Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/2/2013 15:45'(GMT+7)

Những định hướng hoạt động hợp tác trong năm 2013

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đây là hội nghị có tính chất rất quan trọng, định hướng cho toàn bộ các hoạt động hợp tác trong năm. Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã nghe đại diện của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á cập nhật về diễn biến kinh tế và sự ổn định tài chính toàn cầu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như những dự báo cho thời gian tới. Nhận định về kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán kinh tế toàn cầu trong năm 2013 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trở lại bắt đầu từ quý 3 và 4 của năm 2012. Tuy nhiên, mức gia tăng trong năm nay vẫn chưa ổn định và mạnh mẽ. Tăng trưởng từ các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển tiếp tục là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới. Dự báo trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 3,5%, cao hơn mức 3,2% của năm 2012. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á, tăng trưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã có dấu hiệu chậm lại do tình hình kinh tế toàn cầu phục hồi chậm; các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ có đà tăng trưởng yếu hơn các năm trước. Tuy nhiên dự báo trong thời gian tới, mức tăng trưởng sẽ được cải thiện. Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính toàn cầu và khu vực đều cảnh báo nhiều rủi ro bất lợi vẫn đang đe doạ sự phục hồi tăng trưởng của khu vực, đặc biệt là rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro. Các chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong khi vẫn phải kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định tài chính. Các chính phủ cũng cần ưu tiên tập trung cải cách cơ cấu và tài khoá hướng tới tăng trưởng lâu dài và toàn diện.

Hội nghị cũng đã nghe đại diện Bộ Tài chính Indonesia trình bày về các định hướng hợp tác APEC trong lĩnh vực tài chính trong năm 2013, cũng như các nghiên cứu cơ bản về các vấn đề này do đại diện các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB, OECD) trình bày. Trong năm 2013, hợp tác tài chính APEC sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính, bao gồm: (i) Tài trợ thương mại, (ii) Tiếp cận tài chính toàn diện; (iii) Cải cách kho bạc và ngân sách; và (iv) Phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong khi lĩnh vực tài trợ thương mại là một chủ đề khá mới trong hợp tác tài chính APEC, chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để gia tăng các nguồn vốn cho tài trợ thương mại vốn đã suy giảm nhiều trong những năm qua do khủng hoảng tài chính toàn cầu; thì nội dung tiếp cận tài chính toàn diện lại là một chủ đề đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nền kinh tế lớn cũng như từ các tổ chức kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực. Việc nhiều cộng đồng dân cư và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được các nguồn tài chính chính thức đang là cản trở quan trọng cho quá trình phục hồi sau khủng hoảng, hạn chế sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) năng động, đồng thời làm gia tăng khoảng cách trong xã hội. Vì vậy, việc tăng cường diện bao phủ của các dịch vụ tài chính chính thức đến các đối tượng chưa được tiếp cận, bao gồm cả việc đưa ra các phương thức tiếp cận mới, đi đôi với việc nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng liên quan đến các dịch vụ tài chính cơ bản, đang là một trong số các mục tiêu ưu tiên của nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Chủ đề cải cách kho bạc và ngân sách cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều nền kinh tế và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB và IMF. WB trong nhiều năm qua đã hỗ trợ cho các nền kinh tế trong khu vực trong việc chuyển đổi từ hệ thống quản lý kho bạc truyền thống sang hệ thống thông tin quản lý tài chính (FMIS). Công việc quản lý kho bạc vốn chỉ tập trung vào các hoạt động kế toán các giao dịch thu chi, sẽ được nâng cấp lên thành một hệ thống được tin học hoá, tích hợp nhiều mô đun khác nhau, nhằm mục tiêu quản lý không chỉ các hoạt động của kho bạc, mà còn bao gồm cả các hoạt động của ngân sách nhà nước, tổng hợp và phân tích thông tin nhằm giúp các cơ quan quản lý tài khoá đưa ra các quyết định tốt nhất. Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các mô hình và kinh nghiệm phát triển hệ thống kho bạc của các nền kinh tế trong khu vực, và xác định các định hướng hợp tác trong lĩnh vực kho bạc trong thời gian tới. Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung đã được mời chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách hệ thống quản lý tài chính công, đặc biệt là việc phát triển hệ thống quản lý kho bạc TABMIS trong thời gian qua. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng cũng đề nghị APEC khi xác định định hướng hợp tác trong lĩnh vực kho bạc, cần mở rộng phạm vi hợp tác để bao gồm các vấn đề quan tâm khác, như cải cách chi tiêu công, cải cách thuế và bền vững tài khoá. Đây là những vấn đề Việt Nam và nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực rất quan tâm

Việc phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) trong các nền kinh tế đang phát triển không phải là một chủ đề mới trong hợp tác tài chính APEC. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của khủng hoảng kinh tế làm thu hẹp đáng kể các nguồn lực tài chính dành cho phát triển CSHT, các Thứ trưởng Tài chính APEC nhận thấy nhu cầu to lớn trong việc tìm kiếm các nguồn lực tài chính thay thế cho phát triển CSHT. Hội nghị đã nghe WB, ADB và OECD trình bày về các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho CSHT, đặc biệt là mô hình quan hệ đối tác công – tư (PPP), cùng những kinh nghiệm trong việc quản lý các nguồn vốn này, và những tác động của việc sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách tới chính sách tài khoá. Dự kiến 2 cuộc hội thảo APEC về phát triển CSHT và mô hình PPP sẽ được tổ chức trong năm 2013 trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC.

Bên cạnh các chủ đề hợp tác chính, hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề khác có liên quan bao gồm: vấn đề an sinh xã hội, báo cáo về sáng kiến Chứng chỉ Quỹ Khu vực Châu Á (ARFP) và Diễn đàn Tài chính Châu Á – TBD, báo cáo về Quản lý Rủi ro Thiên tai (DMR), cũng như định hướng chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được tổ chức vào tháng 9/2013 tại Bali, Indonesia./.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất