Thứ Năm, 5/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 8/4/2024 14:54'(GMT+7)

Những hoạt động cản bước quá trình đổi mới giáo dục

Nhiều phương pháp giảng dạy mới được giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) áp dụng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

Nhiều phương pháp giảng dạy mới được giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) áp dụng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC LINH HOẠT

Trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, một trong những đòn bẩy được chú trọng là đưa vào công tác giảng dạy những phương pháp, mô hình dạy học hiện đại. Điều này xuất phát từ triết lý giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn.

Từ triết lý này, người thầy buộc phải thay đổi từ phương pháp dạy học cho đến “phẩm chất” đã mặc định bấy lâu. Nghĩa là trong giảng dạy, người thầy phải luôn chủ động thay đổi phương pháp dạy học. Dạy học tích hợp, thảo luận nhóm, dạy học theo dự án, giải quyết vấn đề… là những phương pháp mà giáo viên phải vận dụng nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, người thầy cũng cần thân thiện, gần gũi để thấu hiểu và chia sẻ cùng học trò về các vấn đề trong học tập cũng như ngoài cuộc sống.

Tuy nhiên, thay đổi phương pháp giáo dục cũng cần phải được người thầy vận dụng linh hoạt. Trước hết, tuỳ vào từng trò để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

Hào hứng với triết lý giáo dục “lấy người học làm trung tâm” hay mô hình “trường học hạnh phúc”, từ một giáo viên khá nghiêm khắc và khó gần trong mắt học trò, tôi đã cố gắng thay đổi. Nhưng có lúc tôi nhận ra rằng, không phải học trò nào mình cũng chỉ cần nhẹ nhàng, giáo dục kiểu khuyên bảo hay dành lời khen tặng động viên. Có những đứa trẻ sinh ra bản tính vốn đã ương bướng. Có những đứa trẻ vốn sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục gia đình chưa tốt. Cũng có em bị tác động lôi kéo của bạn bè nên thành hư hỏng… Do đó, với mỗi em, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh để có phương pháp giáo dục đúng đắn nhất.

Tôi nhớ từng đọc được câu chuyện như sau: “Chuyện xưa kể lại rằng, một buổi tối, một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định: Vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.

Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Đặt chân xuống, chú tiểu kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói:“Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Suốt cuộc đời chú tiểu không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó”.

Câu chuyện ngắn nhưng để lại bài học ấm áp về lòng bao dung của vị thiền sư cũng xem như bài học sâu sắc về giáo dục học trò. Tôi rất tâm đắc với ý nghĩa của câu chuyện trên và từng vận dụng một cách máy móc cho học trò của mình. Đó là khi đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, có một học trò thường xuyên bỏ tiết, thay vì có phương pháp giáo dục nghiêm khắc thì tôi lại sử dụng “lòng bao dung”. Nhưng kết quả thật thảm hại, cậu học trò ấy không những không tiến bộ như chú tiểu mà còn tái phạm nhiều hơn. Điều đó chứng minh, tôi đã sử dụng sai phương pháp giáo dục, không phải lúc nào học trò mắc lỗi người thầy cũng “ghé vai” cho trò dựa vào để thay đổi. Bao dung là tốt nhưng phải đúng lỗi, đúng người.

HẠN CHẾ CÁC KẾ HOẠCH MANG TÍNH KHUÔN MẪU

Trong trường học, các bộ phận quản lý thường phải thực hiện nhiều nhiệm vụ/năm học. Để công việc hoàn thành tốt, họ phải lập ra các kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm. Các kế hoạch được hiệu trưởng phê duyệt phải có tính khả thi, thời gian thực hiện chỉ trong một năm học. Tuy nhiên, kế hoạch có thể điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế để đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất.

Thực tế, kế hoạch trong các trường học ở mỗi năm học ít có sự thay đổi. Nếu có thay đổi cũng chỉ nằm ở tiểu tiết – các hoạt động nhỏ, không có tác động đến chiến lược phát triển của nhà trường. Kế hoạch từng năm học vì thế, nhìn chung vẫn mang một “dáng hình”, “khuôn mặt” qua các năm. Nó chỉ thực sự “lột xác” khi trường có đợt thanh kiểm tra hay kiểm định chất lượng.

Để có các kế hoạch vừa mang tính kế thừa, phát huy những công việc, hoạt động có kết quả tốt từ năm trước vừa phải có tính thay đổi đột phá trong năm thực hiện, các bộ phận lập kế hoạch phải họp bàn từ trước năm học mới. Cụ thể, người đứng đầu là hiệu trưởng phải chủ trì các cuộc họp để rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế của các hoạt động giáo dục trong năm học trước và thảo luận thống nhất đưa vào một số hoạt động giáo dục mới. Nội dung kế hoạch từ đó sẽ không bị lặp lại, tạo ra sự hứng khởi cho đối tượng giáo dục là học trò.

Kế hoạch khuôn mẫu và lặp lại ở nhiều năm học là biểu hiện của sự trì trệ, tính giáo điều nên sẽ ngăn cản quá trình đổi mới giáo dục. Kế hoạch khuôn mẫu cũng là biểu hiện của những cá nhân không dám hoặc không có khả năng sáng tạo trong tổ chức điều hành cũng như thực thi quản lý các hoạt động giáo dục. Bởi vậy, lựa chọn những bộ óc quản lý thông thái là đòi hỏi cấp thiết.

Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà, Hà Tĩnh) tổ chức dạy học rút kinh nghiệm đối với Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 cho khối 10.

LOẠI BỎ "CĂN BỆNH" HÌNH THỨC

Trong trường học, các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn… thường gắn hoạt động theo các phong trào phát động từ trên xuống. Hoạt động phong trào là cần thiết để khích lệ, động viên cũng như uốn nắn học sinh, đoàn viên và người lao động. Tuy nhiên, nhiều hoạt động phong trào lại chỉ mang tính hình thức theo các sự kiện trong một năm học. Do vậy, các hoạt động này nhiều khi lại đem đến sự mỏi mệt, quá tải cho người tham gia.

Thực tế nữa là, trong các cơ quan nhà nước nói chung và trường học nói riêng vẫn còn người đứng đầu mang tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân. "Bệnh hình thức" lại bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Nó có thể làm suy yếu xã hội, gây ra nguy cơ cho một đơn vị, cộng đồng, thậm chí quốc gia. Bởi, như Bác Hồ từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Như vậy, trường học nào còn sự tồn tại của người đứng đầu mang biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân thì sẽ còn "căn bệnh" hình thức. Hiệu trưởng vì muốn đạt các danh hiệu cho đơn vị, cho cá nhân nên cũng chạy đua với cuộc chiến mang tên “hình thức”. Nhiều khi người đứng đầu nhìn thấy rõ hệ quả nghiêm trọng của cuộc chạy đua này như hao tổn tài chính, ảnh hưởng đến thời gian của giáo viên, nhân viên… nhưng không thể dừng lại.

Bởi lẽ, nhiều văn bản, bộ quy chuẩn của trường học là mục tiêu để hướng tới. Chẳng hạn khi thí điểm áp dụng quản lý chất lượng trường THPT theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tiêu chí còn chưa rõ, khó hiểu hoặc không thể thực hiện được như: Có đủ phòng học để tổ chức học nhiều nhất 2 ca/ngày, mỗi ca không quá 45 học sinh/lớp.

Thực tế với chương trình hiện nay, số học sinh không đồng đều ở môn học tự chọn nên việc sắp xếp như quy định không thể thực hiện được. Cùng đó, các quy định về diện tích mặt bằng của nhà trường đạt ít nhất 6 m2/học sinh trở lên (đối với nội thành, nội thị) và 10 m2/học sinh trở lên (đối với các vùng còn lại) không phải trường học nào cũng thực hiện được. Những bất cập này là nguyên nhân làm nảy sinh căn bệnh hình thức trong môi trường học đường.

Trường học hiện đại luôn phải lấy sự đổi mới làm nền tảng để phát triển lâu bền. Trong sự đổi mới thì khuôn mẫu máy móc và “bệnh hình thức” luôn là hai thách thức cản bước lộ trình đổi mới và cải cách giáo dục căn bản toàn diện đi đến thành công./.

Giáo dục của nước ta đã và đang bước vào thời kỳ đổi mới mang tính bước ngoặt. Chưa bao giờ giáo dục được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và chỉ đạo quyết liệt như giai đoạn hiện nay. Và đứng trước bất kỳ sự đổi mới nào là sự hiện diện của những điều mới mẻ - đối lập, nhiều khi là gay gắt với cái cũ nên đó là thách thức cho đội ngũ cán bộ quản lý cũng như các thầy cô đang đứng lớp.

 

NGUYỄN ĐÌNH ÁNH
Trường THPT Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

(Nguồn: giaoducthoidai.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất