Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 22/10/2016 14:37'(GMT+7)

Những lực cản phát triển bền vững



Đây chỉ là sự kiện mới làm đầy thêm những thách thức và áp lực mới cho phát triển bền vững của đất nước thời gian gần đây, trong bối cảnh các cơ hội thị trường và kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và người dân đã, đang và sẽ còn bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi sự phục hồi kinh tế thế giới chậm hơn mọi dự báo.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững, gia tăng yêu cầu đẩy nhanh đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu; cơ cấu lại cả hai luồng thu - chi NSNN, giảm bớt bội chi NSNN và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động của các DNNN, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại; đẩy nhanh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và đáp ứng các cam kết yêu cầu và lộ trình hội nhập quốc tế…

Trong khi đó, tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long xảy ra nặng nề nhất trong vòng trăm năm qua; rét đậm, rét hại, bão lụt ở một số tỉnh phía bắc, cũng như việc cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền trung đã ảnh hưởng nặng nề và còn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân, an sinh toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, các yếu tố thời tiết cực đoan (rét buốt, hạn khô và nhiễm mặn đất canh tác); cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới; gia tăng ô nhiễm môi trường, kể cả môi trường biển, sông hồ và đất, không khí; rồi những đe dọa xả lũ kiểu thủy điện Hố Hô và những đe dạo mất cân đối vĩ mô nêu trên là thách thức “kép” - khách quan và chủ quan, cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Những thách thức trên có căn nguyên sâu xa từ nhận thức còn giản đơn, thiếu cụ thể và thống nhất, sự chậm trễ đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong huy động, phân bổ sử dụng và giám sát có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường.

Sự lúng túng trong việc phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế; sự trì trệ trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng.

Hạn chế về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân…

Đặc biệt, thách thức còn gia tăng cả do nhận thức, thói quen buông lỏng, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật; công tác cán bộ đang bộc lộ những kẽ hở trong quy trình và lạm dụng trong thực tế triển khai, khiến chất lượng nhiều cán bộ được bổ nhiệm còn thấp, gây bất bình nội bộ và bức xúc xã hội đang có xu hướng lan rộng trong cả nước…

Kết luận Hội nghị Trung ương ba, Khóa XII, ngày 14-10, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trung ương thống nhất nhận định, trong nhiệm kỳ khóa XI, toàn hệ thống chính trị đã tích cực tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhìn chung, mô hình tăng trưởng ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ; tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư và tăng số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…

Sắp tới, cần nhận thức, quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Phải hiểu rõ mô hình tăng trưởng mà nước ta đổi mới, xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước; tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái.

Đương nhiên, phải tùy tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mà kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực.

Bởi vậy, công luận đòi hỏi nhận diện và sớm có giải pháp đồng bộ, quyết liệt xử lý cụ thể các thách thức trên, nhất là những thách thức liên quan đến yếu tố chủ quan về nhận thức, năng lực và lòng tham của con người gây ra.

Trong đó, cần định vị rõ những tiêu chí, quy trình và trách nhiệm cá nhân, các chế tài cho các hành vi sai phạm, chống lợi ích nhóm, cũng như sự nhũng nhiễu, tham nhũng và vô cảm, vô trách nhiệm trong quản lý nhà nước và trong tác nghiệp các hoạt động sản xuất, kinh doanh như tích và xả nước của nhà máy thủy điện.

Đặc biệt, cần sớm có đột phá thực sự về chất, tăng cường dân chủ hóa và minh bạch, khoa học hơn nữa về quy trình và tiêu chí trong cơ chế bổ nhiệm và thanh lọc cán bộ; tập trung ưu tiên chống tình trạng tha hóa, suy thoái và tự diễn biến, tham nhũng ngay trong công tác cán bộ, làm phát sinh hậu họa dai dẳng và đắt đỏ, nguy hại cho đất nước cả về kinh tế, chính trị và đạo đức cộng đồng.

Cần mạnh tay trừng phạt và công khai các thông tin liên quan đến các hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ và quản lý tài sản công; đi đôi với đề cao sự giám sát và tôn trọng ý kiến người dân trong một nhà nước pháp quyền - kiến tạo - liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân…


TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất