Chỉ đúng một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Morsi bị cáo buộc kích động giết người biểu tình bên ngoài dinh Tổng thống vào tháng 12-2012, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt chân tới thủ đô Cairo của Ai Cập trong một chuyến đi được mô tả là “âm thầm”. Không có bất cứ một cơ quan chức năng nào của phía Ai Cập chịu xác nhận thông tin về chuyến đi cho đến khi nó xảy ra. Các giới chức Mỹ biện giải rằng việc giữ bí mật như thế là để nhằm “bảo đảm an toàn” cho người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Thế nhưng có một thực tế là trong lịch sử trước đây, chưa từng có một ngoại trưởng Mỹ nào tới Ai Cập trong điều kiện bí mật đến thế. Kết luận được rút ra: hoặc là tình hình Ai Cập đang quá mất ổn định, có thể đe dọa đến sự an nguy của Ngoại trưởng Mỹ; hoặc là phía Ai Cập không mấy hào hứng với chuyện thăm của Ngoại trưởng Mỹ.
Có vẻ như cả hai giả thiết này đều đúng trong bối cảnh hiện nay, khi mối quan hệ Mỹ - Ai Cập đang trải qua những giờ phút trầm lắng, nếu không nói là khủng hoảng.
ẢO MỘNG “MÙA XUÂN Ả RẬP”
Khi Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố về chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, không ai ngây thơ lại nghĩ rằng vậy là nước Mỹ sẽ bỏ lửng tất cả những khu vực còn lại trên thế giới, đặc biệt là địa bàn Trung Đông - Bắc Phi.
Chính sách của Mỹ là một chính sách toàn cầu và sẽ luôn là như thế, không thay đổi từ trước đến nay. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice đã tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi sẽ không để bị cuốn 24 giờ/ngày và bảy ngày/tuần vào một khu vực, cho dù nó quan trọng đến mức nào đi chăng nữa!”.
Nói cách khác, dù coi châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn chiến lược của thế kỷ 21, thế nhưng Mỹ sẽ không buông bỏ Trung Đông - Bắc Phi như là một “cục nợ”, cho dù có nhiều giai đoạn, chính sách về Trung Đông đã gần như “nuốt chửng” chương trình nghị sự về đối ngoại của các đời Tổng thống Mỹ trước đây. Chỉ là một sự điều chỉnh sao cho thích hợp và trong khi tiến hành những điều chỉnh này, Mỹ đã hết sức kỳ vọng vào những kết quả của phong trào “Mùa xuân Ả rập”.
Mỹ đã từng hy vọng về một vị thế “bất chiến tự nhiên thành”, khi hàng loạt chính quyền mà Mỹ lâu nay không ưa như của Tổng thống Gaddafi hay Bashar An Assad, thì hoặc sụp đổ (như ở Libya) hoặc đang căng mình chống đỡ với lực lượng đối lập (như ở Syria). Cùng với việc các lực lượng của Mỹ đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh lần hai hồi năm 2003, có thể xem như Mỹ đã thu hoạch được những lợi ích địa chiến lược to lớn, có thể kê cao gối ngủ kỹ sau khi những “cái gai” trong ruột đã được nhổ đi! Thế nhưng té ra không phải thế! Yemen, quốc gia nhờ làn sóng Mùa xuân Ả rập thổi bay Tổng thống Ali Abdullah Saleh sau 32 năm cầm quyền, đã trở thành một trong những cứ địa quan trọng bậc nhất của Al Qaeda khi làn sóng quân khủng bố trên bán đảo Ả rập đã tụ về, có khả năng biến nơi này thành một “Afghanistan” thứ hai đối với Mỹ.
Iraq, sau khi bị Mỹ “bình định” rồi rút quân, thành một quốc gia rách nát tả tơi vì những vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu trên khắp các đô thị lớn.
Libya, sau cái chết đầy bí hiểm của ông Gaddafi, những tưởng có được hòa bình thì tiếp tục bị giằng xé bới những xung đột của các phe phái; cũng không ai quên rằng chính đại sứ Mỹ tại Libya, Chiristopher Stevens cùng ba nhân viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải trả giá bằng mạng sống của mình trong một cuộc tấn công được tính toán kỹ ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya...
Rồi đến Ai Cập. Hai tổng thống được bầu lên hợp pháp bị lật đổ trong vòng một năm trời bởi cùng những người dân giận dữ và sự ủng hộ của quân đội, đã cho thấy sự mất phương hướng của “Mùa xuân Ả rập” trong một không gian đan cài quá nhiều những mâu thuẫn và lợi ích. Ai Cập dưới thời Tổng thống H.Mubarak từng là một đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông. Thế nhưng trước hơi nóng của “Mùa xuân Ả rập”, với cái nhìn thực dụng, Mỹ đã buông bỏ ông này để rồi đón nhận một kết quả không hề mong muốn: một chính quyền Hồi giáo do những người thuộc đảng Anh em Hồi giáo lên cầm quyền. Và rồi khi chính quyền này tiếp tục bị lật đổ bởi người dân và quân đội, Mỹ lại bối rối trong việc định danh đấy là một cuộc “cách mạng” hay là một cuộc “đảo chính”?
THUỐC THỬ SYRIA
Lấy cảm hứng từ chiến dịch Bình minh Odysseyđược LHQ “cấp phép” diễn ra thành công ở Libya, Mỹ cùng các đồng minh dự tính tận dụng làn sóng “Mùa xuân Ả rập” để tái diễn kịch bản y chang tại Syria. Thế nhưng sự thể không hề ngon ăn như thế.
Nga (và cả Trung Quốc) sử dụng quyền veto, phủ quyết bất kỳ một nghị quyết nào của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhăm nhe đưa ra thông qua tại Hội đồng Bảo an LHQ theo hướng tạo điều kiện cho các lực lượng bên ngoài tiến hành “bề hội đồng” chính quyền của Tổng thống Bashar An Assad. Có nghĩa là bất cứ một hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Syria đều bị coi là bất hợp pháp.
Trong khi đó, lực lượng đối lập tại Syria, lại chỉ gồm tập hợp của những phe phái tôn giáo và chính trị khác nhau, có lợi ích và quyền lợi mâu thuẫn nên điều mà họ thống nhất được với nhau chỉ là “không thống nhất được cái gì cả”! Không có “vùng cấm bay” để các nước phương Tây hỗ trợ, trang bị yếu kém, mâu thuẫn triền miên, các lực lượng này bị quân đội của chính quyền ông Bashar An Assad áp đảo trên chiến trường và cuộc nội chiến ở Syria diễn ra dằng dai trong suốt hai năm trời chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Dĩ nhiên là Mỹ và các đồng minh châu Âu của mình muốn nhanh chóng xuống tay dứt ông Bashar An Assad. Không thiết lập được “vùng cấm bay” thì chỉ có cách viện trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria.
Nhưng khổ nỗi, trong lực lượng đối lập ở Syria, các thông tin tình báo cho thấy đầy rẫy đám Al Qaeda khủng bố và Hồi giáo cực đoan thánh chiến. Ngồi đọc lại sách lịch sử về...Afghanistan, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhớ ra rằng trong cuộc chiến của quân du kích Mujahideen chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan trước đây, trên quan điểm “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, Mỹ đã tuồn vũ khí vô tội vạ cho quân Mujahideen. Sau này, trong cuộc chiến của Mỹ chống Taliban và Al Qaeda ở Afghanistan, những tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ trang bị cho quân Mujahideen dùng để bắn máy bay trực thăng của Mỹ rất hiệu quả! Dân Mỹ đời nào để cho con em của họ phải đổ máu bởi chính vũ khí Mỹ thêm một lần nữa.
Thế cho nên Mỹ mới lừng chừng không dám viện trợ vũ khí sát thương cho quân nổi dậy chống chính phủ Syria, mà lại đẻ ra cái gọi là “giới hạn đỏ”, với tối hậu thư rằng nếu Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học với quân đối lập thì thế nào cũng ăn đòn! Thích thì có ngay! Đúng vào lúc các thanh tra vũ khí của LHQ đặt chân tới Syria thì phe đối lập đã cung cấp những cái gọi là “bằng chứng” về tấn công vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21-8 làm hàng ngàn người thiệt mạng. Ngay lập tức, Mỹ cùng các đồng minh thực hiện một cuộc động binh rầm rộ, đưa tàu chiến áp sát Syria, chuẩn bị cho một đòn tấn công quân sự trực tiếp vào quốc gia đồng minh thân thiết của Iran (và cả của Nga). Tình thế căng như dây đàn và khi tất cả đã đứng bên miệng hố chiến tranh thì bất ngờ Nga đưa ra một đề xuất, theo đó Syria đồng ý giải giới kho vũ khí hóa học khổng lồ của mình; đổi lại, Mỹ không tấn công Syria. Tổng thống Bashar An Assad (nhanh nhảu) và Tổng thống B.Obama (miễn cưỡng) chấp nhận đề xuất này bởi thật ra, nó là cái thang được bắc quá đúng lúc cho tất cả các bên leo xuống để thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà một cuộc chiến khốc liệt có thể kéo họ vào!
CHUYẾN CÔNG DU “GIẢI ĐỘC”
Trong khi thế giới thở phào bởi những quả tên lửa Tomahawk tạm thời không dội lửa xuống các thành phố Syria thì có thể hình dung ra tiếng thở dài não nuột của các lực lượng đối lập tại nước này, khi đòn tiến công quyết định cán cân lực lượng đã không diễn ra như họ mong muốn. Nhưng sự thất vọng của lực lượng đối lập ở Syria mới chỉ là một phần của câu chuyện. Chính những nhân tố đứng phía sau ủng hộ cho các lực lượng đối lập này mới là đối tượng không hài lòng nhất trước việc Mỹ bất ngờ xuống thang ở Syria.
Ở đây, xuất hiện một cái tên: Saudi Arabia.
Là quốc gia lớn nhất trên bán đảo Ả rập, có một nguồn dầu lửa thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, Saudi Arabia trước sau ủng hộ lực lượng chống đối chính quyền của Tổng thống Bashar An Assad bởi vì...không ưa Iran! Lý do không chỉ vì những khác biệt giữa các nhóm tôn giáo, mà còn vì tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, kể cả giành quyền điều chỉnh giá dầu lửa! Về lý thuyết mà nói, việc Mỹ lâu nay thực hiện các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt trừng phạt Iran, một quốc gia cũng có trữ lượng dầu lửa cực lớn, hạn chế nước này xuất khẩu loại vàng đen, lẽ ra là rất có lợi cho Saudi Arabi. Thế nhưng thời buổi người khôn của khó, nhu cầu về năng lượng để phát triển kinh tế quá lớn khiến cho một số nước vẫn tìm đến Iran để mua dầu lửa; vả lại những nước nhỏ có thể ngán ngại lệnh cấm vận của Mỹ chứ Trung Quốc hay Ấn Độ thì đâu có ngán! Vậy nên tác động của lệnh cấm vận này theo hướng có lợi cho Saudi Arabia là không đáng kể.
Bởi thế nên Saudi Arabia rất muốn thanh toán một đồng minh thân cận của Iran là Syria dưới chính quyền của ông Bashar An Assad nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ủng hộ phe đối lập ở Syria, một cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh đánh quỵ lực lượng của ông An Assad chính là điều mà Saudi Arabia chờ đợi nhất. Tuy nhiên, ở phút cuối cùng, điều đó đã không xảy ra và có thể hình dung ra Riyadh tức giận đến thế nào.
Những điều Saudi Arabia cảm thấy không hài lòng về ông bạn đồng minh lớn của mình không chỉ dừng lại ở vấn đề Syria. Việc quan hệ Mỹ - Iran bất chợt ấm lên với cuộc điện đàm lịch sử kéo dài 15 phút ở New York giữa Tổng thống hai nước, tiếp theo đó là những động thái hòa dịu của cả hai bên khiến Riyadh càng thêm hậm hực. Rồi thêm vào đó là việc Mỹ vẫn không chịu gây sức ép đủ mạnh lên Israel để tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Palestine và Israel đi vào thực chất cũng khiến cho Saudi Arabia bất mãn... Kết quả là Saudi Arabia lựa chọn một giải pháp kiểu “nhà văn từ chối giải thưởng”: sau khi được bầu làm Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, nước này từ chối nhận ghế với lý do cơ quan này của LHQ không đủ khả năng giải quyết các vấn đề của khu vực. Thông điệp được chuyển đi rất rõ ràng: Saudi Arabia không đồng ý với cách thức của Mỹ giải quyết các vấn đề của khu vực Trung Đông - Bắc Phi theo hướng mà Riyadh mong muốn -dĩ nhiên! Danh sách các đồng minh ở Trung Đông - Bắc Phi không hài lòng với Mỹ không dừng lại chỉ ở một cái tên Saudi Arabia. Ai Cập dẫu đang trong cơn rối ren vẫn hết sức phẫn nộ trước việc Mỹ đình chỉ khoản viện trợ quân sự 250 triệu USD cũng như hoạt động chuyển giao máy bay và xe tăng cho Ai Cập do những bất ổn diễn ra gần đây trên chính trường và ngoài đường phố của nước này.
Chẳng sao cả. Thay cho viện trợ Mỹ đã có viện trợ từ Hội đồng hợp tác vùng Vịnh với Saudi Arabia làm chủ xị; thay cho vũ khí Mỹ, Ai Cập quay sang tìm kiếm đối tác từ Nga với những hoạt động xúc tiến mua vũ khí được cho là lên đến 15 tỷ USD.
Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ thì coi việc nới lỏng những biện pháp trừng phạt chống Tehran là “sai lầm lịch sử” (của Mỹ), đồng thời luôn để ngỏ khả năng vượt mặt Mỹ để bằng mọi giá ngăn chặn khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, kể cả bằng một đòn tấn công quân sự mạnh mẽ...
Thế cho nên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải tiến hành chuyến công du “giải độc” tới hàng loạt quốc gia Trung Đông - Bắc Phi như Saudi Arabia, Israel, Jordan, Marocco với mục đích ngăn ngừa những rạn nứt nhỏ dẫn tới đổ vỡ lớn. Vì lợi ích quốc gia, các đồng minh của Mỹ ở khu vực này có thể tạm thời vượt qua những bất đồng, nhưng trên tầm nhìn dài hạn, đã qua rồi cái thời mà nhất nhất mọi cử động ở Trung Đông - Bắc Phi được quyết định bởi buồn vui trên nét mặt các chính trị gia ở Nhà Trắng hay đồi Capitol!
Theo Yên Ba/ Nhân Dân