Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/10/2008 21:53'(GMT+7)

Năm 2008: Phấn đấu tăng trưởng sản xuất từ 16-16,8%

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng nay, 6/10, tại cuộc giao ban tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9 và 9 tháng năm 2008 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các Tập đoàn kinh tế, Hiệp hội, doanh nghiệp và ngành hàng tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất trong 3 tháng cuối năm để bù lại sự sút giảm về tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm, phấn đấu bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 16-16,8% so với năm 2007.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: 3 tháng cuối năm còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến việc toàn ngành có khả năng hoàn thành được kế hoạch 2008 hay không, nên ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành không được "lơi là, buông lỏng" mà phải tập trung phấn đấu bằng được để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong năm 2008 là 16-16,8%; giá trị gia tăng của toàn ngành đạt 7,2-7,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 64-65 tỷ USD, tăng 33%; nhập siêu 19 tỷ USD và thị trường trong nước tăng trưởng 30%... để góp phần đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7%.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong tháng 9, một số chỉ tiêu của ngành Công Thương thực hiện thấp so với tháng 8 và các tháng trước đó, cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây; thị trường hàng giả, hàng nhái và gian lận trong kinh doanh xăng dầu diễn ra dồn dập. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng lại là thời kỳ tăng trưởng cao (39%), đi đôi với nó là công tác điều hành nhập khẩu để nhập siêu không vượt quá 20 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

Nhiều ý kiến tại hội nghị giao ban đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình xuất nhập khẩu, nhất là các mặt hàng lớn ảnh hưởng tới mức tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành trong năm 2008 như dầu thô, may mặc, giày dép, điện tử, gỗ. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất từ nay đến cuối năm tiếp tục gặp khó khăn do giá vật tư giảm, giá sản phẩm theo đó cũng giảm theo trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao khiến việc vay vốn của doanh nghiệp phục vụ sản xuất gặp khó khăn. Không những thế, do chính sách hạn chế nhập khẩu, bên cạnh mặt tích cực là giảm nhập siêu nhưng vẫn tồn đọng lượng hàng hoá ở các cảng rất lớn; công tác đầu tư không có tiến triển.

Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ chính của Bộ được thực hiện chậm chạp, do vậy ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hoá. Các ý kiến cũng cho rằng, do cán cân vốn trong đầu tư trực tiếp, gián tiếp, kiều hối và du lịch giảm nên sẽ khiến sức ép cán cân thương mại cực kỳ căng thẳng.

Bộ Công Thương thừa nhận: nếu có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan trong Bộ thì chắc chắn sẽ có những giải pháp điều hành sản xuất và giá cả thị trường sát hơn./.                                        

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất