Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 29/7/2008 20:13'(GMT+7)

Những đóng góp tích cực của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận tại HĐBA về chủ đề Trẻ em và xung đột vũ trang ngày 17/7

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận tại HĐBA về chủ đề Trẻ em và xung đột vũ trang ngày 17/7

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nêu rõ, trong sáu tháng đầu tiên tham gia HÐBA, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và vận dụng những kinh nghiệm được tích luỹ nhiều năm qua, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh cường độ, tham gia đầy đủ, có chất lượng vào các hoạt động của HÐBA.

Dư luận quốc tế đánh giá cao bản lĩnh của Việt Nam trong vị thế quốc tế tại định chế an ninh tối cao này của LHQ; Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, ủng hộ hòa bình, đối thoại và hợp tác, đóng góp tích cực trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng được thảo luận và bỏ phiếu tại HÐBA.

Bài viết trên tờ Cutting Edge (Mỹ) cho rằng, tham gia HÐBA, Việt Nam đã khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là ủng hộ hòa bình, đối thoại và hợp tác. Việt Nam đã luôn cố gắng đóng góp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giữ vững quan điểm cho rằng HÐBA nói riêng và LHQ nói chung chỉ có thể hoạt động có hiệu quả, qua đó đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, khi tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và chức năng của mình. Trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã khẳng định đường lối trên khi bỏ phiếu về hơn 20 nghị quyết của HÐBA và 20 bản tuyên bố của Chủ tịch HÐBA. Trong hầu hết các cuộc tranh chấp được chuyển lên HÐBA xem xét, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ nước khác.

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, trong vấn đề Zimbabwe, Việt Nam đã bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết trừng phạt nước này để bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, Zimbabwe không đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Việt Nam ủng hộ đặt ưu tiên cho vấn đề trợ giúp phát triển tại Myanmar; phản đối tỉnh Kosovo thuộc CH Serbia tuyên bố độc lập, ủng hộ nhiệm vụ duy trì hòa bình của LHQ tại đây. Việt Nam lên án hành động tiến công nhằm vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại khu vực Darfur ở Sudan, ủng hộ việc sớm triển khai đầy đủ lượng hỗn hợp LHQ / Liên minh châu Phi (UNAMID). Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Li-băng giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình...

Trong tiến trình cải tổ LHQ, Việt Nam là một thành viên tích cực thực nghiệm sáng kiến "Một LHQ", đồng thời ủng hộ cải tổ lĩnh vực an ninh. Theo sáng kiến của Việt Nam, với cương vị Chủ tịch HÐBA trong tháng 7, phiên thảo luận mở về vấn đề "Trẻ em và xung đột vũ trang" đã được HÐBA tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm không chỉ của HÐBA, mà của cả LHQ và cộng đồng quốc tế tới vấn đề này. Việt Nam là nước châu Á đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em.

Giáo sư Peter Phạm của Ðại học James Madison (Mỹ) nhận định, Việt Nam đã thành công trên cương vị một thành viên không thường trực và Chủ tịch luân phiên của HÐBA, khẳng định lập trường nhất quán về nhiều vấn đề quốc tế. Giáo sư nhấn mạnh, với những đóng góp trên cương vị Chủ tịch HÐBA và trong sáu tháng là Ủy viên không thường trực HÐBA, Việt Nam đã thành công trên vị thế quốc tế này, khẳng định tiếng nói và vai trò của mình tại châu Á và trên trường quốc tế./.

(Nhân dân)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất