với các Phó Chủ tịch xã trẻ về kinh nghiệm công tác vận động bà con nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Ảnh minh họa. (Nguồn: doanthanhnien.vn)

Phó Chủ tịch xã trẻ Trần Thị Hương, tỉnh Hà Giang (giữa) trao đổi với các Phó Chủ tịch xã trẻ về kinh nghiệm công tác vận động bà con nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Ảnh minh họa. (Nguồn: doanthanhnien.vn)

Khó bố trí, sắp xếp

Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã tuyển chọn được 104 đội viên Dự án; trong đó Thanh Hóa có 60 đội viên, Nghệ An 26 đội viên, Quảng Bình 11 đội viên, Quảng Trị 7 đội viên. Các đội viên dự án có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương. Trong số 104 đội viên Dự án có 42 đội viên được đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính và kế toán (chiếm 40,38%); 45 đội viên đào tạo chuyên ngành về sư phạm, kỹ thuật, công nghệ thông tin (chiếm 43,27%); 17 đội viên đào tạo chuyên ngành về văn hóa, luật, công tác xã hội, hành chính học (chiếm 16,35%).

Hàng năm, hầu hết đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, kết quả quy hoạch cho thấy chỉ có 44 đội viên (chiếm 42,31%) được quy hoạch vào các chức danh: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng ban chuyên môn và tương đương cấp huyện; Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã. Tỉnh Thanh Hóa chỉ có 5/60 đội viên được quy hoạch, bố trí sử dụng, còn lại 55 đội viên (chiếm 91,67%) không được quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo quản lý ở cấp xã, cấp huyện, điều này đã ảnh hưởng đến việc sắp xếp, bố trí sử dụng đội viên sau khi kết thúc Dự án.

Đến nay, có 101/104 đội viên còn tham gia Dự án (các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, mỗi tỉnh giảm 1 đội viên); trong đó Nghệ An đã bố trí công tác được 16/25 đội viên (đạt 64%). 16 đội viên trên được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã nhiệm kỳ 2016-2021 theo Luật Chính quyền địa phương, còn 9 đội viên Dự án chưa được sắp xếp bố trí. Quảng Bình đã bố trí công tác được 10/10 (đạt 100%) đội viên. Quảng Trị bố trí công tác 2/7 đội viên (đạt 84,2%), 5 đội viên còn lại chưa được bố trí.

Tỉnh Thanh Hóa mới bố trí công tác được 1 đội viên. Đối với 58 đội viên còn lại của tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang rà soát để bố trí, sử dụng; đồng thời có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung 47 chỉ tiêu biên chế để bố trí đội viên vào làm việc tại các xã và cơ quan chuyên môn của huyện và địa phương.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, do nhiều huyện không có biên chế để sắp xếp, bố trí; chuyên ngành đào tạo không phù hợp. Trong khi nhu cầu của các huyện cần chuyên ngành kinh tế nhiều hơn thì chỉ có 13 đội viên được đào tạo chuyên ngành kinh tế, còn tới 46 đội viên là chuyên ngành xã hội. Tỉnh dự kiến sẽ bố trí được cho 37 đội viên, còn 22 đội viên đang khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp.

Một thực tế khách quan được các đại biểu nêu ra tại hội nghị là một bộ phận cán bộ, công chức ở địa phương ban đầu còn mang nặng định kiến, chưa có niềm tin, nghi ngờ khả năng của đội viên. Các xã thuộc phạm vi Dự án có địa hình phức tạp, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, không đồng đều; kinh tế chậm phát triển; trong khi đó hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, trình độ năng lực, cơ cấu đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đồng đều, là thách thức lớn với đội viên về công tác.

Nhiều kiến nghị chính sách

Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ về các xã nghèo. Cho rằng đây là chủ trương đúng, được lòng dân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho biết, đây là điều kiện để tri thức hóa, thay đổi tư duy, phương pháp làm việc của các xã nghèo. Ông Đại nhận định, vai trò của hệ thống cấp xã rất quan trọng trong hệ thống chính trị, nhất là các xã nghèo theo Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP, rất cần trẻ hóa, tri thức hóa để bộ máy chính quyền cấp xã có cách làm việc năng động, sáng tạo, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân hơn.

Ông Mai Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc đưa ngay các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã khi mới ra trường khiến họ còn bỡ ngỡ, cần để cho các đội viên tập làm quen, có từ 1-2 năm kinh nghiệm làm việc ở xã. Ông Mai Thức đề nghị triển khai nhân rộng kết quả thực hiện Dự án ra toàn quốc, kéo dài thời gian làm Phó Chủ tịch xã cho các đội viên dự án; đồng thời cần có cách làm thống nhất trong bố trí biên chế đối với các đội viên. Các xã đặc biệt khó khăn cần được tăng thêm một Phó Chủ tịch.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, đối với các dự án tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo trẻ cần có thời gian đi thực tế, tập sự dài hơn để đánh giá, tiếp tục lựa chọn trước khi bố trí công tác. Trong quá trình xây dựng dự án cần chú trọng tiêu chuẩn đầu vào khi tham gia các dự án; có quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với việc quy hoạch, bố trí, sử dụng sau khi kết thúc dự án; có cơ chế để đội viên huy động nguồn vốn, triển khai thực hiện những mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, đem lại hiệu quả cao.

Đối với việc bố trí đội viên sau khi Dự án kết thúc, Phó Giám đốc Sở nhìn nhận, do việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế hiện nay, trong khi đó tỷ lệ đội viên đào tạo chuyên ngành xã hội đông, khó khăn trong việc bố trí vào các chức danh công chức, do đó Bộ Nội vụ cần xem xét, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết nhiệm kỳ đối với các đội viên hoặc xem xét, bổ sung biên chế cho các huyện để bố trí, sắp xếp công tác cho đội viên./.

Thanh Vân - Bích Huệ/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất