Thứ Sáu, 20/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 27/5/2015 13:57'(GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều về việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng nay (27/5), Quốc hội tiếp tục nóng lên về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016). Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết nhằm giúp người lao động không đủ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội lại cho rằng khi luật chưa có hiệu lực mà đã vội vã sửa là không nên. Thay vào đó, Quốc hội nên ra Nghị quyết quy định về thời gian và lộ trình thực hiện điều luật này.

Xung quanh vấn đề trên, VietnamPlus đã tổng hợp lại một số ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu Quốc hội về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sửa đổi là cần thiết

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Mục tiêu xây dựng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam là nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng Bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng Bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận Bảo hiểm xã hội một lần. 

Tuy nhiên, một bộ phận người lao động kiến nghị được lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, nhằm giải quyết khó khăn cũng như có một khoản vốn về quê làm ăn. 

Trước những thực tế trên, Chính phủ thống nhất với đề xuất sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa ai phản đổi phải bỏ Điều 60. Có thể thấy Điều 60 đúng nhưng chưa đủ vì chưa quan tâm hết các quyền lợi khác nhau.

Việc phản ứng Điều 60 chỉ do tước bỏ quyền lựa chọn hợp pháp của người lao động. Khi chọn lựa một lần là họ phải hy sinh một số quyền lợi xã hội, dù chỉ là thiểu số nhưng đó là quyền lợi chính đáng thì phải quan tâm.

Tôi ủng hộ việc Chính phủ đưa ra để Quốc hội xem xét, có hiệu lực thì cũng phải sửa, việc sửa hay ra Nghị quyết đều có thể làm nhưng phải tôn trọng sự lựa chọn của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Việc cho phép nhận Bảo hiểm xã hội một lần không phải tất cả công nhân đều muốn, họ chỉ muốn được luật bảo vệ. Ý kiến nguyện vọng của người công nhân là chính đáng, nên sửa Điều 60 theo hướng để người lao động có thể được hưởng, hoặc bảo lưu về bảo hiểm xã hội một lần.

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)


Tránh tính trạng càng sửa càng sai

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình: Quy trình làm luật đúng, có xin ý kiến của mọi tầng lớp và đối tượng tác động. Điều 60 cũng khắc phục được tình trạng mỗi năm Nhà nước bỏ ra 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những người từ 80 tuổi trở lên mà không được hưởng lương hưu. Do vậy tại sao lại có đề nghị sửa đổi và nếu nói sai thì không thỏa đáng và đáng buồn khi luật ban hành mà nhân dân không đồng tình.

Tôi đồng tình với Chính phủ cần có sự điều chỉnh, nhưng phải làm theo quy trình và xem có bao nhiều phần trăm đồng tình, tránh tình trạng "có sai có sửa, càng sửa càng sai." Quốc hội nên có Nghị quyết về vấn đề này trước mắt ổn định tình hình cũng như có thời gian để đánh giá lại. Còn nếu sửa đổi phải theo quy trình chặt chẽ, tránh tình trạng thụ động như hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội: Người lao động nhận tiền một lần bây giờ, sau này không có nữa, về hưu không có lương lại trở nên nghèo khổ, không đảm bảo cuộc sống. Lúc đó rồi lại bảo giá như ngày xưa tôi không lấy bảo hiểm một lần. Chúng ta nên tuyên truyền cho tốt để người lao động hiểu.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, đoàn Hà Nội: Số người lao động chưa đồng tình với quy định tại Điều 60 chỉ là một bộ phận nhỏ có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội ngắn…Việc sửa luật chỉ giải quyết được khó khăn cho số ít người, nhưng sẽ làm số người hưởng trợ cấp một lần tăng lên, số người về già không có lương hưu cũng gia tăng làm ảnh hưởng đến chính sách bảo hiểm hưu trí, không khuyến khích việc tham gia Bảo hiểm xã hội lâu dài. Do vậy, Quốc hội không nên sửa Điều 60 mà cần làm tốt công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội tới người lao động. 

Đại biểu Hồ Thị Thủy, đoàn Vĩnh Phúc: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như quyền thụ hưởng tốt hơn của người lao động... khắc phục một số hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Tuy nhiên, khi luật chưa có hiệu lực thì đã có ý kiến phải sửa đổi Điều 60, nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn trong độ tuổi lao động mà muốn lấy tiền để kinh doanh thì điều đó sẽ lo lắng, gây khó khăn cho vấn đề an sinh xã hội bởi lẽ tuổi già sẽ không có lương hưu. Do vậy, cần khảo sát từng khu vực lao động, trước khi đi đến quyết định sửa đổi./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất