Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
CƠ SỞ LÝ LUẬN QUAN TRỌNG
PGS. TS. Nguyễn An Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh cho rằng, việc cách mạng Việt Nam lựa chọn “con đường đi theo
chủ nghĩa Lênin” để giải phóng dân tộc và phát triển đất nước là thành
tựu tư duy lý luận lớn nhất trong hành trình đi tìm đường cứu nước của
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dĩ nhiên, từ lý luận mang tính tổng quát của một học thuyết mang tính
chất toàn thế giới, khi vận dụng vào thực tiễn của một quốc gia, bao
giờ cũng cần tới một hàm lượng lớn của sự sáng tạo của Đảng và của lãnh
tụ. Chính vì vậy, trong thực tiễn nghiên cứu lý luận hiện nay, tất cả
các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đều có một nhà tư
tưởng. Họ là người đầu tiên nhận thấy, truyền bá và vận dụng thành công
chủ nghĩa Mác - Lênin vào quá trình cách mạng của đất nước. Ở Việt Nam,
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một trường hợp như vậy.
Theo PGS. TS. Nguyễn An Ninh, Lênin coi lý luận về “sứ
mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân” là “trọng tâm và nội
dung chủ yếu của học thuyết Mác”. Người cũng là lãnh tụ vĩ đại của giai
cấp vô sản và Đảng Cộng sản Nga đã thực hiện thành công của Cách mạng
Tháng Mười Nga (1917). Tóm lại, tư tưởng giải phóng giai cấp công nhân,
giải phóng xã hội, giải phóng con người là trục chính của học thuyết
này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo ở chỗ, lấy học thuyết về
giải phóng giai cấp làm cơ sở lý luận cho quá trình giải phóng dân tộc.
Trước đó, tất cả các nhà cách mạng Việt Nam đều trên lập trường “dân tộc
chủ nghĩa”. Chính vì vậy mà đương thời, cụ Phan Bội Châu đã đánh giá
“chủ nghĩa xã hội là chiếc xe tăng xông vào thành trì của chủ nghĩa dân
tộc”. Đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở “công nông là gốc của cách mệnh”,
“các giai cấp khác là bầu bạn” của cách mạng giải phóng dân tộc và xây
dựng đất nước là một tư tưởng rất mới mẻ và rất sáng tạo của Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Như thực tiễn đã xác nhận, đây là một tư tưởng rất đúng đắn
vì phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Một sáng tạo lớn cần phải kể tới là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm
đến vấn đề trách nhiệm của các Đảng Cộng sản đương thời với vấn đề giải
phóng dân tộc thuộc địa. Chính Lênin là người đầu tiên đề cập đến trách
nhiệm này trong một văn kiện quan trọng của Đại hội lần thứ II Quốc tế
Cộng sản (tháng 7/1920). Tại Đại hội này, V.I.Lênin đã trình bày “Sơ
thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc
địa” và đã được cả Đại hội ủng hộ. Từ đây, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc -
Hồ Chí Minh đã đặt tiến trình giải phóng dân tộc trong tiến trình cách
mạng vô sản và coi “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế
giới”. Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện “là con nòi
của Dân tộc”, là Đảng của giai cấp công nhân và đồng thời là “Đảng của
dân tộc Việt Nam”. Giải phóng dân tộc để tạo tiền đề giải phóng các giai
cấp bị áp bức bóc lột là một cách tiếp cận rất mới mẻ của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
“Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” cũng là một ví dụ
tiêu biểu tư duy sáng tạo Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm một năm ngày
V.I.Lênin qua đời, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Lênin và các dân tộc
thuộc địa”, trên tạp chí Đỏ (Liên Xô) số 2 (1925). Khẳng định những cống
hiến lớn lao của Lênin, Người viết: “Trong lịch sử cuộc đời khổ đau và
bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc
đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn
thể nhân loại bị áp bức”. Từ tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn
độc lập của dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nước giành được
độc lập thì nhân dân phải được hưởng những giá trị của chủ nghĩa xã hội:
“Ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành”.
PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Phân tích về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, PGS. TS. Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và
phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: C.Mác và
Ph.Ăngghen khẳng định, cách mạng vô sản sẽ nổ ra đồng loạt ở các nước tư
bản phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ. Đến Lênin, ông đã có bước phát triển
khi cho rằng, cách mạng vô sản có thể nổ ra ở những nước chủ nghĩa tư
bản phát triển trung bình như Nga và ở những nước thuộc địa, cách mạng
vô sản chỉ có thể thành công khi cách mạng vô sản ở chính quốc thành
công, sau đó trở lại cách mạng vô sản ở chính quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo
quan điểm của Lênin khi cho rằng: “Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc
địa không nhất thiết phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có
thể chủ động giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc”. Đây
là cái nhìn hết sức mới mẻ và độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam. Chính việc vận dụng sáng tạo lý luận này của chủ
nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam mà Việt Nam đã giành thắng lợi
năm 1945.
