Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/10/2008 17:45'(GMT+7)

Những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 ở những tháng cuối năm

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong quá trình thi công

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong quá trình thi công

(TCTG) -  Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Từ cuối năm 2007, tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp và mất ổn định. Tình hình chính trị và an ninh quốc tế có nhiều biến động phức tạp.
Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Từ cuối năm 2007, tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp và mất ổn định. Tình hình chính trị và an ninh quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Kinh tế thế giới lâm vào cuộc suy thoái trên diện rộng và lạm phát toàn cầu; tăng trưởng ở hầu hết các khu vực và của từng quốc gia đều giảm mạnh; khủng hoảng tài chính, tín dụng nhà đất của Mỹ, đồng đô la mất giá, kéo theo khủng hoảng dây chuyền đến các nền kinh tế khác; giá dầu thô, giá lương thực tăng đột biến đẩy mặt bằng giá lên cao và tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội các nước.

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật tạo ra nhiều cơ hội cho việc mở rộng thị trường, thu hút, tiếp nhận và chuyển dịch các nguồn lực đầu tư, tài chính; tiếp cận nhanh chóng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại, các kỹ năng quản lý tiên tiến từ các nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế về mở cửa thị trường làm cho nền kinh tế chịu tác động nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài của kinh tế thế giới. Những yếu tố này nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là khi các giao dịch vãng lai đã được tự do hóa về cơ bản và giao dịch vốn từng bước được nới lỏng. Do đó, các biến động kinh tế thế giới, biến động chính trị và an ninh quốc tế, sự suy yếu và phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới với những biến động lớn của giá cả trên thị trường quốc tế, cũng như tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới,… đã tác động sâu rộng và trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Trong nước, những diễn biến bất thường về khí hậu, thời tiết như: thiên tai, hạn hán, bão lũ ở nhiều địa phương cuối năm 2007, đầu năm 2008 là những đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc,... đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tình hình giá cả tăng cao, đặc biệt là sự biến động giá xăng dầu, lương thực và các loại vật tư hàng hóa đầu vào, giá cước vận tải,... đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh dẫn đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô từ cuối năm 2007 đã có những biểu hiện xấu, như lạm phát, nhập siêu tăng cao, thiếu vốn sản xuất kinh doanh...

Trước bối cảnh khó khăn đó, với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt tập trung của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và của toàn dân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì được tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2008, đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ: thắt chặt tiền tệ[1], tín dụng và điều chỉnh cơ chế lãi suất, tỷ giá; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư và cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả; điều chỉnh thuế quan, khuyến khích xuất khẩu và tăng cường quản lý nhập khẩu, giảm nhập siêu; thực hiện nhiều biện pháp giảm chi phí sản xuất, chống đầu cơ, tăng cường quản lý thị trường giá cả... đồng thời với các biện pháp tiếp tục hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu. Nhờ vậy, tình hình thị trường và giá cả đang từng bước ổn định trở lại. Tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 6 đã giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,13%, tháng 8 là 1,56%, cao hơn chỉ số tăng giá tháng 7 nhưng chủ yếu do điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Chỉ số giá tháng 9 tăng 0,18% là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Các cân đối kinh tế vĩ mô như cân đối thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng lên. Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến hết tháng 9 năm 2008 chỉ tăng 6,54% so với 31/12/2007, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn huy động tăng 11%; dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 18,15%. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai còn bị thâm hụt, nhưng được bù đắp bởi thặng dư lớn trong cán cân vốn do các luồng vốn ODA, FDI tăng cao, cho nên cán cân thanh toán tổng thể có thặng dư khoảng gần 2,5 tỷ USD, đã góp phần quan trọng vào việc ổn định giá trị đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện tăng thêm dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.

Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm duy trì được tốc độ khá, tăng 6,52%. Sản xuất nông nghiệp, đã khắc phục được các khó khăn do thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả tốt. Trong điều kiện giá đầu vào và lãi suất vốn vay tăng cao, giá đầu ra và giá xuất khẩu không tăng tương ứng, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng 16-16,8%, gần bằng tốc độ tăng của năm 2007, trong đó đáng chú ý là trong điều kiện khó khăn nêu trên thì các khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao: 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng gần 20,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tăng 20,4%. Các hoạt động dịch vụ, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển và đạt kết quả khá tốt. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu gần gấp 2 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh so với đầu năm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới. Tính chung trong 9 tháng, vốn cấp mới mới và bổ sung thêm đạt 57,12 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn cho các dự án mới là 56,2 tỷ USD, tăng vốn cho các dự án đang hoạt động chỉ chiếm 855,7 triệu USD. Vốn giải ngân khu vực này (bao gồm cả phần vốn đóng góp của các doanh nghiệp trong nước) đạt được khoảng 8,1 tỷ USD. Điều này chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào sự phát triển ổn định trong trung và dài hạn của Việt Nam.

