Sở dĩ, Taekwondo Việt Nam thất bại tại Olympic Bắc Kinh 2008 một phần quan trọng là vì chúng ta thiếu thông tin về các đối thủ.
Thiếu thông tin về đối thủ
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn tự coi mình là một trong những quốc gia có khả năng tiếp cận trình độ Taekwondo phát triển của thế giới, chỉ sau Hàn Quốc. Thậm chí, đã có thời điểm người ta quan niệm rằng chỉ cần tránh được Hàn Quốc là đảm bảo sẽ có huy chương tại ASIAD hay Olympic. Thế nhưng…
Thực tế là quan niệm đó đã quá lỗi thời. Những gì đã diễn ra tại Olympic Bắc Kinh vừa qua cho thấy, chúng ta không lường trước được hết sự vận động không ngừng của Taekwondo thế giới.
Các võ sỹ taekwondo châu Phi đã vươn lên nhanh chóng mà việc họ giành chiến thắng hai trong ba cuộc đối đầu với các võ sỹ Taekwondo Việt Nam là một bằng chứng cho thấy rõ điều đó.
Thậm chí, võ sĩ người Nigeria Chukwumerije, sau khi đánh bại Nguyễn Văn Hùng, đã hạ gục luôn cả “độc cô cầu bại” thế giới Mobido Keita người Mali để có mặt trong trận bán kết.
Có thể nói, sở dĩ Taekwondo Việt Nam thất bại tại Olympic Bắc Kinh 2008 một phần quan trọng là vì chúng ta thiếu thông tin về các đối thủ. Không có thông tin về đối thủ sẽ không thể xác định được thực lực của họ. Không biết được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ thì sẽ không thể lựa chọn ra chiến thuật tối ưu để hạ gục đối phương.
Chính sự hạn chế trong công tác dự báo và việc thiếu thông tin về các đối thủ đã khiến các nhà lãnh đạo, các HLV và chuyên gia phải “nuốt chửng” những lời dự báo “ngọt ngào” về triển vọng có huy chương của Taekwondo Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008.
|
Ngọc Trúc. |
Sự xuống dốc được dự báo trước
Thất bại của Nguyễn Văn Hùng tại Olympic Bắc Kinh 2008 chỉ là một trong hàng loạt những biểu hiện của sự đi xuống của Taekwondo Việt Nam trong những năm qua.
Olympic Sydney 2000, Taekwondo Việt Nam mang vinh quang về cho Tổ quốc với tấm HCB đầu tiên trong lịch sử nền thể thao Việt Nam.
Olympic Athens 2004, võ sĩ Nguyễn Quốc Huân còn vào tới được vòng bán kết. Bản thân Nguyễn Văn Hùng năm đó cũng có được một trận thắng trước khi thất bại ở tứ kết.
Còn Olympic Bắc Kinh 2008, người tiến xa nhất chỉ là Ngọc Trúc với một chiến thắng duy nhất trước một võ sĩ mới 17 tuổi đến từ Papua New Ginea. Còn Hoài Thu và Văn Hùng đều thất bại ngay từ vòng đấu đầu tiên.
Nhưng không phải bây giờ, Taekwondo Việt Nam mới là biểu tượng cho sự thất vọng. Tại ASIAD 2006, Taekwondo cũng đã hoàn toàn thất bại trước mục tiêu giành được tối thiểu 1 HCV về cho đoàn Thể thao Việt Nam khi chỉ giành được 2 HCB và 3 HCĐ.
|
Văn Hùng. |
Đã đến lúc cần phải thay đổi
Taekwondo chính là đội tuyển ngốn nhiều kinh phí nhất trong chiến dịch chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008. Đội tuyển đã được đi tập huấn tại Hàn Quốc trong hơn 2 tháng và chỉ trở về Việt Nam trước thềm khai mạc đúng 6 ngày (trừ Nguyễn Văn Hùng trở về sớm hơn do chấn thương).
Được biết, kinh phí cho cả chuyến đi ấy cộng với tiền thuê chuyên gia, rồi tập luyện, tổ chức giải là 250.000 USD. Với sự đầu tư vào loại tốt nhất trong số các môn tham dự (cùng được ưu tiên như cử tạ), lẽ ra Taekwondo Việt Nam phải giành được những kết quả tốt hơn.
Bởi vậy, đã đến lúc Taekwondo Việt Nam cần phải xem xét lại tất cả: Từ công tác tuyển chọn VĐV, bồi dưỡng tài năng, rèn luyện cọ xát, thi đấu cho đến công tác đánh giá đối thủ, chỉ đạo thi đấu, chuẩn bị tinh thần cho các VĐV.
Taekwondo Việt Nam cần phải có những sự thay đổi triệt để nếu muốn giành được những thành tích cao hơn trong tương lai tại những giải đấu cấp châu lục và thế giới.
(Theo Tien Phong)