Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội vừa diễn ra, bên cạnh việc đánh giá tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo tình trạng trì trệ, sức ì cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn; đồng thời chỉ ra bốn nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ, đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân. Ðất nước tiếp tục phát triển nhiều mặt nhưng thu nhập bình quân đầu người tính trên GDP còn thấp, như vậy chưa phải là niềm tự hào của người lãnh đạo.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí.
Cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ. Không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Và do đó, cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.
Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh (ÐKKD), nhưng đến hết quý II-2018, mới có 378 ÐKKD trong tổng số hơn 5.700 ÐKKD được bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa. Ngày 31-10-2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu về việc ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số ÐKKD hiện có nhưng đến nay mới có nghị định do Bộ Công thương soạn thảo; Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang hoặc chưa xây dựng. Yêu cầu là cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa KTCN chưa đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Còn tình trạng thích làm "thủ công", "điện tử nửa vời" trong thực hiện các thủ tục KTCN...
"Đề bài" của Chính phủ đã rõ, khi buộc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15-8 tới để bảo đảm thời hạn. Nội dung sửa đổi phải rõ ràng, tránh dẫn đến hiện tượng hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, còn phần sai là do doanh nghiệp, người dân. Phải tiếp tục hủy bỏ những ÐKKD vô lý, không cần thiết, cản trở hoạt động của doanh nghiệp với tiến độ nhanh hơn. Ðồng thời, phải phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những ÐKKD mới, "biến tướng", núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ là một chỉ đạo bám sát thực tiễn. Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
"Không để nợ đọng nhiệm vụ, không chờ đến hạn mới xử lý, thực hiện" là phương châm mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra, phản ánh việc chưa hài lòng với tình trạng nhiều nơi vẫn bàng quan, vô cảm, "trên nóng mà dưới vẫn lạnh" trong chỉ đạo, điều hành. Rõ ràng, Chính phủ đã nhìn rõ các "điểm nghẽn" trong phát triển khi yêu cầu tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; nghiên cứu, rà soát những vướng mắc tại các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của bộ, ngành mình và của các bộ, ngành liên quan để phát hiện những quy định bất hợp lý, đặc biệt là những quy định gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh…; chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình đó đòi hỏi sự đồng bộ trong chuyển biến cả ở trung ương và địa phương giữa hoạch định và thực thi chính sách, đặc biệt đòi hỏi vai trò người đứng đầu phải được phát huy và chịu sự giám sát; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng thể chế, pháp luật; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-7, không để tiếp tục nợ đọng văn bản.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng hơn 6,8%, tỷ lệ lạm phát vẫn giữ ở mức 4%. Theo Hãng xếp hạng quốc tế Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ðó là nhận định của các định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng chúng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước thì rất có thể đó vẫn chỉ là con số dự báo lạc quan.
Thanh Bảo/Nhân dân