Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 27/7/2008 22:7'(GMT+7)

Quan tâm đặc biệt chính sách nhà ở cho công nhân

Cảnh sống tạm bợ của công nhân tại nhà trọ ở xã Bình Trị, Bình Sơn

Cảnh sống tạm bợ của công nhân tại nhà trọ ở xã Bình Trị, Bình Sơn

Lạm phát cao, đình công tăng

Báo cáo chính sách tiền lương của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại hội nghị nêu rõ, tuy đầu năm 2008 Chính phủ đã tăng lương tối thiểu lên 540.000 đồng/tháng nhưng do chỉ số giá tăng nhanh hơn, đặc biệt là tình hình lạm phát hiện nay kéo dài nên đời sống của cán bộ công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn này cũng là khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay với tình hình lạm phát, giá cả leo thang, không ổn định, giá lương thực, giá dầu và giá vàng liên tục tăng cao, đồng USD mất giá. “Các ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng cho vay tăng cao… làm tăng thêm khó khăn, thách thức cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng đời sống công nhân lao động”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp chủ yếu của các cuộc đình công. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 354 cuộc đình công và ngừng việc tập thể, tăng hơn 200 cuộc so với cùng kỳ năm 2007. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, vấn đề người lao động (NLĐ) cần nhất hiện nay chưa phải là quyền, mà là lợi ích. “Cũng với mức lương này, 2-3 năm trước gần như Hà Nội không có đình công nhưng năm nay lại nở rộ. Cũng chỉ vì lương không còn bù nổi trượt giá. Khó khăn sinh đình công”, ông Dĩnh khẳng định. Tất nhiên, bên cạnh vấn đề lương, việc người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các chính sách đối với NLĐ như không ký kết đủ hoặc ký kết không đúng loại hợp đồng lao động; không thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc; chưa thực hiện tốt giờ nghỉ ngơi, trả lương làm thêm giờ, làm đêm.. cũng là những giọt nước tràn ly dẫn đến đình công. Vì vậy, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thế này, nếu không giải quyết bài toán về thu nhập, chăm lo đời sống cho công nhân thì không thể hạn chế đình công.

Khắc phục tranh chấp lao động không đúng luật

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho rằng, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh khó khăn này, cần xác định tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đúng mức tới đời sống CNVC-LĐ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các cấp công đoàn phải chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến CNVC-LĐ nhất là về bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền công, thời gian làm việc. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn, quan hệ lao động, nhất là tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật lao động có xu hướng gia tăng với quy mô lớn thì các cấp công đoàn càng cần tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) về xây dựng giai cấp công nhân và triển khai các nghị quyết quan trọng của Hội nghị TƯ 7 (khóa X). Thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thường xuyên phối hợp thật chặt chẽ với các cơ quan chức năng giải quyết tốt vấn đề quan hệ lao động, khắc phục tình trạng tranh chấp lao động, đình công không đúng trình tự pháp luật nhằm đảm bảo thu hút đầu tư, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước. Đặc biệt, cần quan tâm đặc biệt đến chính sách về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và công nhân, viên chức, lao động có thu nhập thấp.

(SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất