Thứ Năm, 18/7/2013 10:5'(GMT+7)
Nhiều trường ĐH dự kiến sẽ có hai loại điểm chuẩn
Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy
định việc thí sinh học trung cấp, cao đẳng muốn học liên thông lên cao
đẳng, đại học nhưng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham dự kỳ thi
tuyển sinh đầu vào cùng với các thí sinh dự thi đại học.
Lãnh đạo nhiều trường cho biết, tuy thi chung nhưng trường sẽ xây dựng
điểm chuẩn riêng dành cho người học liên thông, song song với một điểm
chuẩn như mọi năm.
Theo đó, ở những trường này sẽ có hai loại điểm chuẩn, một điểm chuẩn
cho thí sinh là học sinh trung học phổ thông và một điểm chuẩn cho thí
sinh là học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng thi để học liên thông lên
cao đẳng, đại học.
Điểm chuẩn liên thông thấp hơn
Mặc dù chưa có kết quả thi nhưng các trường cho biết điểm chuẩn dành cho
thí sinh thi học liên thông sẽ được ưu tiên, thấp hơn so với điểm chuẩn
thi vào hệ chính quy của học sinh phổ thông.
Theo ông Đặng Văn Tung, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ
thuật Thương mại (Hà Đông), số học sinh trung cấp của trường thi liên
thông năm nay khá đông. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em, trường sẽ
xét điểm chuẩn riêng, chỉ cần điểm thi của thí sinh không dưới điểm sàn
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xây dựng điểm chuẩn riêng cũng là dự định của trường Học viện Bưu chính
Viễn thông. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện, cho biết năm nay
trường có hơn 400 thí sinh thi liên thông.
“Những học sinh này có thể sẽ có ưu tiên nhất định về điểm chuẩn để
khuyến khích tinh thần học tập của các em, tuy nhiên, điểm cũng không
thể quá thấp,” ông Lập nói.
So với Học viện Bưu chính Viễn thông, số thí sinh thi liên thông của Đại
học Công nghiệp Hà Nội lớn hơn rất nhiều, lên tới trên 3.000 em. Với số
lượng này, Đại học Công nghiệp Hà Nội có lẽ là một trong những trường
có lượng thí sinh thi liên thông lớn nhất cả nước.
Theo ông Phạm Văn Bổng, Phó hiệu trưởng nhà trường, trong số 3.000 thí
sinh này có cả học sinh trung cấp thi liên thông lên cao đẳng và sinh
viên cao đẳng thi để học liên thông lên đại học.
“Nếu được Bộ cho phép, trường cũng xây dựng điểm chuẩn riêng,” ông Bổng chia sẻ.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi Toán tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sẽ không nhiều thí sinh trên điểm sàn?
Cho biết sẽ có mức điểm chuẩn ưu ái hơn cho các thí sinh thi liên thông
nhưng lãnh đạo các trường cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào tỷ lệ đỗ
của nhóm thí sinh này.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trung cấp có thời gian chuẩn bị
cho kỳ thi tuyển sinh cao đẳng cùng với các thí sinh khác, trường Cao
đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại (Hà Đông) đã gấp rút đẩy tiến độ ôn tập
và thi tốt nghiệp trung cấp lên sớm hơn vài tuần so với mọi năm.
Tuy nhiên, theo các thí sinh thi liên thông tại trường, chất lượng làm
bài của các em vẫn rất tệ. “Chúng em hầu như không nhớ gì nên không thể
làm được bài,” một thí sinh buồn bã nói.
Đây cũng nhận định của ông Trưởng phòng Đào tạo Đặng Văn Tung. Theo ông
Tung, những em này đã bỏ không động đến kiến thức phổ thông trong hai
năm và bận học tốt nghiệp trung cấp nên cũng không có thời gian ôn tập.
Vì thế, khó có thể làm tốt bài thi.
Nhìn một cách bi quan hơn, ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu
chính Viễn thông, cho rằng sẽ rất ít thí sinh thi liên thông có thể đạt
điểm sàn. "Cách đây ba năm, các em vừa học xong chương trình phổ thông,
kiến thức còn ‘nóng hổi’, được ôn luyện, chuẩn bị kỹ càng mà thi còn
không đỗ thì việc sau ba năm bỏ bẵng, không có thời gian tập trung ôn
lại thi đỗ là điều rất khó," ông Lập phân tích.
Đưa ra những thông tin cụ thể, ông Lập cho biết, đề thi đại học năm nay
được đánh giá là có câu dễ cho học sinh trung bình. Tuy nhiên, số câu
hỏi này chỉ chiếm cùng lắm đến 3 điểm. Điểm thi đại học năm nay theo đó
sẽ ít có thí sinh bị 0 điểm nhưng để đạt điểm từ trung bình trở lên thì
không dễ. Kết quả chấm thi ban đầu tại Học viện Bưu chính Viễn thông
cũng cho thấy điều đó.
“Vì thế, để đạt điểm sàn, cứ giả sử ở mức 13 điểm, tương đương các năm
trước, là khó với học sinh liên thông. Các trường sẽ có ưu tiên nhưng
vấn đề là các em liệu có đạt trên điểm sàn không,” ông Lập nói.
Như vậy, việc được các trường ưu tiên về điểm chuẩn là một tin vui đối
với các sỹ tử thuộc đối tượng thi học liên thông, nhưng đây cũng là một
thách thức mà không nhiều em có thể vượt qua.
Hiệu trưởng được quyền quyết định hai điểm chuẩn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, với đối tượng thi
liên thông, điểm chuẩn đầu vào sẽ do hiệu trưởng của trường quyết định.
Điểm chuẩn có thể bằng với điểm chuẩn tuyển sinh như các thí
sinh khác, hoặc có thể có điểm chuẩn riêng cho hệ liên thông.
Tuy nhiên, do thi ba chung nên điểm chuẩn này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là tối thiểu bằng điểm sàn./.
|
Theo Vietnam+