Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 2/2/2019 8:30'(GMT+7)

Những "nút thắt" khiến nông nghiệp Việt chưa thể cất cánh

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, năm 2018. (Ảnh minh họa. Vietnam+)

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, năm 2018. (Ảnh minh họa. Vietnam+)

Những ngày cuối năm 2018, một thông tin trong lĩnh vực kinh tế khiến cho nhiều người phấn khởi, lần đầu tiên sau 10 năm kể từ khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam chính thức lấy lại đà tăng trưởng khi GDP đạt mức 7,08%.

Trong đà tăng trưởng này, có một phần đóng góp từ những người nông dân chân lấm, tay bùn. Tăng trưởng toàn ngành nông lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2018 đạt 3,76% (đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã lên đến 40,02 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế về điều kiện khí hậu, thiên nhiên, vị trí địa lý, con người, cơ hội khi đất nước hội nhập sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do… thì ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có những bước đột phá mang tính chất “tạo bão” như mong đợi.

Các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần đổi mới chính sách, tạo cơ chế để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình gắn kết người nông dân, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao… mới mong nền nông nghiệp Việt có vị thế trên thị trường quốc tế.

Bài 1: TÌM HƯỚNG ĐI CHO SẢN XUẤT NÔNG HỘ NHỎ LẺ

Khẳng định “Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã từng bước có sự chuyển biến và đạt nhiều thành tựu với tốc độ tăng trưởng liên tục.

Song để nhìn nhận thẳng thắn và công bằng, tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “nông nghiệp, nông thôn Việt Nam còn những khó khăn, vướng mắc và cần tập trung khắc phục ngay trong thời gian tới.”

80% HỘ NÔNG NGHIỆP QUY MÔ NHỎ

Giữa tiết đông giá rét, hình ảnh những người nông dân vun phẳng mặt ruộng để gieo mạ bằng đôi tay trần trong một xã hội hiện đại với cuộc cách mạng 4.0 “gõ cửa” từng ngôi nhà là điều không khỏi ám ảnh nhiều người.

Khi được hỏi về điều này, Anh Nguyễn Ngọc Bình, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết: “Cách làm thủ công này có từ bao đời nay rồi, không làm như vậy đất làm sau phẳng đều. Gieo nếp cái hoa vàng phải chăm sóc rất cẩn thận, mạ được giữ ấm chân sẽ cho năng suất cao”.

Đó là tư duy nói chung của những người nông dân hiền lành, cần cù, chất phác và giỏi chịu đựng cái nắng, cái gió, cái rét… đã gắn vào nghiệp nhà nông của mình.  

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ Trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương trao đổi, nền sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, thiếu liên kết và hợp tác sản xuất tạo ra trở ngại lớn cho việc đưa cơ giới hóa, hiện đại hóa, khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

“Hiện nay, 80% số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn 1 ha/hộ. Năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập bình quân tại nông thôn chỉ đạt 2,437 triệu đồng/tháng/người”, ông Tiến cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mặc dù, cơ cấu lại nông nghiệp đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng việc triển khai thực chất là chưa đồng đều ở các địa phương. Hơn nữa, hoạt động sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người chưa trở thành phổ biến và chủ đạo, do đó kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đây chính là nguyên nhân gây ra những hạn chế, yếu kém đồng thời cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn tại Việt Nam.

Thu nhập bình quân tại nông thôn chỉ đạt 2,437 triệu đồng/tháng/người. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

GẮN KẾT THẾ NÀO?

Để có những "cánh đồng mẫu lớn", câu chuyện dồn điền đổi thửa thời gian qua đã được thực hiện. Thế nhưng, ở góc khác, GS. TS. Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản: “Người Nhật không có cánh đồng lớn với quy mô sản xuất tập trung hàng trăm ngàn ha, song nông dân của họ vẫn cặm cụi trên mảnh đất không lớn đó. Họ lo duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản trong các Noukyou (tạm gọi là Nông hiệp). Đó là một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thửa, một kiểu Hợp tác xã”.

Theo đó, Nông hiệp sẽ có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp và lo giải quyết đầu vảo, đầu ra cho sản phẩm, để người nông dân có thu nhập cao nhất. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ lo chính sách với mục tiêu người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng, đặc biệt là Nhà nước sẽ không can thiệp vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của các Nông hiệp hay của hộ nông dân.

“Hiện nay, người làm trong nông nghiệp tại Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3% dân số quốc gia. Song, họ lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chuỗi giá trị hiệu quả”, vị giáo sư này chia sẻ.

Ở một ví dụ khác, tại Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế - SRP do Quỹ môi trường Liên hợp quốc và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức, một liên kết sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP đã được tạo ra.

Và, bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2018, SRP đã kết hợp với dự án viễn thám Sat4Rice (ứng dụng cho người nông dân qua các thông tin trong tất cả các giai đoạn sản xuất) mở rộng trên toàn bộ 100% vùng nguyên liệu của Lộc Trời với 3.518 hộ nông dân có diện tích gieo trồng 10.836 ha. Viện Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Lộc trời ký kết chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền 2 giống lúa thuần MO 9577 và MO18.

Kết quả của quá trình liên kết trên được Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ, lợi nhuận của người nông dân được gia tăng so với các mô hình sản xuất bên ngoài khác, cụ thể mỗi ha gieo trồng giảm được 1,2 đồng chi phí và thu tăng là 1,6 triệu đồng, nhờ đó tổng lợi nhuận có thêm 2,8 triệu đồng/ha.


Giải thích cụ thể cho những kết quả này, ông Thòn chỉ ra “mô hình liên kết đã giúp cho người dân áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật và quy trình sản xuất. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm đầu ra được đảm bảo theo hướng an toàn. Điều này giúp cho thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, từ đó góp phẩn giảm chi phí, tăng năng suất và thu nhập. Đáng nói hơn, môi trường sản xuất đã được bảo vệ với việc giảm thải ô nhiễm, từ đó tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp”.

Thực tiễn trong quá khứ chỉ ra rằng, những mô hình kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch và lợi thế so sánh, thiếu tập trung khiến cho người sản xuất thường xuyên phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ những biến động thị trường thế giới. Và, đây chính là nguyên nhân tạo nên một nền nông nghiệp mang tên ‘giải cứu.’

Giáo sư Trần Đức Viên nhấn mạnh, việc cần thiết phải làm là phát triển nông thôn văn minh. Ông kiến nghị các cơ quan quản lý cần xây dựng được hệ thống thu thập, phân tích và hỗ trợ ra quyết định trong sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghệ như hiện nay.

“Việt Nam cần xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2030, bao gồm việc các chỉ số về chất lượng cuộc sống, chỉ số hài lòng của người dân, cần thiết sớm xây dựng trung tâm khai thác dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ ra quyết định trong điều hành, quản lý và chỉ đạo sản xuất- kinh doanh nông nghiệp và và phát triển nông thôn,” giáo sư Trần Đức Viên nói./.

Bài 2: CHĂN NUÔI TỰ ĐỘNG SẼ THAY THẾ SỰ HIỆN DIỆN CỦA CON NGƯỜI

Những mô hình sản xuất nhỏ lẻ thường xuyên phải đối mặt với những tác động từ thị trường. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

(Còn nữa)

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất