Dự kiến, vòng đàm phán mới này sẽ kéo dài đến ngày 15/7.
Trước thềm vòng đàm phán, giới chức các bên đều tỏ ra thận trọng và không đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả đàm phán.
Các bên đều cho rằng việc gia hạn thỏa thuận tạm thời là một lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Hiện phương Tây và Iran còn nhiều bất đồng về số lượng máy li tâm làm
giàu urani mà Iran có quyền được giữ lại, cấu trúc của lò phản ứng nước
nặng Arak, và thậm chí cả chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Mỹ cho rằng vấn đề tên lửa đạn đạo cần phải đưa vào bất cứ thỏa thuận
nào giữa Nhóm P5+1 với Iran. Phương Tây vẫn yêu cầu Iran giới hạn hoạt
động làm giàu urani dưới mức 5% để không thể chế tạo vũ khí hạt nhân,
đồng thời chấp nhận hoạt động thanh sát thường xuyên hơn của Cơ quan
Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Ngoài ra, Nhóm P5+1 cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề
chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Nga cho rằng đây là một vấn đề
riêng rẽ, không nên đưa vào thỏa thuận về chương trình hạt nhân, trong
khi Mỹ có quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Thực tế cho thấy mục tiêu mà Tehran đang hướng tới trong tiến trình đàm
phán hạt nhân đó là việc phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận và trừng phạt. Cụ
thể, Iran muốn Mỹ và phương Tây dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với nguồn tiền
của họ ở nước ngoài và chấm dứt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất
khẩu dầu thô.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng nước này và Nhóm P5+1
đang đứng trước "cơ hội duy nhất để làm lên lịch sử” bằng việc đồng ý về
thỏa thuận hạt nhân.
Phát biểu trong một đoạn băng hình được đăng tải trên trang YouTube, ông
Zarif nói việc đạt một thỏa thuận sẽ “chấm dứt cuộc khủng hoảng không
cần thiết từng làm chúng ta sao nhãng trong việc cùng giải quyết những
thách thức chung, chẳng hạn như các sự kiện kinh hoàng trong vài tuần
qua ở Iraq.”
Ông Zarif tuyên bố rằng một thỏa thuận có thể đạt được hồi năm 2005 khi
ông là nhà đàm phán hạt nhân của Iran, song chính quyền Mỹ khi đó của
Tổng thống George W.Bush “đã phá hoại thỏa thuận”./.
Theo TTXVN