71 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí các cựu đoàn viên thanh niên cứu
quốc thành Hoàng Diệu vẫn vẹn nguyên nỗi xúc động đến nghẹn lòng khi
được trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động chuẩn bị cho tổng khởi
nghĩa, chứng kiến những giờ phút có tính bước ngoặt lịch sử của Thủ đô
và đất nước.
71 năm trôi qua, chàng thanh niên là học sinh Trường Bưởi năm nao nay đã lưng còng, tóc bạc. Rưng rưng trò chuyện với chúng tôi về những ngày tháng Tám lịch sử, bác Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban Liên lạc thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu không quên đến từng chi tiết nhỏ của những sự kiện hay hoạt động của lực lượng thanh niên Hà Nội ngày ấy.
Trước yêu cầu của cách mạng, tháng 8-1944, tại nhà số 46 phố Bát Đàn, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập với gần 60 đoàn viên, trong đó nhiều người là học sinh các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các đoàn viên tổ chức những hoạt động như: in, phát truyền đơn, công khai tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các khu vực đông người, tổ chức mít-tinh, diễn thuyết... khích lệ mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong thế hệ thanh niên cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Bác Lê Đức Vân nhớ lại: Chúng tôi tìm đủ mọi cách để phát tán những bó truyền đơn. Có khi trực tiếp đi rải, cũng có khi bí mật buộc hờ ở một nơi nào đó để gió làm cho chúng xổ tung ra, bay khắp mọi nơi. Cảm giác hồi hộp và sung sướng mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ càng thôi thúc chúng tôi sáng tạo ra nhiều cách thức. Rồi những cuộc hô hào diễn thuyết giữa chợ hay trên sân khấu rạp hát, ngay trước mũi cảnh sát. Tất cả mọi việc chỉ diễn ra trong vòng hai, ba phút và người diễn thuyết lại nhanh chóng biến đi để lại lá cờ đỏ sao vàng trên sân khấu. Những cuộc tuyên truyền đột kích đó vô cùng mạo hiểm, nhưng rất hiệu quả vì những nội dung truyền đạt ngắn, đúng lúc, đúng chỗ, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của mỗi người dân trước hoàn cảnh của đất nước, dân tộc.
Ấn tượng nhất đối với bác Lê Đức Vân là những ngày tháng mày mò làm tờ báo Hồn Nước, tuyên truyền cho Việt Minh, khích lệ lòng yêu nước trong thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Chỉ kịp ra được sáu số báo thì Tổng khởi nghĩa diễn ra, nhưng bác và đồng đội ngày ấy vô cùng tự hào vì đã xuất bản được ấn phẩm mang danh nghĩa là “Cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu”. Những ngày làm báo dù ngắn ngủi nhưng đã để lại những kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật in ấn, phát hành trong những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, cũng như cách thức truyền bá lý tưởng cách mạng cho tất cả.
Thông qua các hoạt động, đội ngũ thanh niên cách mạng Hà Nội không ngừng lớn mạnh. Đến trước ngày Tổng khởi nghĩa, hàng nghìn đoàn viên cùng hàng chục nghìn thanh niên được Đoàn thanh niên tập hợp, hướng dẫn đã đứng vào trận tuyến cách mạng, liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng. Theo bác Lê Đức Vân, kỷ niệm có ý nghĩa nhất đối với lực lượng thanh niên ngày ấy là ngày Việt Minh cướp diễn đàn của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, làm bùng lên khí thế yêu nước sục sôi trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên thời cơ chín muồi để Đảng quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đó là biểu hiện rõ nét nhất thành quả hoạt động tuyên truyền của lực lượng thanh niên cứu quốc Hà Nội.
Hôm đó là ngày 17-8, sau khi phát-xít Nhật tuyên bố đầu hàng, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc mít-tinh lớn của Tổng hội viên chức hòng thu hút sự ủng hộ của quần chúng để chờ ngày quân Đồng Minh và giải phóng quân đội Nhật sang thì sẽ đứng ra đón tiếp. Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ra chỉ thị bằng mọi giá phải phá cuộc mít-tinh, chiếm diễn đàn để đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Một lá cờ rộng bằng sáu chiếc chiếu đôi được chuẩn bị và giấu trong Nhà hát Lớn. Khi cuộc mít-tinh vừa khai mạc, bất ngờ lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ được tung ra phủ kín từ tầng hai mặt tiền Nhà hát Lớn rủ xuống gần chạm đất. Cùng lúc đó, hàng nghìn hội viên thanh niên cứu quốc đã đứng lẫn trong đám đông dự mít-tinh đồng loạt rút lá cờ đỏ sao vàng giấu trong người ra vừa phất, vừa reo hò. Một số đội viên tuyên truyền nhanh chóng chiếm diễn đàn, báo tin Nhật đã đầu hàng không điều kiện, nói rõ đường lối cứu nước của Việt Minh và kêu goi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật. Lập tức hàng vạn quần chúng hô vang khẩu hiệu nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của các chiến sĩ Việt Minh. Bác Lê Đức Vân nói: “Chứng kiến giây phút ấy, tôi xúc động nghẹn ngào. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới. Trong lòng vỡ òa cảm giác sung sướng bởi hơn lúc nào hết thấy rõ con đường cách mạng sáng lòa, sức mạnh cách mạng là đây”.
Đi đầu dòng người là anh Mai Thiện Chi (tức Lê Chi). Tất cả cùng giương cao lá cờ đỏ sao vàng lớn chuyển động, hướng về phía bờ hồ Gươm, rầm rập diễu qua các đường phố lớn, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu; đi tới đâu lại thu hút thêm quần chúng dọc đường và hai bên hè phố, kể cả lính bảo an. Cuộc mít- tinh đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành. Hàng chục nghìn người đã bị lôi cuốn xuống đường trong khí thế cách mạng bột phát mạnh mẽ chưa từng thấy. Trước tình thế này, ngay tối hôm đó, Ủy ban quân sự cách mạng họp hội nghị cán bộ mở rộng, bác Lê Đức vân được tham dự với tư cách đại diện cho Đoàn thanh niên cứu quốc. Hội nghị nhận định tình hình và quyết định tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19-8 rồi biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy cướp chính quyền. Ngọn lửa cách mạng cháy bỏng trong tim, những thanh niên cứu quốc hăng hái tham gia công tác chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa.
Mặc dù chỉ là một lực lượng trong hàng ngũ cách mạng, nhưng những đoàn viên thanh niên cứu quốc xứng đáng là lực lượng xung kích của Mặt trận Việt Minh và đã làm trọn vai trò lịch sử của mình. Đoàn viên thanh niên cứu quốc đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh, các hình thức đấu tranh, tác động đến sự phát triển của các tổ chức cứu quốc khác trong Mặt trận Việt Minh. Đoàn thanh niên cứu quốc là lực lượng nòng cốt của cuộc tuần hành ngày 17-8, là lực lượng xung kích của các khối quần chúng tham gia tuần hành vũ trang chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh ngày 19-8… đưa cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội đến thắng lợi.
Hạnh Nguyên/Nhân dân