Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 18/11/2012 12:32'(GMT+7)

Những đòi hỏi và áp đặt phi lý từ "tiêu chuẩn kép"

   

 Mỹ, quốc gia lâu nay vẫn tự cho mình là dân chủ, tự do và bình đẳng, vậy mà lại đang có cách hành xử theo kiểu "chân lý thuộc về kẻ mạnh", ngang nhiên áp đặt các tiêu chuẩn của mình đối với các nước "thấp cổ bé họng" và các nước được cho là đang đe dọa địa vị thống trị thế giới của Mỹ trong hàng loạt các vấn đề từ kinh tế, chính trị đến dân chủ, nhân quyền. Từ thực tế, Mỹ đã và đang áp đặt "tiêu chuẩn kép" để bảo đảm tối đa lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh, phớt lờ quyền lợi của các quốc gia khác.                     

 "Tiêu chuẩn kép" (double standard) là việc áp dụng những nguyên tắc, cách thức xử lý khác nhau cho cùng một vấn đề hoặc một tình huống. Khái niệm "tiêu chuẩn kép" được áp dụng từ năm 1872 để chỉ sự phân biệt về tiêu chuẩn đạo đức giữa nam và nữ. Việc áp dụng "tiêu chuẩn kép" được xem là một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc luật pháp hiện đại là: tất cả các bên đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tầng lớp, địa vị xã hội, dân tộc, giới tính, tôn giáo và độ tuổi. Khái niệm "tiêu chuẩn kép" gần đây được đề cập khá thường xuyên trong nền chính trị - ngoại giao thế giới, trong đó phần lớn vụ việc liên quan lại bắt nguồn từ Mỹ. 

 Ðối với vấn đề hạt nhân, không thể phủ nhận những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn phổ biến hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, để thế giới cùng bắt tay nhau trong vấn đề mang tính toàn cầu này, điểm cốt yếu là phải xóa bỏ việc áp dụng "tiêu chuẩn kép". Là cường quốc nắm giữ số đầu đạn hạt nhân lớn hàng đầu thế giới, cũng là nước đầu tiên và duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, nước Mỹ có khả năng và cả trách nhiệm để đi đầu thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, chính vấn đề "tiêu chuẩn kép" luôn hiện hữu trong chính sách hạt nhân của Mỹ khiến Washington khó có thể trở thành đầu tàu "công tâm" của thế giới trong vấn đề này. Mỹ và một số cường quốc khác coi công nghệ hạt nhân là sở hữu độc quyền của họ và ngăn cản các quốc gia khác tiếp cận công nghệ này, bất luận đó là vì mục đích hòa bình. Mỹ bao che cho chính sách hạt nhân của Israel trong thời gian dài, ký thỏa thuận bán công nghệ hạt nhân cho Ấn Ðộ - nước chưa đặt bút ký Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT),... nhưng lại kịch liệt phản đối một nước thành viên NPT là Iran phát triển chương trình hạt nhân mà Tehran khẳng định chỉ vì mục đích dân sự. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng "chiếc ô an ninh hạt nhân" để thu hút đồng minh phục vụ cho các lợi ích riêng của nước Mỹ. Ðủ lực, nhưng thiếu một vị thế uy tín và công tâm, nước Mỹ khó có thể dẫn dắt thế giới hướng về một tương lai phi hạt nhân.                         

 Ðối với vấn đề kinh tế - thương mại, trong bối cảnh mà tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu thông qua vòng đàm phán Doha đang bị trì trệ thì việc Mỹ và chín quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là bước đi quan trọng nhằm giữ đà cho thương mại tự do. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán TPP đang vấp phải nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân là Chính quyền Obama muốn áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với tự do hóa thương mại ngành dệt may. Ông Obama vốn có quan hệ mật thiết với các tổ chức vận động hành lang ngành dệt may từng hỗ trợ ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Ngành công nghiệp này đã được hưởng lợi từ hàng rào thuế quan cao và các chương trình bảo hộ khác nhau kể từ thế kỷ 18. Cũng vì lý do đó, các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã theo đuổi đường lối cứng rắn chống lại tự do hóa thương mại ngành này thông qua việc sử dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch như hàng rào thuế quan, thuế chống bán phá giá... Tuy nhiên, Mỹ lại đòi hỏi các đối tác tham gia TPP, trong đó có Việt Nam, chấp thuận các quy định mới mà Mỹ cho rằng sẽ mang lại tính minh bạch, hiệu quả theo quy luật thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước. Trong sân chơi thương mại toàn cầu luôn đòi hỏi sự công bằng giữa các bên, chừng nào ông Obama vẫn không chịu làm những gì mà ông đòi hỏi ở các đối tác thì không thể mong đợi có nhiều tiến bộ trong đàm phán đưa TPP thành hiện thực.

