Vào những thời điểm khan hiếm máu để cấp cứu và điều trị bệnh nhân các trung tâm truyền máu thường nghĩ ngay đến những người đã hiến máu nhiều lần
“Tôi bị bệnh tan máu bẩm sinh, hàng tháng phải vào bệnh viện truyền máu đã 6 năm nay. Đợt vừa rồi nhóm máu O thiếu trầm trọng. Những bệnh nhân như chúng tôi phải chờ đợi, sức khỏe không ổn định, người dặt dẹo lắm”.
Tâm sự của Bà Vũ Thị Huyền ở Thạch Thành, Thanh Hóa cũng là tiếng lòng của hơn 20.000 bệnh nhân tan máu bẩm sinh trong cả nước đang sống nhờ sự sẻ chia giọt máu yêu thương của những người khỏe mạnh. Hầu hết những đơn vị máu phục vụ cấp cứu, điều trị hiện nay là do những người tình nguyện hiến tặng. Trong đó, có đóng góp của gia đình ông Lê Trung Truyền, 59 tuổi ở thôn 3, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Gần chục năm qua, ông Truyền cùng con trai, 2 con gái, 2 con rể, em gái và các cháu, tổng cộng 17 người thường xuyên hiến máu để cứu giúp người bệnh. Ông Truyền cho biết: “Chẳng có nhiều của cải để giúp đỡ người khác thì từ cái tâm của mình, hiến máu để giúp đỡ những người đang mắc bệnh”.
Mỗi lần đi hiến máu là ông Truyền lại dậy từ sáng sớm lo ăn cho đàn lợn 100 con rồi mới lên đường. Đến nay, ông đã hiến máu gần 20 lần và con gái thứ 2 của ông là Lê Thị Bích Diệp, 31 tuổi hiến máu nhiều nhất nhà với gần 30 lần; tiếp đến là 2 con rể Lê Xuân Tiệp, Nguyễn Đức Phúc cũng trên, dưới 20 lần hiến máu. Còn một năm nữa là hết tuổi hiến máu, ông Truyền vẫn đang đều đặn thực hiện nghĩa cử cao đẹp này: “Có lần tôi hiến 450ml, có lần 350ml hoặc 250ml. Mình hiến máu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe đâu. Tôi vẫn tham gia đều, đến khi nào hết tuổi hiến máu”.
Thường xuyên có mặt tại những ngày hội hiến máu do Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tổ chức còn có vợ chồng anh Lưu Việt Hoàn, chị Phan Bích Thủy ở quận Hà Đông, Hà Nội. Hơn 30 tuổi, gần chục lần đi hiến máu cùng nhau, họ thường mang theo cô con gái nhỏ để dạy cho con biết nghĩa cử nhân văn, “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Anh Hoàn, chị Thủy đồng lòng giúp đỡ những người bệnh cần truyền máu chỉ đơn giản là bắt nguồn từ sự thúc giục từ trái tim: “Tôi nghĩ việc hiến máu là một hành động đẹp, một việc làm tốt mà mọi người nên làm.
Tôi đã từng chứng kiến những bệnh nhân chờ máu, thương lắm. Tôi thấy mình còn trẻ, có sức khỏe, cần phải làm việc tốt cho người bệnh và xã hội”
Đóng góp vào việc hiến máu cứu người không thể không nhắc tới gia đình ông Lê Đình Duật ở Thanh Xuân (Hà Nội) hiến hơn 140 đơn vị máu, gia đình chị Huỳnh Thị Mỹ Dung ở Cam Ranh, Khánh Hòa cũng hiến máu hàng trăm lượt. Bên cạnh đó là hàng nghìn thành viên trong các câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” và nhóm máu hiếm luôn sẵn sàng đến bệnh viện bất cứ lúc nào để cứu bệnh nhân. Rồi những tấm gương tiêu biểu như anh Nguyễn Hữu Thuận, 44 tuổi, nhân viên Đội quản lý trật tự đô thị Quận 1, TP HCM hiến máu suốt 26 năm, dẫn đầu cả nước với hơn 100 lần hiến máu…
|
Vợ chồng ông Lê Trung Truyền. |
Nói về những còn người này, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho rằng: “Chúng tôi rất cảm động khi có những người hiến máu nhiều lần và nhiều gia đình cả nhà đi hiến máu, cho thấy trách nhiệm trước cộng đồng, sẵn sàng cho đi một phần sự sống cho đồng loại, đó là việc làm tốt, phát huy được truyền thống cao đẹp của dân tộc ta”.
Hiện số người tham gia hiến máu tình nguyện ở nước ta đã chiếm hơn 90% và tỷ lệ hiến máu đạt 1,6% dân số, tuy tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu điều trị. Nếu không có máu để truyền, những ca cấp cứu gặp muôn vàn khó khăn, người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ chết bởi tình trạng thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể…
Trở lại với bà Vũ Thị Huyền ở Thanh Hóa. Có lẽ những bệnh nhân cần truyền máu thường xuyên như bà hiểu sâu sắc hơn ai hết về giá trị của thông điệp “mỗi giọt máu cho đi- một cuộc đời ở lại”.
Những người hiến máu tình nguyện chính là “thần sống” của bệnh nhân: “Bệnh nhân tan máu bẩm sinh vô cùng biết ơn những người con đất Việt đã chia sẻ những giọt máu để cứu những người bệnh như chúng tôi, chúng tôi vô cùng biết ơn”./.
Theo VOV.VN