1. Bi kịch “mãi là người đứng sau”
Năm 2015 tiếp tục chứng
kiến những thất bại toàn diện của bóng đá Việt Nam trước “láng giềng”
Thái Lan. Thầy trò HLV Miura thua liên tiếp từ những trận giao hữu cho
tới thi đấu chính thức ở các lứa tuổi, từ các giải trẻ, SEA Games cho
tới ĐTQG.
Đó đều là những trận
thua “lấm lưng, trắng bụng” của ông Miura trước người đồng nghiệp trẻ
Kiatisuk Senamuang. Đầu tiên là hai thất bại “tâm phục” cùng với tỷ số
1-3 của ĐT Olympic Việt Nam trước Thái Lan và chỉ có được bàn danh dự ở
những phút cuối trong trận giao hữu và tại vòng bảng SEA Games 28.
|
Bi kịch trước người Thái liên tục tái diễn trong năm 2015. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Ở
cấp độ ĐTQG, nếu như thầy trò HLV Miura thua tiếc nuối 0-1 trên đất
Thái Lan trong trận lượt đi bảng F vòng loại World Cup 2018 vào cuối
tháng 5 thì màn tái đấu vào 5 tháng sau đó thật sự là cơn ác mộng với
ĐTVN.
Thua
“trắng” ba bàn không gỡ ngay tại Mỹ Đình với thế trận hoàn toàn lép vế
và không có nổi bàn thắng danh dự, ĐTVN khép lại năm thất bại toàn diện
của bóng đá nước nhà trước “kình địch” Thái Lan.
Tương tự là bóng đá nữ,
khi HLV Norimatsu Takashi nhanh chóng chia tay ĐTQG sau hai thất bại
liên tiếp trước Thái Lan ở các giải đấu khu vực. Ông Takashi chấm dứt
hợp đồng cùng VFF với điểm sáng duy nhất là thành tích ấn tượng của các
cô gái vàng Việt Nam tại vòng loại Olympic.
2. Công và tội của HLV Miura
Sau hơn một năm gắn bó
với bóng đá Việt Nam, HLV Miura đang từng bước cải thiện chất lượng cũng
như tư duy chơi bóng của ĐT U23 Việt Nam cho tới ĐTQG.
|
HLV Miura trước sức ép lớn từ truyền thông và người hâm mộ. (Ảnh: Trọng Phú). |
Về
cơ bản, sau những giáo án “nhồi” thể lực với cường độ cao và liên tục,
sức bền của các cầu thủ đã được cải thiện đáng kể, điều này có thể thấy
rất rõ khi ĐTVN đối đầu với những đối thủ lớn tầm cỡ châu lục như Iraq
(vòng loại World Cup 2018) hay Iran (ASIAD 17)… hay thi đấu giao hữu với
các CLB hàng đầu thế giới như Man City, Cerezo Osaka…
Tư duy chơi bóng ít
chạm, hiện đại cũng được ông thầy người Nhật Bản trang bị cho các học
trò nhưng điều đáng nói nhất chính là là tinh thần tập thể, ý chí thi
đấu kiên cường như những samurai và kỷ luật “thép” mà ông Miura hàng
ngày “rèn” cho các cầu thủ.
Thế
nhưng, dù dẫn dắt ĐT U23 Việt Nam chơi hết sức thành công ở vòng loại
U23 châu Á 2016 hay giành HCĐ tại SEA Games 28 trên đất Singapore, HLV
Miura vẫn cho thấy những điểm trừ khi thua toàn diện trước người đồng
nghiệp trẻ Kiatisuk Senamuang trong cả 3 lần “đấu trí” ở các trận đấu
chính thức, đặc biệt là hai trận thua của ĐTVN ở vòng loại World Cup
2018.
Không những vậy, việc
thiếu cá tính rõ nét cũng khiến ông Miura bị ảnh hưởng và chịu rất nhiều
sức ép từ chính VFF hay truyền thông nước nhà, điều mà như chính chiến
lược gia người Nhật Bản mới đây thừa nhận.
|
ĐTVN chơi thiếu bài bản rõ nét dưới sự dẫn dắt của HLV Miura. (Ảnh: Nhung Trần). |
Bên cạnh đó, HLV Miura
vẫn loay hoay, chưa tìm được một bài bản rõ nét – điều mà như nhiều
chuyên gia nhận định, hầu như các cầu thủ chỉ vào sân với tinh thần thi
đấu đầy quyết tâm thay vì chiến thuật hiệu quả dưới thời của nhà cầm
quân sinh năm 1963 này. Đây cũng là lý do vì sao mà người hâm mộ tỏ ra
phẫn nộ sau chiến thắng 2-1 đầy may mắn trước Đài Loan (Trung Quốc) ở
vòng loại World Cup 2018.
3. Những bi-hài mang tên VFF
Nếu nhìn vào năm 2015
bết bát của bóng đá Việt Nam, có thể thấy rõ những hạn chế và thiếu sâu
sát của những người có trách nhiệm và phải nhận trách nhiệm trước người
hâm mộ về kết quả kém cỏi của bóng đá nước nhà. Dù đã để VPF “gánh” công
việc tổ chức các giải đấu như V-League, cúp QG, giải Hạng Nhất QG nhưng
VFF vẫn để lại “dấu ấn” bằng những quyết định khó hiểu và “gây cười”.
Ngoài
việc Ban kỷ luật VFF gần như bất lực trong việc giảm trừ tình trạng thi
đấu bạo lực trên sân cỏ ở các giải đấu trong nước, điển hình là pha vào
bóng mang tính triệt hạ của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa ở vòng 25
V-League 2015 khiến cầu thủ của SHB Đà Nẵng suýt phải giải nghệ ở tuổi
24, hay tình huống một trung vệ khác của ĐTQG là Dương Thanh Hào vào
bóng nguy hiểm từ phía sau khiến Abass gãy rời chân trong trận tranh cúp
QG giữa Hà Nội T&T và B.Bình Dương.
Sai lầm nối tiếp sai
lầm. Trước sức ép quá lớn từ dư luận, VFF đưa ra án phạt “lịch sử” và
như một trò đùa không hơn, không kém khi treo giò Quế Ngọc Hải 6 tháng
(thực ra là chỉ 3 tháng bởi vào tháng 3/2016 V-League mới khởi tranh mùa
giải mới) cùng điều khoản phải bồi thường hoàn toàn chi phí phẫu thuật,
chữa trị chấn thương cho Anh Khoa mà còn số sau này lên tới 834 triệu
đồng.
|
Pha vào bóng khiến Ngọc Hải mất gần 1 tỷ đồng bồi thường. (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Trong
khi đó, Thanh Hào “may mắn” thoát án bởi đã… thực sự ăn năn sau pha
bóng đó cũng như hai đội bóng Hà Nội T&T và B.Bình Dương nhanh chóng
bày tỏ thiện chí và thái độ hợp tác để giải quyết vụ việc.
Chỉ một ngày sau khi vụ
“lùm xùm” Ngọc Hải – Anh Khoa được giải quyết triệt để, VFF đã sửa luật
với những điều khoản bồi thường hợp lý hơn dành cho các cầu thủ phạm
lỗi nguy hiểm và trung vệ họ Quế của SLNA đi vào lịch sử khi chắc chắn
sẽ là cầu thủ duy nhất phải bồi thường tới gần 1 tỷ đồng vì khiến cầu
thủ đối phương chấn thương.
Chưa
hết, nội bộ VFF cũng rạn nứt nghiêm trọng sau những phát biểu công khai
nhằm vào HLV Miura của Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên
Đức. Trước đó, bầu Đức cũng gây tiếng vang khi khẳng định HAGL với những
Công Phượng, Tuấn Anh và các “cậu bé” của mình bị “đánh hội đồng” ở
V-League 2015, dù sau đó đã trụ hạng hết sức “thần kỳ” ở những vòng
cuối.
Việc ông Đức không
ngừng đặt vấn đề VFF chấm dứt hợp đồng với HLV Miura tạo nên sự chia rẽ
lớn trong nội bộ cơ quan bóng đá hàng đầu nước nhà mà như Phó Chủ tịch
phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ nói là “VFF chưa đoàn kết lắm vì
HLV Miura”.
|
HLV Miura bị bầu Đức công kích liên tục vì không trọng dụng Công Phượng? (Ảnh: Nhung Trần). |
Không
dừng lại ở đó, Tổng cục TDTT vào cuộc với khẳng định như “đinh đóng
cột” cần một hội nghị Diên Hồng để cải thiện bóng đá nước nhà sau những
thất bại liên tiếp trước người Thái. Thế nhưng, người hâm mộ bóng đá
nước nhà sau bao hào hứng và kỳ vọng lại được thêm một phen hụt hẫng bởi
tuyên bố sẽ không có hội thảo nào cả để nâng tầm bóng đá Việt Nam vì…
không cần thiết.
4. Tư duy lại tương lai
Một năm ảm đạm đã qua
đi với nhiều điều đáng quên với những thất bại trước kình địch Thái Lan
mà như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định khi
tổng kết SEA Games 28, bóng đá Thái đã ở đẳng cấp khác so với chúng ta.
|
Cần nghiêm túc tư duy lại tương lại để nâng tầm bóng đá Việt. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Thực sự, để đánh bại
người Thái, chúng ta cần nghiêm túc tư duy lại tương lai, để bóng đá
Việt Nam đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ trong năm 2016 và xa hơn
nữa./.
Theo VOVnews