 Ðối với cuộc chiến chống khủng bố, sau sự kiện làm chấn động nước Mỹ vào ngày 11-9-2001, chống khủng bố được Chính quyền Mỹ xem là một ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia và sử dụng cuộc chiến này làm ngọn cờ để tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, Mỹ lại áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong định nghĩa về khủng bố. Mỹ nhiều lần bác bỏ yêu cầu của Nga đưa quân khủng bố ở Chesnia vào danh sách các tổ chức khủng bố, thậm chí Chính quyền Mỹ còn tiếp đón những trùm khủng bố là đại diện của nhóm quân ly khai Chesnia và coi họ là những người đấu tranh đòi độc lập. Khi tổ chức Al-Queda tấn công nước Mỹ làm hơn 3.000 người Mỹ thiệt mạng thì rõ ràng là khủng bố. Nhưng khi quân khủng bố Chesnia tấn công vào nhà hát ở Mátxcơva vào ngày 23-10-2002 bắt giữ 8.50 người làm con tin, hay tấn công vào một trường tiểu học ở Beslan, miền nam nước Nga, bắt giữ gần 800 trẻ em làm con tin, đánh bom làm hàng trăm người chết ở nhiều nơi trên đất nước Nga thì được coi là tổ chức đấu tranh đòi độc lập?! Rõ ràng Nhà Trắng đã dùng lợi ích chính trị của mình làm lăng kính để đánh giá bản chất khủng bố. Tương tự như vậy, phía Việt Nam đã từng cung cấp thông tin cho phía Mỹ những bằng chứng về hoạt động của nhóm khủng bố Việt Tân có căn cứ trên đất Mỹ, cụ thể là tổ chức này đã có các hoạt động giết hại dân thường trong các cuộc xâm nhập từ Thailand về Việt Nam, nhằm mục đích lật đổ chế độ chính trị tại Việt Nam. Thế nhưng, phía Mỹ vẫn cho rằng không có bằng chứng nào buộc tội Việt Tân là khủng bố. 

 Ðối với vấn đề dân chủ, nhân quyền, lâu nay Mỹ vẫn tự cho mình cái quyền được áp đặt các "giá trị" dân chủ, nhân quyền đối với các quốc gia khác, bất chấp sự khác biệt về thể chế chính trị, truyền thống văn hóa và trình độ phát triển. Hằng năm, Mỹ thông qua các văn bản luật, công bố các báo cáo thường niên với lời lẽ chỉ trích các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Trong khi đó, tại Mỹ liệu vấn đề dân chủ, nhân quyền có thật sự được bảo đảm hay không? Người Mỹ cho rằng 99% trong số họ đang bị đối xử bất công và lao động cật lực để làm giàu cho 1% còn lại. Ðiều này thể hiện rõ qua các cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" bùng phát cách đây vừa tròn một năm, nay vẫn đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Và để dập tắt sự phản đối này, Chính quyền Mỹ cũng chẳng làm gì khác hơn là bắt bớ, giam giữ người biểu tình, như các sự kiện đã xảy ra tại cầu Brooklyn ở New York, Mỹ hồi tháng 9-2011. Chưa hết, câu hỏi về bảo đảm an ninh cho cá nhân ở chính nước Mỹ vẫn tiếp tục được đặt ra sau những vụ xả súng kinh hoàng tại các trường học và nơi công cộng. Dư luận cũng đã không ít lần phải lên tiếng bất bình về các hành vi vi phạm nhân quyền của Mỹ trong việc ngược đãi tù nhân tại nhà tù Guantanamo. Xem ra, nước Mỹ vẫn cần một chiếc gương "nhân quyền" để tự soi mình.  

 Ðối với vấn đề chất độc màu da cam, đây là một hậu quả rất nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong các phát biểu gần đây, các quan chức Mỹ khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề này, nhưng đến nay, Mỹ vẫn vô tình hay cố ý phân biệt đối xử trong việc bồi thường cho các cựu binh Mỹ và các nạn nhân da cam Việt Nam. Một mặt, Mỹ cho rằng, không có bằng chứng khoa học khẳng định mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe của các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam với việc phơi nhiễm dioxin. Do đó, Mỹ từ chối bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam (ngoài việc hỗ trợ Việt Nam tẩy độc môi trường, Mỹ chỉ viện trợ với mức độ hạn chế cho các chương trình chăm sóc y tế cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân). Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã công nhận danh mục gồm 14 loại bệnh của cựu chiến binh Mỹ có liên quan tới việc phơi nhiễm dioxin, đã bồi thường hàng trăm triệu USD cho các cựu chiến binh này. Tại sao Chính phủ Mỹ lại có sự phân biệt đối xử  hết sức bất công như vậy?   

 Trên đây chỉ là những vụ việc mới nhất, nổi bật nhất khẳng định Mỹ áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong quan hệ với các quốc gia khác. Trớ trêu thay, Mỹ, quốc gia luôn lớn tiếng khẳng định đi đầu về dân chủ, công bằng và tiến bộ, lại là quốc gia "nghiện" "tiêu chuẩn kép", thứ tiêu chuẩn vi phạm nghiêm trọng quyền bình đẳng của con người và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp hiện đại.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất