“Ông Trời” ngày càng khó đoán
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2017, thiên tai làm 75 người chết, mất tích và 77 người bị thương; gần 25,9 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, sập đổ; 33,8 nghìn ha lúa và 18,1 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại trong 7 tháng ước tính khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng. Những số liệu trên chưa bao gồm thiệt hại gây ra bởi trận lũ rạng sáng ngày 3-8 vừa qua, làm cho ít nhất 35 người thiệt mạng và mất tích ở các tỉnh miền núi phía bắc…
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang dày lên, với mức độ ngày càng nghiêm trọng là khuyến nghị được Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (TTKTTVQG), đưa ra. “Cuối năm 2015, đầu năm 2016, sau một mùa đông rất ấm thì đầu tháng 1-2016 đã xuất hiện một đợt rét kỷ lục với 40 điểm tuyết rơi ở miền bắc, trong đó có những vị trí chưa bao giờ ghi nhận tuyết rơi, như vùng núi Ba Vì. Năm 2017, mùa hè được coi là khá “mát mẻ”, nhưng lại đã xuất hiện một chuỗi sáu ngày nắng nóng đầu tháng 6 với nhiệt độ cao kỷ lục mà chuỗi số liệu quan trắc từng ghi lại…” - ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc TTKTTVQG cho biết.
Không chỉ có BĐKH, các hoạt động kinh tế gia tăng cộng với quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư cũng tạo ra những thách thức mới trong dự báo. TS Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TTDBKTTVTƯ) phân tích: Lượng mưa xuống chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để xảy ra lũ quét và sạt lở đất. “Đủ” ở đây phải tính đến độ dốc, thảm thực vật, kết cấu đất đá của khu vực. Chẳng hạn, năm 2015 đã xảy ra hiện tượng sạt lở rất lớn ở thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, có nguyên nhân là người dân tự phát chặn suối để nuôi cá, tạo thành một chuỗi hồ - đập nhân tạo. Khi lũ về, đập ở thượng nguồn bị vỡ gây ra hiệu ứng domino dẫn đến thiệt hại rất lớn… Do đó, việc dự báo chính xác địa điểm và thời gian xảy ra loại hiện tượng nguy hiểm này là không thể.
Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ giúp nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn.Ảnh: Anh Đức
Có một thực tế, dù Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) có hiệu lực từ 1-7-2016 đã tác động đến tất cả các khâu trong hoạt động KTTV, song chất lượng dự báo chưa được cải thiện nhiều. Công tác này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: loại hiện tượng thời tiết, hệ thống trang thiết bị quan trắc, khả năng, trình độ cán bộ làm công tác dự báo. Như hạn hán, xâm nhập mặn thì có thể dự báo trước đến 5-6 tháng, nhưng bão, lũ thì chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước 2-3 ngày. Thậm chí, với các hiện tượng lũ quét và sạt lở đất như vừa xảy ra ở Yên Bái và Sơn La, chỉ có thể báo trước được 6-12 giờ.
“Dự báo càng xa thì độ tin cậy càng thấp, còn những dự báo gần, nếu không đến được tận các đối tượng bị ảnh hưởng một cách kịp thời thì cũng không có ý nghĩa. Trong khi đó, ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở như xã, phường, thị trấn vùng sâu, vùng xa, cán bộ phụ trách công tác truyền tin cảnh báo thiên tai, sơ tán dân… lại thường thay đổi, không được chuyên môn hóa”, ông Lê Thanh Hải chia sẻ nỗi lo lắng ngay khi trở về từ thị trấn Mường La, tỉnh Sơn La sau trận lũ dữ đêm mùng 2, rạng sáng 3-8 vừa qua.
Cần sự chuyển động của toàn “chuỗi”
Nỗi lo lắng của ông Hải là có cơ sở, bởi xét ra, cảnh báo - dự báo chỉ là một khâu trong toàn bộ chuỗi ứng phó với những rủi ro thời tiết, thiên tai mà thôi. Điều đáng nói, trong khi BĐKH làm cho các hiện tượng thời tiết hiếm gặp ngày càng xảy ra nhiều và gay gắt, thì ở những khu vực rủi ro cao vẫn có dân cư sinh sống và sản xuất. Vì sao lại có nghịch lý này?
Lý do cốt lõi là việc quy hoạch sử dụng đất chưa đủ chi tiết và chưa tính toán đầy đủ đến yếu tố rủi ro thiên tai ngày càng lớn do BĐKH, thậm chí ngay cả ở các đô thị chứ chưa nói đến cấp thôn bản ở vùng sâu - vùng xa. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính hết quý I-2017, tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị mới đạt khoảng 35% (năm 2015 là 33%).
Một nguyên nhân quan trọng khác, những hoạt động cư trú và sản xuất tự phát của người dân chưa được kiểm soát tốt bởi chính quyền sở tại. Trong khi đó, xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo rủi ro riêng cho những khu vực “nhạy cảm” nhiều khi chỉ bao gồm trên dưới một chục hộ gia đình với 5-7 nóc nhà, lại đòi hỏi chi phí hàng chục tỷ đồng nên không khả thi. Giải pháp ít tốn kém hơn nhiều là di dời, tái định cư cho người dân đến những khu vực an toàn.
Hiệu quả phòng, chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai, dĩ nhiên, còn được quyết định bởi các giải pháp ứng phó cụ thể, tại chỗ, trên cơ sở là sự chuẩn bị nhân lực, vật lực từ trước đó. Phương châm “Bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) luôn phát huy tác dụng rất tốt, nhưng nghe thì đơn giản mà thực hiện đúng lại thật sự là một thách thức.
Tham gia phòng, chống cơn bão số 1 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vừa qua, một cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét: Tuy đây là những địa phương thường xuyên phải chống chịu với bão lụt, song vẫn có những thiệt hại đáng tiếc do giải pháp chưa hợp lý. Chẳng hạn, khá nhiều tàu thuyền đã được đưa vào bờ để tránh bão, nhưng do neo đậu không đúng cách nên đã tự va đập vào nhau, bị hư hại rất nhiều…
Xa hơn, vị cán bộ kỳ cựu này nhớ lại, khi cơn bão lịch sử Linda “quét” vào Nam Bộ năm 1997, nhiều ngư dân đã thiệt mạng rất đáng tiếc chỉ vì tâm lý “kiêng” không muốn đem theo áo phao lên tàu nên khi lâm sự không thể chống đỡ nổi.
Có thể thấy, trong điều kiện BĐKH diễn biến ngày càng khốc liệt, khó lường thì muốn nâng cao hiệu quả giảm nhẹ mất mát, thiệt hại do thiên tai, sẽ cần đến sự chuyển động của cả “chuỗi” ứng phó, nhằm thúc đẩy việc thực hiện cả một bộ giải pháp toàn diện, từ vĩ mô tới vi mô.