Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 29/4/2020 9:8'(GMT+7)

Những tháng ngày duy trì mạch máu thông tin giữa mưa bom, bão đạn

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trước yêu cầu của cách mạng, bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng, góp phần quan trọng vào việc cổ vũ tinh thần quân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam khi ấy còn trực tiếp cầm súng chiến đấu như những chiến sỹ kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo toàn căn cứ.

Nỗi niềm nữ nhà báo nơi rừng sâu

“Những phóng viên nữ được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã khi ấy cũng không hề bị bắt buộc ra mặt trận. Thế nhưng, khi cả dân tộc đang ‘căng mình’ chi viện cho miền Nam, chúng tôi không thể ngồi yên! Nhiều câu chuyện về những cô gái bị sốt rét rừng hành hạ, vết thương chi chít trên cơ thể, mái tóc óng ả của thiếu nữ trở nên xác xơ… không thể ngăn cản chúng tôi viết đơn tình nguyện đi B,” nữ nhà báo Minh Huệ, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ.

Đường Trường Sơn, “tuyến lửa” huyền thoại thử thách ý chí và bản lĩnh con người, đặt phóng viên chiến trường vào những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Nhà báo Cao Tân Hòa, cựu học viên GP10 nhớ lại, khoảng hơn 10 ngày từ khi rời Hà Nội (16/3/1973), chiếc xe chở nhóm phóng viên B3 vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng gặp nạn trên đường Hồ Chí Minh. Nữ phóng viên Cao Tân Hòa bị thương nặng, phải ở lại điều trị tại một binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559 trong gần một tháng. Bác sỹ quân y kết luận bà bị chấn thương sọ não, cần chuyển về tuyến sau điều trị.

“Nghe xong, tôi thấy mọi thứ chao đảo trước mắt mình. Không lẽ, vào đến đây rồi, tôi lại phải quay về? Cuộc hành trình mới của tôi mới bắt đầu không lâu và tôi không muốn phải dừng lại! Khát vọng lên đường thôi thúc tôi thuyết phục các bác sỹ cho phép tiếp tục điều trị tại binh trạm, để sau khi hồi phục, tôi có thể thuận tiện lên đường làm nhiệm vụ. Lúc ấy, tôi thiết nghĩ, nếu trí óc bị ảnh hưởng, không thể làm phóng viên lấy tin, viết bài, tôi vẫn có thể góp sức vào cuộc chiến chung bằng những công việc khác như phục vụ hậu cần, chăm sóc thương binh,” bà Hòa kể lại.

Với chiếc balô, mũ tai bèo và gậy Trường Sơn, các nữ phóng viên chiến trường đã lội suối, băng rừng. Dưới đại ngàn Tây Nguyên, những cô gái tuổi đôi mươi đã đi đến tận cùng những cung bậc cảm xúc: yêu thương, sẻ chia, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi…

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây…” Bà Hòa vừa lẩm nhẩm câu ca vừa bảo, nếu chưa trải nghiệm thực tế, sẽ rất khó để hình dung được sự khắc nghiệt của thời tiết.

“Khi vừa trải qua những ngày hành quân mệt nhoài dưới cái nắng như đổ lửa cuối mùa khô ở Đông Trường Sơn, chúng tôi lại dầm mình giữa những cơn mưa tầm tã của Tây Trường Sơn. Ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa… đã trở thành điều bình thường trên đường hành quân vào vùng chiến sự,” người phụ nữ từng trải qua một thời đạn bom nhớ lại.

Miên man trong câu chuyện, bà bảo, chỉ phụ nữ mới thấu hiểu nỗi vất vả khi “đến tháng” mà phải ở vào hoàn cảnh thiếu nước. Sau những chặng hành quân, việc được dừng chân ở gần bờ suối là điều lý tưởng. Còn nếu dừng lại ở lưng chừng đèo hay vách núi thì ôi thôi… là khổ! Chị em chỉ còn cách cuốn vải xô lại, mang theo đến nơi có nguồn nước thì lấy ra giặt.

Tay súng-tay bút, tay súng-tay máy

“Vào miền Nam, chúng tôi không chỉ là nhà báo viết tin, chụp ảnh, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, bảo vệ căn cứ, tham gia tải gạo, làm rẫy, tăng gia sản xuất...,” nhà báo Vương Nghĩa Đàn, cựu học viên khóa GP10 nhớ lại.

Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng có mặt trong tất cả các chiến dịch lớn, ở những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất, luồn sâu vào vùng địch, trong ấp chiến lược.

Nhà báo Hứa Kiểm-một trong những tay máy nòng cốt của tổ ảnh quân sự đã kiên cường bám trụ ở “tuyến lửa” Vĩnh Linh, “cung đường lửa”-Đường 20 Quyết thắng…

Ngược dòng thời gian, cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm kể, vào đầu năm 1966, một tuyến đường mới dài hơn 120km (Đường 20) được mở, bắt đầu từ thôn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình), vắt ngang dãy Trường Sơn, gặp Đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm (Khăm Muộn, Lào). Đây là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bởi vậy, đến trước thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, Đường 20, đặc biệt là cụm trọng điểm liên hoàn ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ.

Theo lời kể của ông, trong giai đoạn nửa cuối năm 1966, có ngày, địch cho máy bay B52 quần thảo khu vực này tới 18 lần. Sự tàn phá của địch khiến nơi đây hoang tàn như vùng đất chết: Cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc, vùng đất đỏ biến thành ao bùn lầy…

Để có được những bức ảnh ghi lại cảnh những đoàn xe, chiến sỹ vượt qua những đoạn đường lầy, nhà báo Hứa Kiểm cũng phải lội bùn hàng giờ. Những lớp bùn nhầy nhụa, bết dính khiến cho công việc càng trở nên khó khăn. Ông càng cố giơ máy lên cao thì lại càng bị kéo lún xuống, lúc cúi thấp để chụp thì lại sợ bùn bắn lên làm hỏng máy. “Giữa chiến tranh, phương tiện kỹ thuật hạn chế, một chiếc máy ảnh quý giá lắm,” ông Kiểm nói.

Trong thời chiến, việc thu thập thông tin, chụp được những bức ảnh đã khó, việc phát tin, in ảnh, gửi về tổng xã còn khó khăn gấp nhiều lần.

Nhà báo Hứa Kiểm nhớ lại, giữa rừng sâu, khi tráng phim, in ảnh, phóng viên phải chui vào màn để tránh không bị muỗi, côn trùng bám vào làm hỏng phim. Ở nhiều nơi, anh em còn phải tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt, làm ảnh.

Ngoài ra, do không có phòng tối, những chiến sỹ trên mặt trận thông tin phải đợi khi màn đêm buông xuống mới có thể mang phim ra tráng. “Không ít lần, khi tôi đang in, tráng ảnh thì máy bay địch quần thảo trên đầu. Tôi được lệnh vào hầm trú ẩn. Lúc trở lại, tất cả số phim đã tan tành theo đạn bom. Ngoài ra, trong hang, độ ẩm không khí cao nên phim cũng bị hỏng nhiều. Phóng viên và kỹ thuật viên phải dùng máy quay tay phát điện để gửi về tổng xã, có khi cặm cụi cả buổi cũng chỉ gửi được một tấm ảnh,” ông Kiểm nhớ lại một thời gian khó.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoảng 240 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã ngã xuống trên khắp các mặt trận từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Ông Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng cho biết sau những trận càn của địch, có những phân xã đã hy sinh toàn bộ, điển hình như phân xã Nam Tây Nguyên có năm phóng viên, kỹ thuật viên đều hy sinh trong năm 1969. Ngoài ra, có nhiều căn cứ (phân xã Kiên Giang, phân xã Long An…) liên tục bị địch càn quét nhằm ngăn cản việc cung cấp thông tin về tình hình chiến sự cho Trung ương Cục miền Nam và các cơ quan báo chí trong, ngoài nước.

Việt Nam Thông tấn xã luôn coi việc chi viện cho miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng. Trong khoảng thời gian từ năm 1959-1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử gần 450 phóng viên, kỹ thuật viên vào chiến trường miền Nam, chưa kể những đoàn phóng viên đi các chiến dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam Thông tấn xã còn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc cho Thông tấn xã Giải phóng. Để chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyển biến mới ở miền Nam, tháng 3/1973, một đoàn xe chở lượng lớn trang thiết bị kỹ thuật (bao gồm máy phát sóng 500W, máy truyền ảnh, máy truyền chữ…) đã khởi hành từ Hà Nội theo đường giao liên vượt Trường Sơn vào căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng. Nhờ đó, khả năng cung cấp thông tin, uy tín, vị thế của Thông tấn xã Giải phóng được nâng lên.

Trong buổi làm việc với Việt Nam Thông tấn xã (ngày 26/3/1974), bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã biểu dương sự chi viện, giúp đỡ của Việt Nam Thông tấn xã đối với Thông tấn xã Giải phóng để đơn vị này ngày càng phát triển, góp phần thông tin, tuyên truyền cho nhân dân trong nước và dư luận quốc tế hiểu được tính chính nghĩa trong cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam.

Việc tiếp sức này càng có ý nghĩa to lớn khi đặt trong hoàn cảnh Việt Nam Thông tấn xã vừa phải xây dựng, bảo đảm thông tin vừa phải chiến đấu để bảo toàn, giữ vững lực lượng lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật để tin, ảnh của hai cơ quan thông tấn không bị gián đoạn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất