Trong bối cảnh Trung Quốc bất chấp các hậu quả môi trường, tôn tạo, xây
dựng các đảo nhân tạo phi pháp thực thi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển
Đông, trang tin The Diplomat đã có bài phân tích sâu về vấn đề này.
Theo bài viết, suy thoái môi trường ở Biển Đông vẫn là trung tâm của các
cuộc thảo luận khoa học và ngày càng nhiều các nhà khoa học biển cảnh
báo về những hậu quả môi trường từ các hoạt động bồi đắp, xây dựng của
Trung Quốc tại các đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Cái nhìn cận cảnh
Biển Đông vốn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Các vấn đề cấp bách
hiện nay là sự axít hóa, mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và hủy
hoại các rạn san hô.
Nhiều nhà phân tích thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đang dành
nhiều thời gian để nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề leo thang các
hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các đá, bãi san hô tại các khu
vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề an ninh môi trường tại đây
cũng đang trở thành chủ đề mới thu hút được nhiều người quan tâm.
Nhà hải dương học Paul Berkman, nguyên giám đốc chương trình địa chính
trị đại dương Bắc cực tại Viện nghiên cứu địa cực Scott cho rằng an ninh
môi trường là một cách tiếp cận tích hợp để đánh giá và ứng phó với
những rủi ro cũng như những cơ hội được tạo ra từ sự thay đổi của môi
trường.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kết hợp giữa chính sách và khoa học là rất
quan trọng, có thể giúp giải quyết những thách thức về an ninh môi
trường. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên các nhà hoạch
định chính sách nên dành thời gian nghiên cứu để thiết lập các mối liên
hệ giữa các vấn đề môi trường và an ninh quốc gia.
Rõ ràng, các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng
hủy hoại và làm suy thoái các rạn san sô, làm suy giảm lượng cá vốn là
nguồn lương thực nuôi sống một lượng lớn dân số vẫn đang gia tăng tại
các quốc gia có tranh chấp trong khu vực. Ngư dân các nước trong quá
trình đánh bắt cá mưu sinh đang bị cuốn vào cuộc chiến sinh thái.
Vấn đề khủng hoảng lương thực cũng đang dần hiện hữu và các nỗ lực để
cân bằng giữa lợi ích kinh tế với vấn đề an ninh tại Biển Đông đòi hỏi
sự hợp tác nghiên cứu và phản ứng đa cấp của các nhà khoa học. Đã đến
lúc các nhà khoa học cần đưa ra tuyên bố khoa học chung kêu gọi ngừng
ngay các hoạt động nạo vét ở Biển Đông vì sự thay đổi môi trường này là
vấn đề toàn cầu, không có biên giới.
Các hành động cấp bách cần thực hiện
Việc hủy hoại và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển ở Trường Sa ảnh
hưởng xấu tới tất cả các bên tranh chấp. Người dân trong khu vực chính
là những người phải gánh chịu những ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động
môi trường do các dãi san hô bị hủy hoại. Do đó, có lẽ người dân tại
đây nên hình thành mạng lưới hành động bảo vệ các rạn san hô, tương tự
như mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới toàn cầu.
Đã đến lúc các nhà khoa học uy tín trên thế giới cần quan tâm đến các
vấn đề đa dạng sinh học biển và sự bền vững môi trường ở Biển Đông cùng
tham gia vào diễn đàn chính sách khoa học chung. Các nhà khoa học hợp
tác với nhau có thể giúp hình thành và phát triển Ủy ban khoa học quốc
tế về Biển Đông.
Những nỗ lực khoa học này có thể truyền cảm hứng cho Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) hợp tác với nhau trong quản lý nguồn tài nguyên
trong khu vực, cùng kêu gọi chấm dứt các hoạt động tôn tạo gây tổn hại
đến các rạn san hô và môi trường sinh thái biển.
Trên thực tế, Trung Quốc có nhiều nhà khoa học về san hô có chất lượng,
họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các rạn san hô, duy trì
các ngư trường một cách bền vững và giá trị của du lịch sinh thái khi
căng thẳng được giải quyết.
Tuy nhiên, thật ngạc nhiên và khó hiểu là năm ngoái, các nhà khoa học
Trung Quốc lại khăng khăng bảo vệ cho các hoạt động xây dựng hủy hoại
các rạn san hô tại Biển Đông.
Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn: CSIS)
Tiến sỹ Wu Shicun, chủ tịch đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cao cấp
của Viện quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc đã đưa ra yêu sách phi lý
rằng “Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc” và rằng “Trung Quốc đã sử
dụng các biện pháp kỹ thuật xanh trước, trong và sau khi thực hiện các
hoạt động tôn tạo tại Biển Đông” nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong khu vực.
Trong email, ông Wu còn cho biết: “Trung Quốc đã thực hiện các dự án xây
dựng trên các rạn san hô chết, lấy đất cát tại các khu vực không phù
hợp cho sự phát triển của san hô để san lấp. Trung Quốc cũng áp dụng
phương pháp nạo vét mới và đã tính toán không làm ảnh hưởng đến sự phát
triển của các khối trầm tích nổi trong quá trình xây dựng."
Vậy sự thực trong lời nói của ông Wu là gì? Một phóng sự của BBC phát
sóng gần đây cho thấy các ngư dân Trung Quốc đã dùng loại “tàu nạo vét”
để khai thác một loài trai lớn. Hoạt động này đã hủy hoại rạn san hô
giữa các đảo Thị Tứ và Tieshi Jiao. Đây là rạn san hô chưa có tên nhận
dạng, vì thế nó được gọi là Rạn san hô hình chữ V vì có hình dạng hình
chữ V.
Victor Robert Lee, phóng viên của The Diplomat cũng chứng minh rằng ngư
dân Trung Quốc đã neo đậu các “tàu nạo vét” và đào cát, san hô để khai
thác một loài trai lớn. Hình ảnh vệ tinh của Google xác định có hàng
trăm các "thuyền đào trai" tại Rạn san hô hình chữ V. Các ngư dân Trung
Quốc đã phá hoại một khu vực san hô rộng lớn, sau đó dồn cát và san hô
chết thành những rặng núi vòng cung.
Hai tháng trước, giáo sư John McManus, nhà sinh học biển uy tín của
Trường Đại học Miami, người đã bắt tay vào nghiên cứu về sự hình thành
của những rạn san hô tại Biển Đông từ đầu thập niên 1990, đã từng trực
tiếp đặt chân tới Trường Sa và tiến hành các hoạt động nghiên cứu dưới
nước cũng khẳng định có những núi san hô chết tại đây.
Các hình ảnh vệ tinh của Google Earth tại khu vực quần đảo Trường Sa
cũng cho thấy tại khu vực các đảo nhân tạo mới được Trung Quốc xây dựng,
trước khi chúng được xây dựng đã xuất hiện rất nhiều “tàu nạo vét” của
Trung Quốc hoạt động tại các khu vực san hô ở đây.
Rõ ràng những thiệt hại từ hoạt động nạo vét của Trung Quốc là không thể
khắc phục được, nhưng hiện tại vẫn còn quá nhiều các tàu loại này hoạt
động. Điều này còn có thể làm giảm lượng cung cấp các ấu trùng cá, từ đó
có thể gây ra sự tuyệt chủng các loài sinh vật tại các khu vực dọc vùng
duyên hải của Biển Đông.
Giáo sư McManus khuyến cáo rằng: "các khu vực rạn san hô còn sót lại sẽ
bị hủy hoại nếu như cát và bùn từ các đảo nhân tạo rò rỉ ra và bao phủ
lên chúng, san hô sẽ bị hủy hoại giống như những gì đang xảy ra xung
quanh những chiếc tàu nạo vét của Trung Quốc. Phải mất cả nghìn năm để
hình thành được một mét đất cát, phù sa quanh các rạn san hô, tuy nhiên
việc tôn tạo đã làm vĩnh viễn mất đi điều này."
Các rạn san hô là vật quý của Biển Đông. Do đó, đã đến lúc người dân
trong khu vực cần tham gia cùng các nhà khoa học biển để hình thành
"mạng lưới" hợp tác khu vực và quản lý biển để tất cả cùng được hưởng
lợi trước khi quá muộn./.
Hữu Hoàng/New York (Vietnam+)