Đồng thời với việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giảm bớt những khó khăn cho đời sống của nhân dân, tập trung trước hết cho người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt và ảnh hưởng của việc tăng giá gây ra.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển. Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực, việc phòng chống dịch bệnh được quan tâm hơn, không để xảy ra các dịch bệnh lớn. Các lĩnh vực văn hoá, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Các hoạt động văn hoá đã được quan tâm tốt hơn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân. Đạt được nhiều kết quả tích cực trong ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm cũng còn những tồn tại hạn chế: Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm thấp hơn so với chỉ tiêu điều chỉnh Quốc hội thông qua là 7%; giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 7,09% (cùng kỳ đạt 9,88%), trong đó: xây dựng giảm 0,37%; dịch vụ đạt 7,23% (cùng kỳ đạt 8,4%); chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn nhiều so với các năm trước; nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu tuy đã được kiềm chế, nhưng vẫn ở mức cao; đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc và vùng bị thiên tai gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tái nghèo gia tăng; một số lĩnh vực xã hội bức xúc, an ninh và trật tự xã hội ở một số nơi chưa được đảm bảo. Tình trạng khiếu kiện đông ngươi và đình công xảy ra nhiều hơn. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tiếp tục gia tăng; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đạt được kết quả như mong đợi; công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy hành chính các cấp có quyết liệt nhưng so với yêu cầu đề cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử phạt nghiêm minh thì nhiều mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu và thực hiện chưa tốt. Việc kiểm soát giá cả thị trường chưa chặt chẽ để xảy ra những đợt tăng giá đột biến, trong đó việc tăng giá lương thực đã gây hoang mang trong nhân dân.

Trên cơ sở tình hình 9 tháng và triển vọng phát triển trong Quý 4, dự kiến sơ bộ việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 (số trong ngoặc là kế hoạch được duyệt) đạt được như sau: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng: 6,5-7% (7%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 34% (20-22%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP: 39% (42%); tổng thu cân đối NSNN: 399 nghìn tỷ đồng (323 nghìn tỷ đồng); tổng chi NSNN: 474,28 nghìn tỷ đồng (398,98 nghìn tỷ đồng); bội chi NSNN trên GDP: 4,95% (5%); chỉ số giá tiêu dùng tăng 24-25%; số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở: 46 tỉnh (46 tỉnh); tuyển mới đại học và cao đẳng tăng 13% (13%); tuyển mới trung học chuyên nghiệp tăng 16% (16,5%); cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 12,4% (18,5%); mức giảm tỷ lệ sinh: 0,2%o (0,3%o); tạo việc làm: 1,615 triệu người (1,7 triệu người), trong đó lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài: 8,5 vạn người (8,5 vạn người); tỷ lệ hộ nghèo: 13,1% (11-12%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 20,6% (<22%); số giường bệnh trên 1 vạn dân: 25,7 giường bệnh (25,7 giường bệnh); diện tích nhà ở/người: 13,3 m2 (12 m2); tỷ lệ che phủ rừng: 38,5% (40%); cung cấp nước hợp vệ sinh cho nông thôn: 74% (75%); cung cấp nước sạch cho đô thị: 80% (85%); xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 60% (60%); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 80% (80%); tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại: 64% (64%); tỷ lệ xử lý chất thải y tế: 70% (86%); tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 60% (60%). Có thể thấy một số chỉ tiêu kế hoạch sẽ không có khả năng đạt được kế hoạch đề ra, như: tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, mức giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo,…

Nhìn chung từ nay đến cuối năm việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 sẽ có một số thuận lợi cơ bản, đó là: các chính sách kiềm chế lạm phát đã bắt đầu phát huy tác dụng sẽ giúp cho tình hình kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định, tình hình lạm phát bước đầu được kiểm soát; sự ổn định về mặt chính trị, xã hội, quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng, chúng ta tiếp tục hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới,... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi này, các tháng cuối năm chúng ta sẽ phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và trong nước.

Tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Khủng hoảng tài chính đang làm rung chuyển nước Mỹ cũng như thị trường toàn cầu. Theo nhận định của các chuyên gia thế giới "Đây là biến cố nửa thế kỷ hoặc thậm chí cả thế kỷ mới xảy ra một lần”. Tình hình trên sẽ mang lại nhiều rủi ro cho tăng trưởng thế giới, đặc biệt là năm 2008. Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2008 có thể sụt xuống còn khoảng 4%, chủ yếu do sự đi xuống của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật và cũng như tại các nền kinh tế mới nổi. Nhận định chung, cuộc khủng hoảng không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ sẽ không thể kéo dài, trước những rối ren mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trải qua. Do đó, đồng đôla khó có thể giữ được giá như hiện nay khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm. Tình hình kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009. Trong bối cảnh cơn bão tài chính lan rộng sang châu á, nơi từng được coi là miễn nhiễm với khủng hoảng tín dụng Mỹ, những hậu quả gián tiếp được dự báo có thể xảy ra do phản ứng của các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, giới nhà đầu tư có thể bỏ chạy khỏi thị trường phố Wall, sang châu á và Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra, do thua lỗ nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ họ sẽ bị phá sản và không còn đủ tiền để tiếp tục mở rộng đầu tư. Mặt khác, sự suy thoái của các thị trường chứng khoán thế giới có nguy cơ làm đảo lộn của dòng vốn vào châu á cũng như Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi các thị trường này, trong đó có Việt Nam để đầu tư sang các kênh an toàn khác như vàng, dầu mỏ,… Hoặc việc giải ngân các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị triển khai chậm lại do thiếu vốn, điều đó sẽ xảy ra việc khan hiếm ngoại tệ và quản lý tỷ giá trở nên khó khăn hơn rất nhiều, dẫn đến tình hình kinh tế trong nước sẽ bị biến động.

Các căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong sự kiện vụ xung đột Gruzia; bạo lực leo thang ở Pakistan và Afghanistan cùng các quan ngại về hạt nhân Bắc Triều Tiên đều ở các mức độ có thể gọi là khủng hoảng… sẽ tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, tình hình khủng hoảng tài chính, chính trị nói trên và tình hình các nguyên vật liệu chính như: dầu mỏ, nước ngọt, quặng… ngày càng trở nên khan hiếm sẽ dẫn tới tình trạng giá cả những mặt hàng này có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao, sẽ tác động trực tiếp tới các chi phí đầu vào, sẽ làm cho việc kiềm chế lạm phát các tháng còn lại của chúng ta trở nên khó khăn hơn.

Các vấn đề như an ninh lương thực, khí hậu, môi trường, và dịch bệnh có thể gây ra những cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Đối với các nước đang phát triển, đây là những những yếu tố tiềm ẩn đe dọa những tiến bộ đạt được của quá trình phát triển và cuộc chiến chống đói nghèo, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục áp dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt, sẽ làm cho các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn hơn trong việc tích lũy hoặc vay vốn để mở rộng sản xuất, kích thích tăng trưởng trong các tháng cuối năm. Nếu không điều hành tốt, thậm chí một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể rơi vào thua lỗ, thậm chí phá sản.

Hoạt động của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều biến động khó lường, phát triển không ổn định.

Tình trạng đầu cơ tăng giá một số mặt hàng quan trọng như thép, xi măng, phân bón, lương thực... vẫn có thể diễn ra nếu việc quản lý hệ thống phân phối, các đại lý đối với một số mặt hàng quan trọng không tốt.

Sự chống phá của các thế lực thù địch vẫn còn tiềm ẩn sẽ làm cho việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, chúng ta sẽ phải tiếp tục đối phó với tình hình bão, lũ, lụt, sẽ ảnh hưởng và tác động rất nhiều tới đời sống nhân dân, trong đó dân nghèo ở các vùng bị thiên tai.

Để bảo đảm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đã đề ra trong năm 2008 và năm 2009 tới, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 22-KL/TW, Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP, số 20/2008/NQ-CP của Chính phủ... Phải động viên và tạo được sự nhất trí cao của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đồng tâm hiệp lực, chia sẻ khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững./.

 *  Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[1] Tăng dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản và đổi mới cơ chế lãi suất cho vay, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư chứng khoán và bất động sản, có biện pháp quản lý đối với các ngân hàng gặp khó khăn, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra họat động của các ngân hàng thương mại,...

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất