Theo phong tục của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) hằng năm là ngày tiễn “ông Công, ông Táo” lên chầu trờibáo cáo tình hình một năm dủa gia đình với thiên đình. Vào dịp này, thị trường vật phẩm cúng "ba vị thần bếp" lại nhộn nhịp, sôi động hơn bao giờ hết.
Ngày “ông Công ông Táo” năm nay trùng vào giữa tuần nên “công tác” chuẩn bị để các vị thần bếp lên chầu trời cũng được chuẩn bị sớm hơn. Nhiều gia đình tranh thủ ngày cuối tuần nên đã bắt đầu cúng từ ngày 19 tháng Chạp.
Theo nhận định của một số tiểu thương, thị trường ông Công ông Táo năm nay trầm lắng hơn mọi năm, đặc biệt là thị trường hàng mã.
Bà Nguyễn Thị Trinh, một tiểu thương có nhiều năm bán vàng mã tại chợ Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Mặc dù không khí mua sắm vật phẩm cúng Táo quân vẫn sôi động nhưng lượng mua hàng giảm đáng kể so với mọi năm.
“Ngày nay người dân chỉ mua các vật phẩm như mũ, áo của Táo quân, quần áo biếu các cụ, còn các vật phẩm đắt tiền như xe máy, ô-tô, biệt thự… rất ít khách hỏi tới”, bà Trinh nói.
Giá cả các vật phẩm cúng lễ năm nay cũng không có sự biến động nhiều so với mọi năm. Mỗi bộ mũ áo cúng thần bếp có giá dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/bộ.
Cùng với các vật phẩm vàng mã thì cá chép sống (được quan niệm là phương tiện để ba vị thần bếp lên chầu trời) thường đắt hàng trong dịp này.
Giá cá chép làm lễ tiễn ông Táo về trời dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/bộ chép vàng, chép đỏ tùy thuộc vào độ to nhỏ của cá. Cá chép thịt cũng dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/con.
Vớt cá cho khách xem tại một gian hàng ở chợ Hà Đông.
Chị Lê Thị Thu, tiểu thương ở chợ Hà Đông cho biết: Giá cá chép nhập năm nay đắt hơn mọi năm, nhưng giá bán ra không cao hơn nên thu lãi ít hơn.
Tại chợ Ngọc Hà, cá chép được bày bán với quy mô nhỏ, mỗi hàng chỉ bày bán khoảng trên dưới 10kg cá với hai, ba chậu được phân loại to, nhỏ. Trong ngày cuối cùng để cúng “ông Công ông Táo”, chị Thuận (tiểu thương chợ Ngọc Hà) liên tục chào mời khách nhưng ít người hỏi mua. Chị cho biết ngày hôm qua (22 tháng Chạp) chị bán được nhiều nhất, là được hơn một trăm bộ chép đỏ. “Nhưng để so với mọi năm thì năm nay bán kém hẳn” – chị cho biết.
Một trong những lý do sức mua cá chép để thả giảm đi, theo một số người dân chính là nhận thức việc thả cá theo phong trào có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Chị Thúy Nga (quận Hoàn Kiếm) cho biết lý do năm nay không mua cá để đi thả như thường làm: Về chỗ thả thì cũng không thiếu, quanh Hà Nội có một số hồ có thể thả cá mọi người hay biết tới là: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Tây, Hồ Tai Trâu, một số đoạn ở sông Hồng…, nhưng tôi có băn khoăn là liệu việc thả một lượng khá lớn cá có gây ảnh hưởng môi trường hồ không, và cũng không biết cá có sống được sau khi thả hay không. Ngoài ra còn việc ý thức về rác thải, năm nào cũng hô hào “thả cá không thả túi” nhưng tôi thấy nhiều người vẫn thiếu ý thức lắm”.
Bên cạnh thị trường vàng mã, cá chép đỏ thị trường đồ cúng lễ như hoa quả, bánh kẹo cũng rất phong phú, mẫu mã đa dạng, nhiều chủng loại cho người tiêu dùng lựa chọn. Không như vàng mã, cá chép, các mặt hàng tươi luôn đắt hàng và trong những ngày này, giá các loại quả, hoa tươi có nhích lên cao hơn tuy nhiên sức mua vẫn dồi dào.
Theo tín ngưỡng dân gian, cúng "ông Công, ông Táo" là dịp các gia đình tiễn "thần bếp" lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó, đồng thời bày tỏ sự tri ân của gia đình đối với các vị "thần bếp" quanh năm lo toan, cai quản, duy trì nếp sinh hoạt gia đình. Đây là dịp nhắc nhở mỗi thành viên có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén cho gia đình. Mâm cỗ cúng "ông Công, ông Táo" không cần quá cầu kỳ, song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng của gia chủ. Các gia đình có thể làm cỗ chay hoặc lễ mặn.
THANH HÀ - THANH TRÀ/Nhân dân