Về đấu tranh giai cấp: Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, qua
khảo sát thực tế ở các nước trên các châu lục Âu, Phi, Mỹ và ngay cả
trên đất Pháp, nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã rút ra nhận xét rằng: Chủ
nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân là nguồn gốc mọi sự đau khổ của công
nhân, nông dân lao động ở cả “chính quốc” cũng như ở thuộc địa; cách
mạng tư sản Pháp cũng như cách mạng tư sản Mỹ là cách mạng không đến
nơi; ''Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác
con đường cách mạng vô sản”.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không “bê” nguyên xi lý luận của chủ nghĩa
Mác - Lênin vào Việt Nam, bởi theo Người, “Mác đã xây dựng học thuyết của
mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử
châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Vì vậy,
chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng: vấn đề giai cấp quyết định vấn đề dân
tộc: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc
này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”. Nhưng nhận xét về tính đặc
thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông, Hồ Chí Minh viết: "Cuộc
đấu tranh giai cấp diễn ra không giống như ở phương Tây, bởi vì xã hội
Đông Dương, Ấn Độ hay Trung Quốc, xét về mặt cấu trúc kinh tế không
giống như xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại và đấu
tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây"; “Nghe người ta nói giai
cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét
hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Từ đó, Hồ Chí Minh cho
rằng, ở Việt Nam đấu tranh giai cấp phải gắn liền đấu tranh giải phóng
dân tộc trên lập trường giai cấp vô sản.
Về lực lượng cách mạng: Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, để cách mạng vô sản
thành công cần có sự liên minh giai cấp: công nhân, nông dân và tầng
lớp trí thức. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng
định: Cách mạng giải phóng dân tộc “là việc chung cả dân chúng chứ
không phải việc một, hai người”; “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí
chống lại cường quyền”; “công - nông là người chủ cách mệnh”, “công -
nông là gốc cách mệnh”; "dân tộc cách mệnh chưa phân giai cấp, nghĩa là
sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền"…
Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta khẳng định:
“Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt
Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là
đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực
chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững
của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng chủ nghĩa xã
hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và chính điều này đã đưa cách mạng Việt Nam đi
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, PGS. TS. Lê Thị Thanh
Hà nhấn mạnh.
TẠO NÊN SỨC MẠNH CỦA CẢ DÂN TỘC
PGS. TS. Nguyễn An Ninh cho rằng, việc vận dụng trung
thành và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa rất quan trọng trên con
đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Đầu tiên là giá trị định
hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Từ khi lựa chọn “con đường đi
theo chủ nghĩa Lênin”, cách mạng Việt Nam đã liên tục giành những thắng
lợi vĩ đại và đưa cả dân tộc tiến cùng thời đại quá độ đi lên chủ nghĩa
xã hội.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định muốn có chủ nghĩa xã hội phải trên cơ
sở vật chất của các cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của giai
cấp công nhân; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng cơ sở
vật chất của xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, “xây dựng giai cấp công nhân
hiện đại, lớn mạnh”... là những giải pháp rất cơ bản được gợi ý từ chủ
nghĩa Mác - Lênin.
Đặc biệt, vận dụng sáng tạo sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin giúp cho vị
thế làm chủ của giai cấp công nhân, của nhân dân mà sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội mang lại, phải thường xuyên được củng cố, phát triển.
Đó là liên kết bền vững và cơ bản nhất tạo nên sức mạnh của cả dân tộc
trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
PGS. TS. Lê Thị Thanh Hà cho rằng, trên con đường xây
dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là nền tảng
tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam. Bởi,
chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống các quan điểm lý luận và phương
pháp luận khoa học được kết tinh và là đỉnh cao thành tựu trí tuệ của
loài người, của tinh hoa văn hóa mà nhân loại đã sáng tạo ra. Chủ nghĩa
Mác - Lênin là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ
rõ con đường giải phóng triệt để cho giai cấp công nhân, nhân dân lao
động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô
dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hóa về nhiều mặt, đã đem
lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho con người./.
ĐỖ BÌNH (TTXVN)