Ngày 27/2 , tại thành phố Cao Lãnh ( Đồng Tháp), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội lương thực, thuỷ sản và các tỉnh thành vùng ĐBSCL .
Tại hội nghị, các Bộ: NN&PTNT, Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội lương thực, thủy sản báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL. Về sản xuất lúa đông xuân 2012-2013, các tỉnh ĐBSCL gieo sạ 1,53 triệu ha, giảm 46 ngàn ha so với năm 2012; năng suất 69,1 tấn/ha; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn. Vụ lúa đông xuân 2012-2013, vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 71 ngàn ha, tăng 40 ngàn ha so với vụ hè thu năm 2012. Với mô hình này, trong các vụ lúa 2011-2012, ĐBSCL lợi nhuận thu được cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha. Tại các tỉnh, thành ĐBSCL, Bộ NN&PTNN định hướng xây dựng mô hình “ Cánh đồng mẫu lớn” là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu 1 triệu ha và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Để việc tiêu thụ lúa gạo tại các “ Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL, trong thời gian tới được ổn định, Bộ NN&PTNN đề nghị các Công ty thành viên của Hiệp Hội lương thực làm đầu mối liên kết nông dân ký hợp đồng cung ứng đầu tư “ đầu vào” thu mua, đầu tư hệ thống sấy, kho chứa, xay xát, tiêu thụ trong mô hình, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo quy trình VietGap và quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Năm 2012, vùng ĐBSCL nuôi hơn 595 ngàn ha tôm, sản lượng hơn 358 ngàn tấn. Tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng đến cuối năm 2012 đạt 5.910 ha, sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, năng suất bình quân trên 274 tấn/ha. Hiện nay vùng ĐBSCL có khoảng 70 đơn vị có nhà máy chế biến cá tra, bắt đầu hình thành sự phân hóa mạnh về năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Định hướng phát triển năm 2013 ngành hàng cá tra tập trung “ tháo gỡ khó khăn vướng mắc nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”. Về mục tiêu và chỉ tiêu: Chủ trương không tăng sản lượng và mở rộng diện tích so với năm 2012 ( khoảng dười 1 triệu tấn và không quá 6.000 ha), tùy theo tín hiệu thị trường để mở rộng quy mô hợp lý. Tuy nhiên phải có giải pháp để tăng giá xuất khẩu để tăng giá mua cá tra nguyên liệu một cách hợp lý so với năm 2012 cần tập trung 4 nhóm giải pháp: Tổ chức lại sản xuất cá tra trong nước, tổ chức lại xuất khẩu, rà soát, hoàn thiện thể chế và chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ…
Báo cáo của Hiệp Hội lương thực Việt Nam về thu mua lúa gạo tạm trữ theo quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Có 119 đơn vị được phân chỉ tiêu mua gạo tạm trữ và đến ngày 26/2 đã có 102 doanh nghiệp mua được 211 ngàn tấn gạo, đạt hơn 21 % chỉ tiêu giao.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ, giá thu mua lúa trong dân được tăng thêm từ 200-500 đồng/kg. Phó Thủ tướng khẳng định, ĐBSCL phát triển cánh đồng mẫu lớn là đi đúng hướng, góp phần phát triển mạnh cho các tỉnh trong vùng, nhất là đối với bà con nông dân. Điều đó chứng tỏ lợi thế, ưu điểm, phù hợp định hướng sắp xếp nông nghiệp bằng nhiều mô hình tốt trong sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, bảo đảm sản xuất hiệu quả hơn, cần tiếp tục phát huy. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ sản xuất lúa, thuỷ sản phù hợp với các mô hình, tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp để nghe tâm tư, nguyện vọng cùng có giải pháp phát triển. Phó Thủ tướng lưu ý, đối với sản xuất con tôm và cá tra cần lưu ý với số lượng nuôi và giá. 3 sản phẩm lúa, tôm và cá tra đều khó khăn về thị trường nên xem xét đánh giá các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Giải pháp sắp tới là thu hoạch và mua lúa tạm trữ, tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch kịp thời; hỗ trợ đẩy nhanh đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất và hiện nay cần đầu tư vào việc máy sấy lúa là hết sức quan trọng; các Ngân hàng tạo điều kiện tốt cho việc vay vốn mua gạo tạm trữ. Phó Thủ tướng đề nghị ngành NN&PTNT, Khuyến nông và các địa phương hướng dẩn bà con nông dân tăng cường gieo trồng lúa chất lượng cao, giảm lúa chất lượng thấp như lúa IR 50404. Đề nghị Bộ Công thương nắm bắt thị trường, dự báo trên lĩnh vực xuất khẩu gạo, thuỷ sản, có giải pháp kịp thời, tìm kiếm mở rộng thị trường, công khai các tiêu chí các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, cần phát huy vai trò của các Hiệp Hội trong sản xuất, tiêu thụ lúa và thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long ./.
Nguyễn Văn