Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 1/1/2016 21:57'(GMT+7)

Nhìn lại cục diện thế giới năm 2015

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Hội nghị COP21 thông qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Hội nghị COP21 thông qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Kỳ họp lịch sử của Đại hội đồng LHQ kỷ niệm 70 năm thành lập để nhận thức về thế giới đương đại

Năm 2015 - vừa tròn 70 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) được đánh dấu bằng kỳ họp lịch sử của tổ chức này với hai nội dung rất quan trọng là thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững của thế giới đến năm 2030 và thảo luận những cơ hội, thách thức đặt ra trước LHQ trong thế giới đương đại. Tại kỳ họp, 193 quốc gia thành viên đã thông qua 17 mục tiêu về phát triển bền vững đến 2030, thay thế 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thông qua năm 2000. 17 mục tiêu nhằm đạt 3 thành tựu quan trọng: Chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và giải quyết biến đổi khí hậu.

Trải qua 70 năm, bên cạnh những thành tựu đạt được, LHQ vẫn chưa thể hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đề ra. Xung đột vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, tình trạng nghèo đói bất bình đẳng vẫn nhen nhóm nhiều nơi. Đặc biệt là, sau 70 năm, LHQ lại đứng trước hiểm họa chủ nghĩa khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) còn nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ XX.

 Cuộc chiến chống IS ở Xyri tác động lớn đến cục diện chính trị thế giới trong thế kỷ XXI

Tại diễn đàn lịch sử của Đại hội đồng LHQ năm 2015 có hai bài phát biểu quan trọng nhất. Đó là bài tham luận của Tổng thống Mỹ B.Ôbama và của Tổng thống Nga V.Putin, trong đó các bên công khai và chính thức thể hiện trước toàn thế giới những mâu thuẫn cơ bản, có tính nguyên tắc, về cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng Xyri. Trong khi Tổng thống Mỹ B.Ôbama tuyên bố chủ trương của Mỹ loại bỏ bằng được Tổng thống Baxa An Atxat ra khỏi tiến trình chính trị ở Xyri, thì Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, Tổng thống Baxa An Atxat đóng vai trò không thể thiếu được trong cuộc chiến chống IS.

Do mâu thuẫn đối kháng như vậy nên Nga không thể tham gia liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy đã từng được hình thành từ tháng 8-2014. Vì thế, ngày 30-9-2015, Tổng thống V.Putin tuyên bố Nga sẽ dẫn đầu liên minh quốc tế với sự tham gia của Irắc và Xyri tiến hành chiến dịch chống IS nhằm giúp Chính phủ Xyri giải phóng các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đoạt, tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị mà tất cả các bên đều chấp nhận được để lập lại hòa bình. Trong khi đó, liên quân chống IS do Mỹ chỉ huy chỉ tiến hành các cuộc tấn công IS mang tính chất tượng trưng và trên thực tế đang tạo điều kiện cho IS giành lại ưu thế quân sự đã mất nhằm đạt được mục tiêu là loại bỏ Tổng thống Xyri Baxa An Atxat.

Các vụ khủng bố tàn bạo được cho là do IS gây ra ở Pháp vào đầu và cuối năm 2015, vụ khủng bố nhằm vào chiếc máy bay chở khách của Nga A-321 đang bay trên bầu trời Ai Cập và sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên NATO, bắn  rơi máy bay chiến đấu của Nga đang làm nhiệm vụ chống khủng bố ở Xyri trong năm nay không phải là những thảm họa đơn lẻ, ngẫu nhiên, mà là những mắt xích trong một chuỗi âm mưu vô cùng thâm độc và tàn ác của những thế lực đã từng nuôi dưỡng và sử dụng chủ nghĩa khủng bố như một công cụ để thực hiện mục đích địa-chính trị.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự chống IS của Nga ở Xyri đã có kết quả: ngày 30-10-2015, Hội nghị về Xyri ở Viên với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao của Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út và Iran với đại diện các nước Anh, Trung Quốc, Ai Cập, Irắc Gioocđani đạt được thỏa thuận mới về giải quyết khủng hoảng Xyri. Có thể thấy, kết cục cuộc chiến chống IS ở Xyri của Nga sẽ làm thay đổi căn bản cục diện chính trị quốc tế trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ ở Trung Đông và được ví như “trận quyết chiến chiến lược Xtalingrát” trong thế kỷ XXI. Việc Nga thắng hay bại trong cuộc chiến này tương tự như cuộc đấu tranh của Liên Xô nhằm đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II. Đây là cuộc chiến tranh vô cùng phức tạp, thậm chí còn cam go và phức tạp hơn cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ trước bởi không được phân tuyến rõ ràng, còn kẻ thù được che đậy bởi bộ mặt “nhân đạo”, rất khó phân biệt và đánh lừa dư luận quốc tế.

Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP-21, cơ hội lịch sử để cứu tương lai của nhân loại trong thế kỷ XXI

Với quyết tâm cứu nhân loại khỏi thảm họa do tác động của hiện tượng môi trường trên Trái Đất nóng lên khoảng 20C vào cuối thế kỷ này, Hội nghị lần thứ 21 về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP-21) đạt kỷ lục vsố thành viên tham dự gồm các nhà lãnh đạo của hơn 150 nước. Các cuộc thảo luận diễn ra trong vòng 12 ngày nhằm đạt được một thỏa thuận khó khăn về hạn chế sử dụng các nhiên liệu hóa thạch vốn được coi là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên. Chưa bao giờ một hội nghị quốc tế lại có tầm quan trọng lớn như COP-21 bởi liên quan tới tương lai của hành tinh, tương lai cuộc sống và hi vọng của toàn nhân loại nằm trên vai chúng ta. Ngày 5-12-2015, COP-21 đã thông qua dự thảo thỏa thuận khí hậu, trong đó có mục tiêu dài hạn về việc kìm hãm quá trình biến đổi khí hậu và gia tăng tài trợ cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Nhóm P5+1 với Iran mở ra cục diện mới ở Trung Đông

Năm 2015 sẽ đi vào lịch sử Trung Đông và thế giới với Thỏa thuận mang tính đột phá của Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức) với Iran về chương trình hạt nhân của Têhêran. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lịch sử trong việc hóa giải một trong những hồ sơ xung đột phức tạp nhất, có thể đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi và đối đầu giữa Nhà nước Hồi giáo này và phương Tây kéo dài suốt 12 năm qua. Nhận định về thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ B.Ôbama đánh giá đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Iran mà còn đối với cả thế giới, tương tự như quyết định hòa hoãn giữa Mỹ và Liên Xô trong thập niên 1970, hay là “tư duy mới” dẫn tới công cuộc cải tổ ở Liên Xô trong thập niên 1980.  

Điều đáng chú ý nhất là Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran dựa trên cơ sở những nguyên tắc do Nga đề xuất là phải công nhận quyền của Iran phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và Iran sẽ không theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Vì thế, Tổng thống Mỹ B.Ôbama đã ghi nhận vai trò quan trọng của Nga trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử này.

Cuộc khủng hoảng di cư châu Âu - biến thái mới của cuộc cạnh tranh địa-chính trị mới sau Chiến tranh lạnh

Trong năm 2015 châu Âu chìm đắm trong cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Đứng trước hiện tượng vô cùng phức tạp này đã có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Có những công trình nghiên cứu cơ bản xác định, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu là một loại vũ khí chiến tranh mới, được gọi là “chiến tranh phức hợp” (Hybrid War), phương tiện chiến tranh chủ yếu không phải là vũ khí nóng như trong chiến tranh truyền thống mà là các “phương tiện mềm” như cấm vận kinh tế, ngoại giao, chiến tranh thông tin-tư tưởng và văn hóa, trong đó làn sóng di cư chiếm một vị trí đặc biệt. Nó trở thành thứ vũ khí chiến lược, nguy hiểm không kém gì so với tên lửa hạt nhân có tầm phóng xuyên lục địa.

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu không phải là làn sóng di cư ngẫu nhiên do người dân Bắc Phi-Trung Đông chạy lánh nạn mà là kết quả của một chiến lược được hoạch định rất bài bản và do các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ và Anh tổ chức thực hiện và tài trợ thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter. Mục tiêu chiến lược lâu dài không chỉ là cuộc cạnh tranh địa-chính trị giữa Mỹ với các đối tác của họ ở châu Âu mà còn là giữa Mỹ và Nga.  

 Thỏa thuận Minxcơ-2: cơ hội lịch sử cho hòa bình ở Ucraina

Ngày 12-2-2015 đi vào lịch sử Ucraina như là cơ hội cuối cùng để lập lại hòa bình ở quốc gia Đông Âu này và cũng có thể là khoảng lặng giữa một cơn bão địa-chính trị lớn nhất giữa lòng châu Âu có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tất cả đều tùy thuộc vào thiện chí của các bên có liên quan tới cuộc khủng hoảng này thực thi những kết quả đạt được sau những nỗ lực đàm phán cam go kéo dài giữa Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Pháp F.Hôlăng, Thủ tướng Đức A.Mecken  và Tổng thống Ucraina P.Pôrôsencô được thể hiện ở Tuyên bố chung của nguyên thủ bốn quốc gia thuộc “Nhóm Nocmăngđi” và Tổng thể các biện pháp thực thi các Thỏa thuận Minxcơ-2.

Toàn bộ diễn biến tình hình quân sự-chính trị ở Ucraina trong năm 2015 đều liên quan tới việc thực thi các Thỏa thuận Minxcơ-2. Tuy nhiên, chính quyền Ucraina được Mỹ “chống lưng” đã liên tục vi phạm và không thực hiện thỏa thuận lịch sử này, rút cuộc không chỉ đưa cuộc khủng hoảng rơi vào tình trạng bế tắc mà còn đẩy Ucraina tới nguy cơ phá sản, không chỉ đưa quan hệ Ucraina-Nga tới mức không thể tồi tệ hơn mà còn đưa quan hệ Nga-phương Tây tới chỗ “đóng băng” nếu không muốn nói là hoàn toàn bế tắc.

Sự kiện chiếc máy bay MH17 của Malaixia rơi bí ẩn trên bầu trời Ucraina ngày 17-6-2015 rất có thể do chính quyền Kieev gây ra, lại bị gán tội cho dân quân miền Đông được Nga ủng hộ là “thủ phạm”, chỉ là một trong vô vàn biểu hiện về tính chất vô cùng phức tạp, kịch tính của cuộc khủng hoảng Ucraina.

Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới ở Đông Nam Á

Ngày 22-11-2015, tại thủ đô Kuala Lămpơ của Malaixia, ​lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung, là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ vươn lên từ Tuyên bố Băng Cốc 1967 đến Tầm nhìn ASEAN 2020, từ Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đến Hiến chương ASEAN, từ Tuyên bố hòa hợp Bali II đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Kết quả tổng hợp các nỗ lực đó đưa đến sự hình thành cộng đồng, cho thấy quá trình trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN từ một tổ chức còn rất khiêm tốn ở Đông Nam Á trở thành một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội với vai trò và vị thế ngày càng cao ở trong khu vực và trên thế giới.

Có thể khẳng định, Cộng đồng ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể là mô hình cấu trúc tương lai của thế giới, bởi tập hợp trong đó các quốc gia có chế độ chính trị và mô hình phát triển khác nhau. Trên cơ sở ASEAN đã hình thành nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế có hiệu quả như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) bao gồm 25 quốc gia có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) gồm lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận lấy ASEAN làm trung tâm, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Hội nghị cấp cao ASEAN+1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa, Ấn Độ, Nga, Mỹ…)

 

Khủng hoảng nợ Hy Lạp-vết nứt gãy trong lòng EU

Năm 2015 chứng kiến diễn biến khá bất ngờ trên chính trường Hy Lạp, trong đó đảng cánh tả Syriza với khẩu hiệu phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Liên minh châu Âu (EU), đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội và ông Alêchxi Chiprat, thủ lĩnh đảng này, trở thành thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ mới. Kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5-7-2015 đem lại kết quả với 61,3% người dân nói "không" đối với gói viện trợ của quốc tế với những điều kiện thắt lưng buộc bụng khắc khổ.

Tuy nhiên, hy vọng vừa được nhen nhóm sau cuộc trưng cầu ý dân này đã bị dập tắt bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu trong khu vực Eurozone vẫn đưa ra “tối hậu thư” đối với Hy Lạp: hoặc là chấp nhận các điều kiện của chính sách “thắt lưng buộc bụng” để được nhận các gói cứu trợ mới, hoặc phải ra khỏi Eurozone. Trong tình thế đó, chính phủ của Thủ tướng Alêchxi Chiprat buộc phải “đầu hàng vô điều kiện” và chấp nhận mọi điều kiện của Eurozone. Đối với châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp là vết nứt hãy khó hàn gắn, có thể đặt EU trước rất nhiều rủi ro địa-chính trị và chứng tỏ cho cả thế giới thấy những yếu kém của “lục địa già”, giáng một đòn chí tử vào mong muốn của một số quốc gia như Ucraina hội nhập của châu Âu.

Tình hình Biển Đông bộc lộ rõ tham vọng của Trung Quốc

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 công bố ngày 26-5-2015 dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về Chiến lược quốc phòng mới của Trung Quốc, trong đó ghi rõ, “một số quốc gia bên ngoài đang tích cực xen vào các vấn đề trên Biển Đông”, “một vài quốc gia láng giềng ngoài khơi xa đang có hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các đảo và bãi đá của Trung Quốc”, hoặc “một số ít quốc gia duy trì các hoạt động do thám trên không và trên biển, đồng thời tiến hành các hoạt động trinh sát chống lại Trung Quốc”. Như vậy, lần đầu tiên. Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc chính thức coi Biển Đông là “ao nhà” của họ nên Bắc Kinh muốn xây cất cái gì, ở đâu, là theo ý muốn của họ, không ai được quyền can thiệp, kể cả Mỹ. Tuyên bố này của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh họ đã hoàn thành việc xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở ở một số đảo chìm ở Trường Sa

Lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Mỹ đã điều khu trục hạm trang bị tên lửa USS Lassen được yểm trợ của máy bay trinh sát P-8A tới giám sát khu vực trong giới hạn 12 hải lý gần các hai bãi đá mà Trung Quốc vừa xây cất các công trình hạ tầng cơ sở. Cuộc tuần tra này là hành động thách thức mạnh nhất của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông. Trên bình diện ngoại giao, lãnh đạo nhiều quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2015 chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc cải tạo đảo trên Biển Đông. Đặc biệt, trong phiên điều trần đầu tiên của Philíppin tại Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) diễn ra từ ngày 24 đến 30-11-2015, tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền phi pháp của họ đối với 80% diện tích Biển Đông đang bị thách thức trước những lập luận sắc bén của đoàn Philippin.

Cuộc chiến tranh khu vực ở Yêmen mở ra cục điện cạnh tranh địa-chính trị mới ở châu Phi

Ngày 26-3-2015, được Mỹ “bật đèn xanh”, với sự liên minh của một số nước trong khu vực như Gioocđani, Marôc, Xuđăng, Côoet, Cata, Ai Cập,   Arập Xêut phát động chiến dịch quân sự mang tên “Bão táp quyết tâm” nhằm không kích vào quốc gia láng giềng Yêmen, trong đó máy bay chiến đấu của liên quân đã không kích vào các mục tiêu tại thủ đô Xana, nơi đóng quân của các lực lượng Hâuthi theo dòng Hồi giáo Xiai được Iran ủng hộ.

Cuộc chiến ở Yêmen là biểu hiện mới của cái gọi là “học thuyết lãnh đạo từ phía sau” của Tổng thống Mỹ B.Ôbama. Theo đó Mỹ sẽ không có hành động quân sự trực tiếp hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Arập Xêút  tại Yêmen nhưng sẽ thành lập Bộ phận điều phối chung mà chỉ chia sẻ thông tin tình báo và quân sự với họ. Cuộc chiến Yêmen là dấu hiệu của sự dịch chuyển cục diện địa-chính trị mới với sự tham gia của các lực lượng trong và ngoài khu vực, trong đó sẽ hình thành các liên minh mới bất chấp nguyên tắc không can thiệp của Hiến chương LHQ. Cuộc chiến ở Yêmen có thể sẽ có những diễn biến phức tạp không kém những gì đang diễn biến tại Irắc, Liby và Xyri.  

Kết thúc đàm phán về TPP mở ra kỷ nguyên mới ở châu Á-Thái Bình Dương

Năm 2015 đánh dấu bằng sự kiện kết thúc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định thương mại tự do được 4 nước nhỏ là Xingapo, Niu Di lân, Chi lê và Bru nây ký trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Việc Mỹ bất ngờ tuyên bố gia nhập TPP đồng thời dốc toàn lực nắm vai trò chủ đạo và thúc đẩy đàm phán về hiệp định này làm cho TPP vốn ít được dư luận chú ý bỗng nhiên trở thành điểm nóng khiến cả thế giới chú ý. Một số nước châu Á-Thái Bình Dương xuất phát từ động cơ mở cửa thị trường, mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, hoặc xuất phát từ chính sách khai thác sức mạnh của Mỹ để cân bằng sức mạnh nước lớn khu vực đã thể hiện sự nhiệt tình tham gia TPP.

Động cơ Mỹ nắm vai trò chủ đạo TPP nhằm mở rộng xuất khẩu, tăng thêm việc làm, thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng; thực hiện chiến lược “xoay trục” tới châu Á-Thái Bình Dương; xây dựng trật tự kinh tế chính trị mới ở khu vực này do Mỹ nắm vai trò chủ đạo; cân bằng và làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Đông Á. Vì thế, TPP có ảnh hưởng rất lớn trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chỉ mở ra một kỷ nguyên mới ở khu vực này./.

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất