Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 20/10/2016 9:43'(GMT+7)

Để hoán đổi thành công nợ thành cổ phần

Đã được áp dụng trên thế giới

Ý tưởng hoán đổi nợ xấu thành cổ phần của NHNN đang phải đối mặt với nhiều phản đối gay gắt từ công luận. Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc hoán đổi nợ thành cổ phần trong doanh nghiệp con nợ không phải là mới, vì nó đã được thực hiện từ lâu trên thế giới.

Sau khi bong bóng bất động sản bục vỡ ở Nhật Bản 2 thập kỷ trước đây, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, các ngân hàng đối mặt với nợ không thu hồi được. Một trong những giải pháp được một số ngân hàng thực thi lúc đó là hoán đổi nợ thành cổ phần và cử người đại diện vào Ban Giám đốc điều hành doanh nghiệp để cùng chèo lái vượt qua khủng hoảng. Không phải tất cả các trường hợp đều thành công nhưng cũng không ít trường hợp đã đem lại kết quả, doanh nghiệp sống sót còn ngân hàng thu hồi được (một phần) nợ. 

Ở Trung Quốc, chương trình hoán đổi nợ thành cổ phần rầm rộ với quy mô lớn đã được thực hiện từ cuối những năm 90. Chính phủ nước này đã cho chuyển 3,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 490 tỷ USD) nợ xấu tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc cho các công ty quản lý tài sản (AMC) để các công ty này chuyển một phần thành khoảng 400 tỷ Nhân dân tệ trị giá cổ phần trong các doanh nghiệp con nợ. Hạn chế của chương trình hoán đổi nợ kiểu này là các AMC không nhận được cổ tức và không có quyền hành gì trong Ban Giám đốc của doanh nghiệp, AMC cũng khó bán lại cổ phần tại các doanh nghiệp này.

Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện việc hoán đổi nợ thành cổ phần theo cơ chế thị trường. Và đến ngày 10.10 vừa qua, chương trình hoán đổi nợ thành cổ phần đã được công bố dù bị phê phán kịch liệt. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc không ép buộc các ngân hàng phải thực hiện việc này. Về phía doanh nghiệp, nếu nợ ngập đầu và không có khả năng phục hồi thì sẽ không được phép tham gia chương trình. Chỉ có những doanh nghiệp với triển vọng tốt và được xác định là đang gặp khó khăn tạm thời thì mới đạt điều kiện để tham gia chương trình.
Áp dụng ở Việt Nam

Điểm đáng ủng hộ nhất trong dự thảo của NHNN là các TCTD không bị bắt buộc phải hoán đổi nợ xấu thành cổ phần trong các doanh nghiệp con nợ. Nếu bị buộc phải làm điều này thì sẽ có một số trường hợp “dở khóc, dở cười”. Ví dụ, một số doanh nghiệp con nợ thực chất là doanh nghiệp tốt nhưng vì một lý do nào đó không trả được nợ. Với những doanh nghiệp này, họ không muốn để cổ phần của mình lọt thêm vào tay ai khác, kể cả ngân hàng chủ nợ. Trong trường hợp này, ngân hàng không thể thực hiện được việc hoán đổi nợ, dù bị NHNN bắt buộc. Hoặc cũng có trường hợp ngân hàng muốn được giải thoát khỏi nợ xấu với doanh nghiệp con nợ bằng cách bán lại này cho nhà đầu tư “kền kền” nào đó với giá rẻ thì cũng không được phép bán vì phải thực hiện hoán đổi nợ thành cổ phần với doanh nghiệp như yêu cầu của NHNN.

Ngược lại, điểm thiếu sót lớn nhất của dự thảo là trong phần điều kiện để các ngân hàng được hoán đổi nợ thành cổ phần không hề có điều khoản nào đề cập đến doanh nghiệp con nợ như thế nào thì được phép hoán đổi nợ với ngân hàng chủ nợ. Sự thiếu vắng này tạo điều kiện, là kẽ hở để những doanh nghiệp “xác sống” tiếp tục được ngân hàng chủ nợ “tiếp máu” nuôi dưỡng, có thể bằng những khoản vay nợ mới. Các ngân hàng có một vài lý do để sẵn lòng hoán đổi nợ và có thể tiếp tục cho vay mới các doanh nghiệp này. Ví dụ, các doanh nghiệp này có thể là “sân sau” của ông chủ ngân hàng nên việc cho phép hoán đổi này là cái cớ hết sức phù hợp để ông chủ ngân hàng lấy tiền nuôi doanh nghiệp của mình.

Hoặc cũng có thể các ngân hàng dù biết rằng triển vọng phục hồi của doanh nghiệp là mù mịt nhưng không muốn phải báo cáo với cổ đông, với cơ quan chủ quản con số nợ xấu cao nên tốt nhất là đem “chôn” đi theo một cách hợp pháp là hoán đổi thành cổ phần để tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách kế toán trở nên đẹp hơn mà không nhất thiết phải qua những kênh truyền thống như bán nợ xấu cho VAMC hoặc trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ xấu. Bằng cách này, họ hy vọng có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn, ví dụ, được phép đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn do tỷ lệ nợ xấu thấp hơn, bù đắp cho phần tổn thất từ khoản nợ phải thu nhưng hầu như chắc chắn là không thu được này.

Sửa đổi dự thảo

Từ phân tích trên, NHNN cần bổ sung trong dự thảo là điều khoản quy định đối tượng doanh nghiệp nào thì được phép hoán đổi nợ với TCTD. Cụ thể, chỉ có những doanh nghiệp nào được cho là tạm thời gặp khó khăn, có khả năng phục hồi trong tương lai không xa để có thể làm ra lợi nhuận trả lại cho ngân hàng hoặc ngân hàng có thể bán được cổ phần thu hồi nợ.

Để tăng tính minh bạch, tránh tình trạng ngân hàng muốn hoán đổi nợ nên tìm cách báo cáo phóng đại khả năng phục hồi của doanh nghiệp, dự thảo cũng cần có thêm điều khoản về tiêu chuẩn đánh giá sức khỏe và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một điểm khó thực hiện vì rất khó đề ra những tiêu chuẩn chung cho mọi doanh nghiệp, trong mọi hoàn cảnh. Một cách làm khác là yêu cầu các TCTD thuê công ty tư vấn độc lập chuyên nghiệp trong ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động để đánh giá. Cách này cũng sẽ có khó khăn vì Việt Nam hiện tại không có nhiều tổ chức tư vấn độc lập, uy tín, có khả năng đánh giá sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp, đồng thời tạo thêm phí tổn cho các bên liên quan. Bởi vậy, có lẽ dự thảo cần phải tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của công chúng thêm ở điểm này trước khi hoàn tất và ban hành.

TS. Phan Minh Ngọc (daibieunhandan.vn)









Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất